Nam Định đưa nông sản lên sàn điện tử

Ngày 7/10, Chi cục Quản lý Chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh Nam Định và Chi nhánh Bưu chính Viettel Nam Định đã ký kết hợp tác thúc đẩy tiêu thụ nông sản an toàn của tỉnh trên sàn thương mại điện tử voso.vn.

Chú thích ảnh
Chi cục Quản lý Chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh Nam Định và Chi nhánh Bưu chính Viettel Nam Định ký kết hợp tác. 

Nông sản gặp khó do dịch

Là tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, cùng với việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, kinh tế nông nghiệp, nông thôn tỉnh Nam Định có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, trình độ và hiệu quả cao.

Ông Đinh Hữu Thám, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh Nam Định cho biết, thời gian qua tỉnh đã quy hoạch sản xuất, thay đổi cơ cấu cây trồng, thời vụ hợp lý, phát triển sản xuất hàng hóa; tổ chức chặt chẽ công tác quản lý chất lượng, đảm bảo an toàn nông lâm, thủy sản; đẩy mạnh hỗ trợ phát triển các mô hình liên kết, tích cực xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

Đến năm 2021, tỉnh đã xây dựng và phát triển 35 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, 1 chỉ dẫn địa lý, 3 nhãn hiệu tập thể được chứng nhận bảo hộ; 35 cơ sở đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền; trên 400 sản phẩm có đăng ký mã số, mã vạch; 130 doanh nghiệp ứng dụng tem có mã QR Code truy xuất nguồn gốc với trên 300 dòng sản phẩm. Tỉnh hiện có 146 sản phẩm được UBND tỉnh cấp chứng nhận sản phẩm OCOP là các sản phẩm truyền thống và có thế mạnh như: lúa gạo, thủy sản, rau, củ, quả…

Dù đã chú trọng xây dựng các kênh hợp tác, tiêu thụ sản phẩm như thành lập và đẩy mạnh hoạt động của Hiệp hội Nông nghiệp sạch của tỉnh, liên kết với các địa phương khác tổ chức hội chợ kết nối nông sản; hỗ trợ các doanh nghiệp hoàn thiện điều kiện sản xuất và hồ sơ cần thiết để tham gia xuất khẩu chính ngạch… Tuy nhiên, một số kênh tiêu thụ, mối liên kết chưa đảm bảo tính bền vững, phương thức tiêu thụ truyền thống bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt là trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 và những biến động của thị trường.

Bà Trần Hà Linh, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Phát, thành phố Nam Định cho hay sản phẩm chủ lực của công ty là thịt lợn chế biến, cần có quy trình bảo quản nghiêm ngặt. Nhưng, thời gian qua, ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc tiêu thụ sản phẩm không những gặp nhiều khó khăn mà còn khiến doanh nghiệp phải chi trả rất nhiều tiền bảo quản, vận chuyển sản phẩm.

Với sản phẩm chủ lực là lúa gạo, ông Lê Văn Thanh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Thanh Đoàn, xã Việt Hùng, huyện Trực Ninh chia sẻ, dịch bệnh khiến doanh nghiệp của ông gặp nhiều khó khăn trong việc vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm. Đây không chỉ là khó khăn cho doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến các hộ dân ký kết hợp đồng cung ứng nguyên liệu, ảnh hưởng đến mối liên kết doanh nghiệp - nông dân.

Giải bài toán tiêu thụ

Chú thích ảnh
Toàn cảnh buổi lễ. 

Tại lễ ký kết hợp tác thúc đẩy tiêu thụ nông sản an toàn tỉnh Nam Định trên sàn thương mại điện tử voso.vn, đại diện các nhà quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã cho rằng, việc thiết lập thêm kênh tiêu thụ nông sản thông qua sàn thương mại điện tử là hướng đi đúng đắn, mang tính tất yếu trong thời đại công nghệ, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên nền tảng số, giảm thiểu sự phụ thuộc vào thương lái và ảnh hưởng của dịch bệnh.

Hoạt động này giúp tạo kênh thông tin nhanh, đầy đủ với chi phí thông tin, quảng bá sản phẩm thấp, các doanh nghiệp nhỏ, hộ cá thể có thể trực tiếp tham gia dễ dàng liên kết với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các sản phẩm đưa lên sàn thương mại giúp cho việc quản lý chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Ngay sau buổi lễ ký kết, 40 sản phẩm gồm: lúa gạo, muối, thịt và rau củ quả của tỉnh Nam Định được đưa lên 5 gian hàng trên sàn thương mại điện tử voso.vn. Dự kiến đến hết tháng 10/2021 sẽ có trên 100 sản phẩm của tỉnh được đưa lên sàn thương mại điện tử này.

Ông Trần Sách Vụ, Phó Giám đốc Chi nhánh Bưu chính Viettel Nam Định cam kết, sẽ tiến hành xây dựng hướng dẫn cụ thể cho các địa phương trong tỉnh, các chủ thể OCOP và doanh nghiệp có sản phẩm nông sản an toàn tham gia bán trên sàn voso.vn. Đồng thời, sàn thương mại điện tử voso.vn sẽ tổ chức các hoạt động quảng bá sản phẩm trên các kênh online và offline định kỳ.

Bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  tỉnh Nam Định yêu cầu, các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ việc xúc tiến, kết nối tiêu thụ nông sản của tỉnh. Để ngày càng nhiều sản phẩm nông sản an toàn của địa phương được lên sàn giao dịch điện tử, các bên cần xây dựng bộ tài liệu, quy trình tập huấn, hướng dẫn đầy đủ, chi tiết và ngắn gọn cho nông dân cũng như doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện, đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, với đặc thù sản phẩm nông nghiệp tươi, có quy trình bảo quản chặt chẽ, do đó các đơn vị như doanh nghiệp, đại diện sàn thương mại cần thống nhất cách đóng gói, giao nhận hàng, hỗ trợ kỹ thuật cho các sản phẩm.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định nhấn mạnh, các sản phẩm lên sàn phải là những sản phẩm đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, có thể truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, đại diện sàn thương mại điện tử cần quan tâm, hỗ trợ công tác quảng bá, kết nối, tiêu thụ nông sản bền vững.

Tin, ảnh: Nguyễn Lành (TTXVN)
Tích cực đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử
Tích cực đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Thông tin từ Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) cho biết, đến hết năm 2021 sẽ đưa thông tin của khoảng 2,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN