Mục tiêu của dự án nhằm cải tiến công nghệ và thiết bị kiểm tra bảo trì đường ray đường sắt; nâng cao năng lực bảo trì đường sắt của Việt Nam trong giai đoạn triển khai. Tổng vốn thực hiện dự án 9.108.091 USD.
KIAT sẽ quản lý chung tất cả các lĩnh vực của dự án, đào tạo chuyển giao và đào tạo nguồn nhân lực, trong đó, liên danh nhà thầu do Tổng công ty Đường sắt Hàn Quốc thực hiện. VNR phối hợp xây dựng dự án, cung cấp kết cấu hạ tầng đường sắt để đào tạo nguồn nhân lực, tiếp nhận các máy móc thiết bị sau khi dự án kết thúc.
Trước đó, ngày 24/12/2020, VNR có văn bản số 3519/ĐS-ĐTXD gửi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị gửi thư vận động tài trợ dự án hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quản lý an toàn đường sắt tại Việt Nam sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Hàn Quốc. Ngày 27/1/2021, Ủy ban có văn bản số 99/UBQLV-CNHT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị xem xét gửi thư ủng hộ và vận động tài trợ dự án tới Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và các cơ quan Hàn Quốc có liên quan.
Ngày 29/8/2022, KIAT đã có văn bản số KIATVN-22-14 đề nghị xem xét và ký kết Dự án “Nâng cao năng lực an toàn đường sắt Việt Nam 2022 - 2024". Sau khi dự án được ký kết, các bên sẽ phối hợp rà soát, xây dựng chi tiết. Hồ sơ đề nghị phê duyệt chủ trương thực hiện và các trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật Việt Nam.
Cụ thể, VNR thống nhất cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương, hình thức quản lý, cơ chế tài chính dự án, phạm vi công việc liên quan tới chức năng của Bộ GTVT, các hỗ trợ về thuế và thủ tục hải quan áp dụng Hiệp định khung ký kết năm 2009 giữa Việt Nam - Hàn Quốc.
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Cảnh cho biết, lễ ký Biên bản thảo luận làm cơ sở để hai bên tiếp tục xây dựng chi tiết các nội dung văn kiện dự án, nhằm sớm đưa dự án vào triển khai, cải tiến công nghệ và nâng cao năng lực bảo trì đường sắt của Việt Nam bền vững.
Ngoài ra, những kết quả và kinh nghiệm của dự án này sẽ được tổng kết và áp dụng có hiệu quả cho những ngành nghề, lĩnh vực khác của Việt Nam.