Hương vị thơm ngon, cam "tiến vua" trở thành đặc sản được ưa chuộng suốt hàng chục năm qua, đặc biệt vào dịp Tết. Nhiều khách hàng từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác thường xuyên tìm đến xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc để đặt mua cam từ khi cây bắt đầu đơm hoa. Sản phẩm này thường được dùng làm quà biếu, bày mâm ngũ quả ngày Tết hoặc dùng để ngâm rượu…
Năm nay do sương muối nên sản lượng cam của gia đình ông Phan Công Hưởng, xóm Yên Phúc, xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An bị sụt giảm. Tuy vậy, thời điểm này nhiều gốc cam quả đã chín, vàng óng đã được các thương lái, khách hàng tìm đến tận vườn để đặt mua.
Ông Hưởng cho biết, dự kiến năm nay vườn cam Xã Đoài của ông bán khoảng 6.000 quả trong dịp Tết, thu nhập gần 400 triệu đồng, cao hơn gấp 5 lần so với các loại cây trồng khác. Ngoài việc mua quả, một số người sành chơi mua cả gốc về trồng và trưng bày dịp Tết.
Cách đó vài trăm mét, vườn cam Xã Đoài của gia đình ông Phạm Đình Tiến, xóm Phượng Sơn có 80 gốc cam Xã Đoài; trong đó có 30 gốc đã cho thu hoạch. Năm nay cam đạt năng suất, chất lượng tốt, dự kiến vườn nhà ông sẽ có khoảng 4.000 quả bán Tết. Hiện nay đã có nhiều thương lái, đơn vị đến để đặt hàng chọn cam khi đang còn ở trên cây để mua.
Trong khi các loại cam khác thường được bán theo trọng lượng, thì cam Xã Đoài lại được bán theo quả. Một quả cam Xã Đoài có giá bằng 2 kg cam Vinh bình thường nhưng vẫn hút khách đến mua. Trung bình, mỗi quả cam Xã Đoài có giá từ 70.000 đồng đến 80.000 đồng, có năm lên đến 100.000 đồng mỗi quả.
Cam Xã Đoài có vỏ ngoài mịn màng, căng mọng, mùi thơm dịu. Khi bổ ra, múi cam màu vàng óng, hương vị ngọt thơm ngon lạ thường nên rất được thị trường ưa chuộng. Cam Xã Đoài thường ra hoa vào tiết lập xuân và bắt đầu chín vào tháng 11, 12 âm lịch hàng năm.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghi Lộc, hiện diện tích cam trên địa bàn hơn 100 ha, cho sản lượng khoảng 665 tấn, cao hơn so với vụ cam năm ngoái gần 130 tấn. Riêng vùng cam Xã Đoài Nghi Diên được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, có chỉ dẫn địa lý nên quả có chất lượng tốt, hình thức, mẫu mã đẹp và thị trường tiêu thụ cũng rộng hơn; giá bán cũng cao hơn gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với các giống cam khác.
Cùng với việc được trồng trong dân, hiện Trung tâm khôi phục và phát triển cam Xã Đoài nằm trên địa bàn xã Nghi Diên là đơn vị có diện tích trồng loại cam "tiến Vua" lớn nhất với diện tích 9 ha.
Nhờ áp dụng những công nghệ chăm sóc hiện đại, bón phân hữu cơ nên giống cam đặc sản này không những tăng về diện tích, giữ được hương vị nguyên bản mà còn nâng cao năng suất. Vụ Tết năm nay, Trung tâm có gần 5 ha cam cho thu hoạch, phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng hơn 11 tấn cam Xã Đoài.
Không chỉ phục vụ cho các thương lái, năm 2024 chị Lê Thị Hương ở thôn Đỉnh Hợp, xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn mạnh dạn đưa sản phẩm cam Xã Đoài lòng vàng của Hợp tác xã cam chè Bãi Phủ huyện Anh Sơn nức tiếng ngọt thơm trên thị trường đã được chỉ dẫn địa lý trở thành những món quà cao cấp.
Để gia tăng giá trị cho sản phẩm này, đồng thời quyết tâm giữ vững thương hiệu và nâng tầm giá trị cam Vinh, chị Hương đã tạo thành sản phẩm quà tặng cao cấp sánh ngang với những giỏ quà trái cây ngoại. Những quả cam được chọn làm quà tặng cao cấp là sản phẩm đã được chăm sóc theo hướng hữu cơ. Khi thu hoạch, trái cam được đưa về khu sơ chế, phân loại. Sản phẩm sẽ được chọn lọc rất khắt khe. Chỉ có khoảng từ 8-10% trong tổng sản lượng cam sản xuất ra được chọn và đáp ứng đủ tiêu chuẩn về màu sắc, kích cỡ, chất lượng cho sản phẩm quà tặng cao cấp.
Sau khi phân loại, cam sẽ được đưa vào xưởng rửa sạch, xử lý khử trùng theo quy trình và dán nhãn tem truy xuất nguồn gốc trên từng quả trước khi đóng gói vào hộp quà tặng đã được thiết kế đẹp mắt và độc đáo. Chị Lê Thị Hương cho biết, việc dán tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh sẽ nâng giá trị cam cao hơn, tạo niềm tin cho khách hàng. Để đến tận tay người tiêu dùng, về phía nhà vườn phải chú trọng nâng cao chất lượng, hoàn thiện sản phẩm. Cùng đó là thay đổi mẫu mã hộp quà Tết bắt mắt, hợp thị hiếu để sản phẩm đến được với đa số người tiêu dùng hơn.
Bên cạnh dòng sản phẩm cao cấp, những sản phẩm có mẫu mã thấp hơn được hợp tác xã lựa chọn bán ở các cửa hàng thực phẩm sạch. Dòng sản phẩm này đang cung cấp một số đơn vị kinh doanh thực phẩm sạch ở nhiều địa phương như Hà Nội, Ninh Bình, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An… và siêu thị Lotte mart, Go Vinh.
Từ những quả cam ngon, nông dân nhiều địa phương như Con Cuông, Anh Sơn, Quỳ Hợp, Yên Thành, Nghi Lộc… đã chế biến thành nhiều sản phẩm được tận dụng từ vỏ đến ruột, do đó tránh được sự lãng phí ngay tại vườn, tận dụng được các loại cam loại 3, loại 4, tạo thêm thu nhập cho người trồng.
Tại vùng cam Xã Đoài, huyện Nghi Lộc, nhiều hộ dân đã tận dụng những quả cam loại 2 dùng để ngâm rượu. Rượu cam Xã Đoài được chế biến theo phương pháp cổ truyền 100% không hóa chất với quả cam xã Đoài chín, lên men tự nhiên và rượu nếp tại địa phương, bán với giá 400.000 - 500.000 đồng/bình.
Chất cam vàng óng cho ra chất rượu vàng tươi đẹp mắt. Được sản xuất theo quy trình khép kín, giám sát từng khâu nghiêm ngặt kết hợp cùng công thức truyền thống đảm bảo vẫn giữ được hương vị độc đáo từ trái cam, hòa quyện với hương thơm của rượu nếp tại địa phương. Rượu cam thích hợp sử dụng cho mọi bữa tiệc, dịp lễ hay bữa cơm gia đình, mang lại cho người thưởng thức hương vị đậm đà và những trải nghiệm thú vị.
Ông Trần Nguyên Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Nghi Lộc cho biết: Bên cạnh sản phẩm cam tươi được công nhận sản phẩm OCOP, thời gian tới huyện cũng hỗ trợ các chủ thể, nhà vườn xây dựng sản phẩm rượu cam thành sản phẩm OCOP nhằm nâng cao giá trị sản phẩm cam Xã Đoài, đa dạng sản phẩm du lịch của địa phương.
Không chỉ tìm hướng ra cho sản phẩm cam quả tươi, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, các nhà vườn như Công ty Nông sản Phủ Quỳ, Công ty TNHH Xây dựng Thành Phát… còn tìm cách nâng cao giá trị sử dụng từ quả cam bằng các sản phẩm tinh chế như: vỏ cam sấy khô, múi cam sấy dẻo, mứt nước cam, xà phòng cam, tinh dầu cam, bánh quy cam, siro cam... phục vụ đa dạng người tiêu dùng và được công nhận OCOP 3 sao.
Đa dạng hóa sản phẩm từ cam, góp phần tăng sức tiêu thụ, tăng lợi nhuận từ sản phẩm cam, phát huy giá trị thương hiệu cam Vinh đang là mục tiêu nhiều địa phương, hộ nhà vườn, doanh nghiệp, hợp tác xã ở Nghệ An hướng tới. Ngoài những sản phẩm đã có, Nghệ An cũng hướng tới nghiên cứu phát triển thêm, đa dạng sản phẩm hơn nữa như nước cam đóng chai, nước cam cô đặc, mứt nhuyễn quả… Hiện nhiều địa phương đã và đang xây dựng vùng sản phẩm cam Vinh thành điểm du lịch canh nông, trở thành điểm đến trong hành trình khám phá, trải nghiệm du lịch địa phương.
Ông Nguyễn Mạnh Lợi – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An cho biết, phát triển du lịch canh nông không chỉ giúp nông dân tăng thu nhập mà còn góp phần quảng bá hình ảnh sản phẩm nông nghiệp địa phương đến du khách. Đây cũng là giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, tạo nên vườn cây đặc sản, vườn cây sinh thái, hướng tới du lịch xanh.