Bên cạnh đó, hội nghị cũng lấy ý kiến các địa phương về dự thảo Quyết định Ban hành hướng dẫn tiêu chí lựa chọn, tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.
Theo kế hoạch trong 2 giai đoạn (2024 - 2025 và 2026 - 2030), trên 1 triệu người sẽ được tập huấn, nâng cao năng lực, bao gồm: cán bộ khuyến nông và khuyến nông cộng đồng; cán bộ quản lý, kỹ thuật của 620 hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác đăng ký tham gia đề án; nông dân được đào tạo quy trình canh tác sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh...
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, để xây dựng kế hoạch này, Cục đã tiến hành tham vấn 21 đơn vị; trong đó có 12 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), để thống nhất hoàn chỉnh nội dung.
Năm 2024, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn sẽ xây dựng 12 tài liệu tập huấn dành cho các đối tượng khác nhau đi kèm là các sổ tay, hướng dẫn sử dụng tài liệu.
Bên cạnh đó, năm nay, cơ quan chuyên môn sẽ tổ chức 12 lớp tập huấn ToT (trang bị các kỹ năng, kiến thức về đổi mới sáng tạo). Đặc biệt, hoàn thành tập huấn cho 2.000 cán bộ quản lý, kỹ thuật của 400 hợp tác xã nông nghiệp đã tham gia Dự án VnSAT (Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam). Nội dung tập huấn chủ yếu về quy trình canh tác giảm phát thải và phương pháp MRV (công cụ đánh giá các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính).
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của 12 tỉnh, thành ĐBSCL sẽ chủ động tổ chức tập huấn cho các hợp tác xã, tổ hợp tác đã đăng ký tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao theo lộ trình.
Để phát huy tác dụng của đào tạo, tập huấn, ông Huỳnh Lam Phương, Trưởng cơ quan thường trực phía Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng, cần sàng lọc thành viên hợp tác xã tham gia. Tránh trường hợp tập huấn cho có, tổ chức công phu nhưng số lượng người tham gia lại hạn chế.
Khác với những dự án khác, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chỉ ra, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ tăng cường năng lực cho toàn hệ thống, gồm tất cả các tác nhân trong chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo.
Ngoài đào tạo về kỹ thuật, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao hướng tới đào tạo các giải pháp canh tác giảm phát thải. Trong số đó, lực lượng khuyến nông và khuyến nông cộng đồng được xác định có vai trò kết nối giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, người sản xuất.
Chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam xác định, hai đối tượng chính trong kế hoạch tập huấn nâng cao năng lực lần này là các thành viên hợp tác xã và cán bộ khuyến nông, nhất là cán bộ khuyến nông cơ sở, khuyến nông cộng đồng.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đề nghị các ngành, các cấp và ngành ngành nông nghiệp các địa phương định hướng rõ làm sao để bà con nông dân hiểu được tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ hưởng được nhiều lợi ích như: giảm chi phí sản xuất, một phần chi trả tín chỉ carbon và giá trị tăng thêm từ thương hiệu gạo giảm phát thải.
Trong giai đoạn 2024 - 2025, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ tập trung củng cố, nâng chất trên 182.000 ha sản xuất lúa đã tham gia Dự án VnSAT và mở rộng ra ở các địa phương chưa tham gia.
"Các địa phương lựa chọn ra các hợp tác xã có nhiều kinh nghiệm, từ đó nâng cao chất lượng hợp tác xã. Với những hợp tác xã ở các địa phương chưa triển khai Dự án VnSAT, yêu cầu lãnh đạo hợp tác xã phải năng động, sáng tạo", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, hiện nay, Bộ đã lựa chọn 5 mô hình điểm quy mô 50 - 100 ha ứng dụng quy trình canh tác lúa giảm phát thải và phương pháp MRV tại các tỉnh: Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ để triển khai đề án trong giai đoạn 2024 - 2025.
Đến tháng 8 - 9/2024, khi đã hình thành được lúa giảm phát thải, các địa phương tiếp tục triển khai thêm vụ Thu Đông 2024 và Đông Xuân 2024 - 2025. Trải qua 3 mùa vụ sản xuất lúa, đánh giá, đo đạc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phê duyệt kế hoạch hệ số giảm phát thải.