Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành cà phê từ khâu chế biến sâu

Ngày 9/12, tại Hội thảo "Tương lai phát triển ngành cà phê Việt Nam đến năm 2030" do Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, đại diện hiệp hội cho biết, hiện tỷ lệ cà phê hòa tan, cà phê rang xay của Việt Nam mới đạt khoảng 10%.

Điều này làm giảm đáng kể giá trị gia tăng của ngành cà phê và mất cơ hội cạnh tranh, nhất là khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do. Do vậy, mục tiêu đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 của ngành cà phê Việt Nam là nâng cao năng lực cạnh tranh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chế biến sâu.

Thu hoạch cà phê tại xã Láng Lớn, huyện Châu Đức. Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN


Phân tích chuỗi giá trị cà phê hiện nay ở Việt Nam, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho biết: Trong chuỗi giá trị từ sản xuất nông nghiệp đến chế biến cà phê nhân xuất khẩu, giá trị gia tăng sản phẩm chủ yếu tập trung ở khâu sản xuất nông nghiệp, chiếm 94,75%; khâu chế biến nhân chỉ chiếm 3,94% và khâu thu gom (đại lý) chiếm 1,31%.

Mặc dù giá trị gia tăng của khâu sản xuất cao, song lợi nhuận người nông dân thu được chỉ khoảng 39,5 triệu đồng/ha. Đối với hộ quy mô nhỏ khoảng 0,5-1ha thì lợi nhuận rất thấp. Trong khi đó, khâu thu gom, đại lý trung gian lại thu được mức lợi nhuận khoảng 150.000 đồng/tấn. Khối lượng thu mua mỗi vụ của các đại lý thường rất lớn nên mức lợi nhuận tổng cộng lại rất cao. Bên cạnh đó, các đại lý thu gom cà phê không tuân thủ yêu cầu về chất lượng (mua xô) và thường phát sinh nhiều tiêu cực trong quá trình giao dịch, mua bán (trốn thuế, quỵt nợ…).

Theo ông Đoàn Xuân Hòa, nguyên Cục phó Cục Chế biến Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong năm 2015, Việt Nam dù vẫn đứng thứ 2 thế giới về sản lượng xuất khẩu nhưng đã tụt hạng về giá trị xuất khẩu, sau Brazil và Colombia. Hiện trong nước có khoảng 150 doanh nghiệp xuất khẩu cùng hơn 3.000 đại lý tham gia thu mua cà phê, trong đó có 13 doanh nghiệp FDI.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp FDI chiếm tỉ lệ lớn sản lượng cà phê xuất khẩu của cả nước. Hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam bán hàng phải thông qua 26 đầu mối và doanh nghiệp nước ngoài mà chưa tiếp cận được với các nhà rang xay cà phê thế giới.

Trước thực tế trên, các chuyên gia cho rằng, để nâng cao giá trị gia tăng chuỗi giá trị cà phê Việt Nam thì nhất thiết phải cải thiện đáng kể khâu chế biến thông qua việc chế biến sâu sản phẩm, như cà phê rang xay, cà phê hòa tan, cà phê viên nén, cà phê pha túi lọc…

Tuy nhiên, việc chuyển đổi cà phê từ “đóng bao” sang “đóng túi” là một quá trình đòi hỏi doanh nghiệp phải đảm bảo những điều kiện nhất định. Trong đó, doanh nghiệp phải xây dựng được chiến lược phát triển, đặc biệt là chiến lược phát triển thị trường; năng lực quản trị của doanh nghiệp phải được cải thiện đáng kể so với hiện nay. Đồng thời, chủ động liên kết với nông dân để tạo ra vùng nguyên liệu ổn định về sản lượng, chất lượng phục vụ chế biến.

Dưới góc độ của doanh nghiệp, ông Đỗ Hà Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex cho rằng, xuất khẩu cà phê chế biến sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng lợi nhuận khi các Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực. Tuy nhiên, để đầu tư một nhà máy bài bản đòi hỏi vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng nên doanh nghiệp Việt gặp rất nhiều khó khăn về vốn và thị trường tiêu thụ.

Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực này đã có thương hiệu toàn cầu và thị trường ổn định nên doanh nghiệp Việt khó cạnh tranh hơn. Vì vậy, hướng đi của doanh nghiệp Việt là đầu tư nhỏ, làm thương hiệu từ từ để tham gia vào lĩnh vực chế biến thay cho việc bán nguyên liệu thô.

Để nâng cao giá trị sản xuất và xuất khẩu của ngành trong thời gian tới, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam đã xây dựng Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cà phê Việt Nam theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, đa dạng hóa sản phẩm theo hướng chế biến sâu cà phê, đạt tỷ trọng 30-40% sản lượng với các thương hiệu mạnh. Tổng giá trị sản lượng của ngành hàng cà phê đạt trên 200% so với hiện nay, kim ngạch xuất khẩu đạt 5-6 tỷ USD. Hiện Đề án này đã được Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.

H.Chung (TTXVN)
Nghịch lý: Giá tăng, người trồng cà phê vẫn "khóc"
Nghịch lý: Giá tăng, người trồng cà phê vẫn "khóc"

Sản lượng và năng suất giảm như hiện nay thì dù giá cà phê có cao hơn năm trước, nhiều hộ dân vẫn không thể vui vì không có lãi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN