Hỗ trợ vốn sản xuất cho chuỗi giá trị OCOP
Hơn 20 năm gắn bó, phát triển cây chè huyện Thanh Ba (tỉnh Phú Thọ), doanh nhân Bùi Thị Mão, Giám đốc Công ty TNHH chè Hoài Trung cho biết: Từ một cơ sở sản xuất chè cá nhân mang tên Mão Hợi cách xa trung tâm huyện, công ty hiện đã có dây chuyền sản xuất khép kín có công suất lớn, tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động. Năm 2023, sản phẩm chè Đinh cao cấp Hoài Trung đã đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao cấp quốc gia.
Từ những ngày đầu thành lập, công ty đã vay vốn Agribank Thanh Ba với số tiền chỉ vài chục triệu đồng, đến nay, dư nợ của doanh nghiệp tại Agribank Thanh Ba lên tới 10 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, sản phẩm chè Hoài Trung phát triển, đưa thương hiệu chè Đinh - “ngọc xanh” của Thanh Ba có mặt tại hệ thống siêu thị của nhiều thị trường khó tính như châu Âu. Trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu của công ty đạt 20 tỷ đồng, ngang bằng với cả năm 2023; dự kiến năm 2024 sẽ tăng gấp 3 lần doanh thu năm 2023.
Không riêng chè Hoài Trung, nhiều sản phẩm OCOP khác tại huyện Thanh Ba cũng nhận được sự đồng hành của nhiều ngân hàng. “Bám sát mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP, các ngân hàng đã tung ra nhiều chương trình hỗ trợ lãi suất cho các chủ thể OCOP”, ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch UBND huyện Thanh Ba cho biết.
Tại Tọa đàm "Tiếp sức sản phẩm OCOP vươn xa” do Thời báo Ngân hàng tổ chức ngày 12/7, ông Chu Ngọc Quý, Phó Trưởng ban khách hàng cá nhân Agribank cho biết: Đến nay, Agribank đã đáp ứng hơn 500 tỷ đồng vốn tín dụng cho các khách hàng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm OCOP. Đối với chương trình cho vay ưu đãi khách hàng cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP mới triển khai từ ngày 26/1 đến nay, doanh số cho vay đạt 101 tỷ đồng.
“Từ đầu năm 2024, Agribank đã triển khai nhiều giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, triển khai các chương trình tín dụng quy mô hơn 150.000 tỷ đồng, với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1 - 3% so với lãi suất thông thường để khuyến khích, hỗ trợ khách hàng sử dụng vốn”, ông Chu Ngọc Quý cho biết.
Các khách hàng sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP có thể vay vốn không cần đảm bảo tài sản, với mức vay lên tới 1 tỷ đồng (đối với hợp tác xã - HTX, chủ trang trại) hoặc tối đa 80% dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp (đối với doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao).
Không chỉ hỗ trợ vốn cho khâu sản xuất, nhiều ngân hàng còn tích cực đầu tư cho các chuỗi giá trị OCOP. Đơn cử như HDBank, với thế mạnh về các sản phẩm tài trợ chuỗi, ngân hàng đang cho các chủ thể vay đến 85% dòng tiền thanh toán và công nợ tại các siêu thị; hỗ trợ nguồn lực, tư vấn tài chính và tận dụng mạng lưới đối tác để giúp chủ thể đưa đặc sản nông nghiệp vào chuỗi siêu thị thuận lợi hơn.
HDBank phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Agritrade) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và các đơn vị liên quan kết nối với các chủ thể uy tín ở từng địa phương, sàng lọc kỹ lưỡng các sản phẩm chất lượng, nguồn gốc rõ ràng để đưa vào Chợ phiên OCOP, thuận lợi cho người mua sắm trong từng phiên livestream.
Phát triển bền vững, nâng tầm chất lượng sản phẩm OCOP
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc phát triển sản phẩm OCOP vẫn còn những điểm hạn chế. Nhiều sản phẩm chưa tìm được chỗ đứng vững chắc tại thị trường trong nước, chưa nói đến xuất khẩu.
Sự chủ động vào cuộc ở một số địa phương hạn chế, chưa thực sự quan tâm đến giải pháp hỗ trợ thực chất đối với chủ thể OCOP, đặc biệt nâng cao năng lực về tổ chức, quản trị, chế biến và thương mại sản phẩm. Nhiều sản phẩm chỉ quan tâm đến mẫu mã, bao bì, chưa trú trọng vào yếu tố chất lượng, đặc biệt gắn với thị hiếu người tiêu dùng.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Mai Quang Vinh, Viện trưởng Viện Công nghệ xanh cho biết: Các sản phẩm OCOP hiện chưa thuyết phục được lượng lớn đối tác, người tiêu dùng vì vướng yếu tố minh bạch trong truy xuất nguồn gốc.
“Chúng ta cần phải khắc phục những hạn chế này khi nhà cung cấp đã có, công nghệ đã sẵn sàng, cơ chế chính sách đã hỗ trợ. Việc sản xuất một sản phẩm OCOP có chất lượng tốt, mẫu mã bắt mắt, minh bạch về thông tin truy xuất là mục tiêu cần được đặt rõ”, ông Mai Quang Vinh lưu ý.
Phó Trưởng ban khách hàng cá nhân Agribank, ông Chu Ngọc Quý thừa nhận: Ngân hàng cũng gặp một số vướng mắc khi cho vay như các khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh sản xuất sản phẩm OCOP thường có quy mô nhỏ, việc áp dụng kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến còn hạn chế dẫn tới khách hàng thường ít có nhu cầu vay vốn.
“Các đơn vị còn gặp khó trong tiếp cận với thị trường, chế độ thống kê, kế toán còn hạn chế, ngần ngại trong minh bạch kinh doanh tài chính với ngân hàng; mua bán hàng hóa thiếu hóa đơn, không đảm bảo chế độ phát hành hóa đơn của Nhà nước, nên ngân hàng không đủ cơ sở để đánh giá, thẩm định cho vay...”, ông Chu Ngọc Quý chia sẻ.
Theo ông Phạm Trường Giang, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Phú Thọ, để triển khai các chương trình OCOP hiệu quả hơn, Việt Nam cần thêm các cơ chế chính sách đồng bộ. “Cần xem xét, đánh giá, tổng kết để điều chỉnh phù hợp, cũng như nâng cao sự phối hợp của cơ quan quản lý Trung ương và địa phương. Riêng với ngành Ngân hàng cũng cần đưa ra các chính sách đồng bộ với các chính sách khác", ông Phạm Trường Giang đề xuất.
Cụ thể, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó hành lang pháp lý phải đi trước một bước; các ngân hàng, tổ chức tín dụng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, HTX và người dân tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất ưu đãi. Ngoài ra, phía các chủ thể OCOP cũng phải có sự cải tiến mẫu mã sản phẩm, nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.