Đây cũng là một trong những nhiệm vụ của từng địa phương trong việc cụ thể hoá Nghị quyết 19 - NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đưa kinh tế - xã hội khu vực nông thôn phát triển lên bước tiến mới. Cũng từ đây, các địa phương đều phát triển một sản phẩm nông nghiệp chất lượng, đặc thù và được thị trường đón nhận. Cho đến nay, các đơn vị, các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP đã gặt hái được những thành công nhất định, nhất là sự thành công trong thay đổi sản xuất nông nghiệp trước hết là vì người tiêu dùng.
Bài 1: Thay đổi tư duy
Trải qua nhiều biến động thị trường, cũng như đối diện những tiêu chí ngày càng khó khăn hơn của người tiêu dùng, nông dân Việt Nam đã "thấm" những lần hàng hoá phải quay về với người sản xuất. Hơn nữa, quy luật thị trường cũng đã hướng người sản xuất nông nghiệp Việt Nam nói chung, nông dân Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng theo một lối đi mới, bắt buộc phải thay đổi cách làm, cách nghĩ và cách sản xuất có đủ năng lực cạnh tranh, "vừa tốt gỗ, vừa tốt cả nước sơn" mới có thể tham gia sân chơi thế giới hiện nay.
Động lực nâng cao năng lực sản xuất
Việc triển khai Chương trình OCOP chính là động lực làm thay đổi tư duy sản xuất, thúc đẩy nông dân đổi mới, sáng tạo, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của nhiều địa phương Đồng bằng sông Cửu Long. Có thể nói, khi vừa mới phát động chương trình, nông dân vẫn còn lúng túng với tên gọi mang tính thương hiệu của riêng sản phẩm nông nghiệp Việt Nam và cũng chưa hiểu được dòng sản phẩm này là một cách khẳng định "tên tuổi" của đặc sản địa phương. Thế nhưng, trải qua gần 5 năm thích nghi và áp dụng các quy định sản xuất OCOP, thì tầm nhận thức cũng như năng lực sản xuất của nông dân ngày càng nâng cao.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 4/2024, cả nước hiện có hơn 13.000 sản phẩm OCOP, trong đó gần 74% sản phẩm đạt 3 sao, gần 25% sản phẩm đạt 4 sao, 0,3% sản phẩm đạt 5 sao và còn lại là sản phẩm có tiềm năng 5 sao. Chương trình OCOP đã thu hút hơn 7.400 chủ thể tham gia, bao gồm hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và tổ hợp tác. Riêng tại Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 2.000 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Để tạo được thành tích này đều nhờ vào sự nỗ lực thay đổi tư duy sản xuất của người dân Đồng bằng sông Cửu Long, sản xuất theo yêu cầu của người tiêu dùng, cải tiến mẫu mã, bao bì song song với cải thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, sản phẩm OCOP đã góp phần chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất gắn với kinh doanh nông nghiệp, đặc biệt là gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với phát triển kinh tế, dịch vụ và du lịch của các địa phương. Khi các khu vực nông thôn phát triển và khởi sắc, đó là minh cho sự tiến bộ trong việc thay đổi tư duy sản xuất, mới đạt được kết quả hiện nay.
Có thể thấy, Chương trình OCOP đã góp phần quan trọng trong chuyển đổi tư duy từ sản suất nông nghiệp thủ công, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học, công nghệ. Các chủ thể OCOP đẩy mạnh việc đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, đầu tư mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đơn cử tại Tiền Giang, các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP sẵn sàng tham gia các hội chợ quốc tế để nâng tầm thương hiệu, chắp cánh thêm cho sản phẩm OCOP Tiền Giang vươn xa đến với thị trường quốc tế.
Ông Bùi Băng Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Trí Sơn chia sẻ, Chương trình OCOP được tỉnh Tiền Giang triển khai vào đầu năm 2019 theo Kế hoạch 27 của UBND ngày 28/01/2019, ngay sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định 490 ngày 7/5/2018 phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020. Công ty Trí Sơn cũng đã theo chương trình này thay đổi nhiều phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để phủ hợp với yêu cầu của thị trường. Tính đến nay, công ty đã có 30 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP và tất cả các sản phẩm của công ty đều đạt các tiêu chuẩn ISO 22000: 2018, HACCP. Công ty đã xây dựng và phát triển hệ thống trang trại nhà yến quy mô hơn 20.000 m2, với 30 nhà nuôi yến tại các tỉnh: Tiền Giang, Long An, Bến Tre.
Ngoài ra, công ty còn hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ nuôi tạo nên chuỗi liên kết trải dài khắp các tỉnh miền Tây với trên 100 nhà nuôi yến, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 500 lao động ở địa phương. Hiện công ty đang thực hiện các thủ tục để đăng ký mã định danh nhà nuôi yến, nâng cấp nhà xưởng để đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc. Để sản phẩm đạt các tiêu chuẩn mà Hội đồng thẩm định OCOP tỉnh đưa ra, đặc biệt là những tiêu chuẩn quốc tế, công ty đã phối hợp với các trường đại học uy tín để chuyển giao công nghệ và đầu tư trang thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.
Cạnh tranh bằng chất lượng
Các chuyên gia ngành nông nghiệp đánh giá, sau 5 năm thực hiện chương trình, số sản phẩm tham gia và được công nhận sản phẩm OCOP tại Việt Nam ngày càng nhiều, phong phú về chủng loại, mẫu mã, kiểu dáng… Ngày càng có nhiều sản phẩm tốt với chất lượng cải thiện, thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong và ngoài nước. Sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có chỉ dẫn địa lý gắn với địa danh xuất xứ sản phẩm và chủ thể sản xuất, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và thuận tiện cho cơ quan quản lý trong việc theo dõi, kiểm tra, giám sát sản phẩm.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận xét, nhiều sản phẩm OCOP được đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng, tiếp cận thị trường xuất khẩu hướng đến cả những thị trường khó tính, có giá trị cao. Các khu vực nông thôn đã và đang hình thành nhiều vùng du lịch OCOP cùng với phát triển nhiều loại sản phẩm hàng hóa góp phần phục vụ phát triển du lịch của các địa phương, như: ẩm thực, chữa bệnh, làm đẹp, hàng tiêu dùng, quà lưu niệm… Sản phẩm OCOP cũng đã bước đầu khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản vật, vùng nguyên liệu và lao động địa phương, đặc biệt là dịch vụ du lịch nông thôn.
Sản phẩm OCOP có ảnh hưởng ngày một lớn, có sức tiêu thụ tốt, nên được nhiều doanh nghiệp thương mại, siêu thị lớn đặt hàng đưa vào hệ thống phân phối ổn định. Thực tế cho thấy, sau khi sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, đầu ra sản phẩm tốt hơn rất nhiều bởi được người tiêu dùng ưa chuộng hơn. Cùng với đó, vì đảm bảo lợi ích, các tổ chức thương mại cũng ưu tiên đặt hàng tiêu thụ sản phẩm của các chủ thể OCOP.
Nhiều sản phẩm OCOP có chất lượng cao đã được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, như: miến dong Tài Hoan (Bắc Kạn), cà phê Bích Thao (Sơn La), đường thốt nốt Palmania (An Giang), gạo ST24 (Sóc Trăng), gạo đặc sản Thiên Vương (An Giang), chè hữu cơ Bản Liền (Lào Cai), miến dong Việt Cường (Thái Nguyên), mắm tôm Lê Gia (Thanh Hóa), Ladoactiso cao ống (Lâm Đồng), cà phê rang xay Darmark (Kon Tum), muối NADISALT (Nam Định)… đã xuất khẩu sang các thị trường: Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Đức, Đan Mạch, Séc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc…
Quan trọng hơn là, các sản phẩm OCOP đều gia tăng giá trị, giúp chủ thể mở rộng quy mô sản xuất và tăng doanh thu, tăng thu nhập cho cộng đồng dân cư và xã hội, giá bán các sản phẩm OCOP tăng bình quân 12,2%/năm, ông Lê Minh Hoan cho biết thêm.
Bài cuối: Sẵn sàng đầu tư công nghệ