Xuất phát từ nhu cầu của thị trường, các đơn vị, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã tiến hành thử nghiệm và nuôi cấy thành công đông trùng hạ thảo và mang lại giá trị kinh tế cao.
Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và dịch vụ khoa học và kỹ thuật tỉnh Kon Tum thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình nhân giống, sản xuất nấm đông trùng hạ thảo tại tỉnh Kon Tum” từ năm 2017.
Trong vòng hai năm, thông qua dự án này, đơn vị đã xây dựng được hai quy trình nhân giống và nuôi trồng đông trùng hạ thảo phù hợp với điều kiện tại tỉnh Kon Tum. Sau khi được thu hoạch và đem đi phân tích, kiểm tra, sản phẩm đông trùng hạ thảo tại đây cho kết quả giá trị dược liệu Adenosin đạt 2,32 mg/g và Cordicepin đạt 3,45 mg/g, ở mức tương đối cao. Khi dự án kết thúc vào năm 2019, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và dịch vụ khoa học và kỹ thuật tỉnh Kon Tum vẫn tiếp tục nuôi cấy đông trùng hạ thảo.
Ông Chu Đình Liệu, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và dịch vụ khoa học và kỹ thuật tỉnh Kon Tum cho biết, khó khăn lớn nhất đối với quá trình nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo là vấn đề giống nấm và thị trường tiêu thụ. Đối với giống, hiện nay trên thị trường có khá nhiều chủng đến từ các nước khác nhau như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và cả Việt Nam.
Tuy nhiên, việc lựa chọn giống có giá trị dược liệu cao rất khó khăn, cần phải khảo sát và chọn lọc kỹ. Trong khi đó, thị trường Đông trùng hạ thảo lại rất đa dạng, nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ có giá bán thấp khiến các sản phẩm chất lượng cao khó cạnh tranh cũng như khó tiếp cận với người tiêu dùng.
“Mỗi vụ, trung tâm sẽ sản xuất được khoảng 2kg nấm đông trùng hạ thảo sấy khô, với mức giá bán từ 35 - 40 triệu đồng/kg, lợi nhuận đạt gần 50%. Khoảng tháng 6/2021, công trình nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại thành phố Kon Tum khánh thành, đơn vị sẽ chuyển khu vực nuôi cấy sang và mở rộng hơn. Cùng với việc đẩy mạnh nghiên cứu sâu, tạo ra các dòng sản phẩm có chất lượng cao, phù hợp với lứa tuổi và đẩy mạnh phát triển thị trường, chúng tôi tin chắc rằng mô hình nuôi trồng đông trùng hạ thảo sẽ mang lại giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều”, ông Chu Đình Liệu khẳng định.
Hợp tác xã nuôi trồng đông trùng hạ thảo Kon Tum là đơn vị kinh tế tập thể đầu tiên và duy nhất tại Kon Tum nuôi trồng thành công đông trùng hạ thảo. Mỗi năm, đơn vị này sản xuất được ba vụ, với khoảng 45.000 hộp đông trùng hạ thảo, cho “ra lò” gần 1 tấn sản phẩm đông trùng hạ thảo tươi. Qua quá trình sấy thăng hoa, đơn vị thu về được khoảng gần 100 kg sản phẩm khô. Với giá bán trung bình ở mức 65 triệu đồng/kg khô, hợp tác xã đã có lợi nhuận gần 500 triệu đồng/năm.
Ông Đoàn Quốc Anh Khôi, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã nuôi trồng Đông trùng hạ thảo Kon Tum cho biết, ý định nuôi trồng loại thảo dược quý này được ông nhen nhóm từ năm 2014. Để thực hiện, ông đã tự nghiên cứu, tìm hiểu và phát triển nuôi trồng đông trùng hạ thảo tại Việt Nam. Sau nhiều lần thất bại, đến năm 2019, ông đã nuôi trồng thành công. Đến năm 2020, Hợp tác xã nuôi trồng đông trùng hạ thảo Kon Tum được thành lập, tiếp tục tập trung vào nghiên cứu, nuôi trồng và phát triển các sản phẩm từ đông trùng hạ thảo.
“Vấn đề giống đông trùng hạ thảo luôn là yếu tố quan trọng và rất khó khăn. Trước đây, chúng tôi nhập các loại giống từ Nhật Bản, Hàn Quốc hay Mỹ, song do quãng đường di chuyển xa, cùng với cách thức bảo quản chưa thực sự tốt khiến tỉ lệ nuôi trồng thành công thấp hơn. Đến tháng 9/2020, hợp tác xã đã chủ đông được con giống theo phương pháp tự nhân giống. Nhờ đó, giảm được 30% chi phí sản xuất; đồng thời, tạo ra được các nguồn giống có chất lượng cao hơn”, ông Đoàn Quốc Anh Khôi phân tích.
Nhờ chủ động được con giống, Hợp tác xã nuôi trồng đông trùng hạ thảo Kon Tum đã tạo ra được các sản phẩm đông trùng hạ thảo có hàm lượng Cordicepin (7,57 mg/g) và Adenosin (2,12 mg/g) cao nhưng giá thành lại rẻ hơn nhiều so với đông trùng hạ thảo từ Tây Tạng, Trung Quốc. Hiện nay, các dòng sản phẩm của hợp tác xã gồm đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa, đông trùng hạ thảo ngâm mật ong hay bột chăm sóc da, rượu hay ký chủ nhộng tằm mang thương hiệu Vương Thảo Khang, đã được chứng nhận sở hữu trí tuệ. Đơn vị cũng đã giải quyết việc làm cho 15 lao động thường xuyên và tăng thêm vào các vụ thu hoạch.
“Thị trường tiêu thụ của đơn vị chủ yếu là các cửa hàng OCOP, cửa hàng dược liệu trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, chúng tôi cũng đưa ra các thị trường khác như Gia Lai, Đà Nẵng hay Thành phố Hồ Chí Minh. Mục tiêu của hợp tác xã là sẽ mở rộng thêm một số nhà xưởng, chuyển giao công nghệ cho các đơn vị yêu cầu và phát triển thêm một số sản phẩm mới như viên nang đông trùng hạ thảo, collagen đông trùng hạ thảo để nâng cao giá trị cho dòng sản phẩm này”, ông Khôi nhấn mạnh.
Ông Bùi Huy Cường, Giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh Kon Tum đánh giá, mô hình nuôi trồng đông trùng hạ thảo là một mô hình áp dụng nhiều hệ thống máy móc, trang thiết bị, công nghệ hiện đại. So với những mô hình hợp tác xã trước đây, mô hình nuôi trồng đông trùng hạ thảo mang lại lợi ích kinh tế cao hơn nhiều lần. Bên cạnh đó, việc sử dụng nhộng tằm để nuôi trồng đông trùng hạ thảo sẽ giúp ngành nghề nuôi tằm truyền thống không bị mai một, tạo ra một chuỗi liên kết, chuỗi giá trị giữa các đơn vị sản xuất với nhau.
“Cùng với các bước hỗ trợ pháp lý thành lập hợp tác xã, đơn vị cũng hỗ trợ cho các Hợp tác xã sản xuất đông trùng hạ thảo nói riêng và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nói chung tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, trưng bày giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm. Qua đó, giúp các hợp tác xã tiếp cận được tốt hơn với khách hàng. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ xây dựng mô hình nuôi trồng đông trùng hạ thảo trở thành một trong những mô hình hợp tác xã điển hình tiên tiến trong giai đoạn 5 năm tới”, ông Bùi Huy Cường cho biết thêm.
Việc các dự án, mô hình nuôi trồng đông trùng hạ thảo đạt được những thành công đã đánh dấu sự tiến bộ vượt bậc cũng như làm chủ khoa học, công nghệ của các đơn vị sản xuất. Bên cạnh việc tạo ra giá trị kinh tế cao, các sản phẩm đông trùng hạ thảo còn giúp người tiêu dùng tiếp cận được dòng sản phẩm chất lượng cao, tốt cho sức khỏe với giá thành phù hợp, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.