Phát biểu trong phiên điều trần trước Ủy ban Tài chính thuộc Hạ viện Mỹ ngày 10/2, Chủ tịch FED Janet Yellen (ảnh) cảnh báo kinh tế Mỹ đang phải đối mặt với nguy cơ từ tình hình tài chính trong nước cũng như những bất ổn của kinh tế thế giới. Ảnh: THX/TTXVN |
Kinh tế thế giới đang đứng trước 5 hiện tượng mà Giáo sư Roubini gọi là những “điều bất thường”: Một là tiềm năng tăng trưởng của cả các nền kinh tế phát triển lẫn các nền kinh tế mới nổi đều bị giảm sút. Hai là tốc độ tăng trưởng thực sự của thế giới vẫn không đi lên, đáng quan ngại nhất là trường hợp của châu Âu. Thứ ba liên quan đến chính sách tiền tệ của thế giới.
Theo chuyên gia người Mỹ này, tất cả các quốc gia trên thế giới đều đua nhau áp dụng chính sách “tiền rẻ” để kích thích tiêu thụ và đầu tư. Hậu quả về lâu về dài, trên nguyên tắc, là lạm phát tăng lên, đồng USD mất giá, vàng và dầu mỏ thì tăng giá. Sau bảy năm liên tiếp Âu - Mỹ, Nhật Bản và cả Trung Quốc cùng nới lỏng chính sách tiền tệ, tất cả những tác động được dự báo đó đều không xảy ra: đồng USD tăng giá, dầu mỏ tuột dốc xuống mức thấp chưa từng thấy, lạm phát thì gần như ở số không. Đó chính là nghịch lý thứ tư theo quan điểm của Giáo sư Roubini. Điều bất thường cuối cùng là giá vật liệu trên thế giới đồng loạt giảm sút, trong lúc thế giới đang ngồi trên nhiều "thùng thuốc nổ", từ khủng hoảng về bản sắc tại châu Âu tới khủng hoảng địa chính trị ở Trung Đông - "giếng dầu" của nhân loại.
Ông Roubini nhận định về tình hình kinh tế toàn cầu hiện nay: tăng trưởng của Trung Quốc đang hụt hơi, lo ngại về đà phục hồi của kinh tế Mỹ chững lại sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, bất ổn địa chính trị tại Trung Đông, giá dầu mỏ liên tục đổ dốc và các tập đoàn, chủ yếu là của Mỹ, trong cảnh nợ nần chồng chất. Dù các chỉ số chứng khoán vẫn tăng cho tới những ngày rất gần đây, hiện tượng đó không thể kéo dài.
Năm 2006, ông Roubini là người đầu tiên báo trước khủng hoảng tài chính 2008-2009, xuất phát từ Mỹ.
Trong khi đó, tờ Libération (Pháp) không lạc quan hơn, với một bài báo ngắn: “Chứng khoán quốc tế, tình hình tạm yên ắng trước cơn giông tố”. Trên thị trường châu Âu, từ đầu năm 2016, cổ phiếu của các ngân hàng mất giá 25%. Một trong những nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này là do các ngân hàng châu Âu đã quá tin tưởng vào các tập đoàn dầu mỏ, cấp đến 3.500 tỷ euro tín dụng cho các hãng dầu khí. Có điều, trong 18 tháng qua, giá dầu mỏ không ngừng sụt giảm, kéo theo các đại tập đoàn dầu khí của châu Âu vào vòng xoáy.
Nhiều người lo sợ các "đại gia" dầu mỏ không đủ khả năng trả nợ đáo hạn. Theo tờ Les Echos, áp lực ngày càng lớn đối với các tập đoàn ngân hàng. Tờ La Croix cũng bày tỏ lo ngại: liệu kinh tế toàn cầu có được chuẩn bị để đối phó với một cuộc khủng hoảng mới hay không?