Nên đầu tư dài hạn tại Việt Nam

Với mong muốn thúc đẩy phát triển nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, các chuyên gia kinh tế tại Thụy Sĩ đã có nhiều ý kiến trao đổi và tư vấn nhằm thúc đẩy các cơ hội hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, giáo dục tại hội thảo xúc tiến đầu tư do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức mới đây tại Bern.

 

Chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim trả lời phỏng vấn PV TTXVN.

Chuyên gia tư vấn về lĩnh vực tài chính ngân hàng Phạm Nam Kim cho rằng: Môi trường hiện tại của Việt Nam về cơ bản là rất tốt để các nhà đầu tư hướng về Việt Nam với những kế hoạch đầu tư dài hạn. Hiện tại có một số vấn đề nhưng một số bất ổn về kinh tế cũng sẽ qua và về dài hạn Việt Nam vẫn có đầy đủ các điều kiện để thu hút đầu tư nước ngoài.


Chính phủ Việt Nam đã đề ra một loạt những ưu tiên, ưu đãi, liên quan đến thuế để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Những dự án ở vùng sâu, vùng xa được ưu đãi về phí môi trường, phí sử dụng đất. Ngoài ra, đầu tư ở Việt Nam có một số thuận lợi như hệ thống chính trị ổn định, chính phủ cũng đã cam kết cải cách.


Với cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu và một số nước khác trên thế giới, dòng tiền hiện tại ở châu Âu đang tìm kiếm các địa điểm đầu tư vừa có lợi nhuận, vừa ít rủi ro. Việt Nam cần phải tận dụng nắm bắt các cơ hội này trong thời gian tới.


Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Yokowo Vietnam (vốn đầu tư của Nhật Bản)xây dựng nhà máy sản xuất các thiết bị liên lạc trên xe có động cơ, công suất 2 triệu sản phẩm/năm tại Khu công nghiệp Đồng Văn II (Hà Nam). Ảnh: Danh Lam – TTXVN

Ông Phạm Nam Kim cho rằng, các ngân hàng, cơ quan tài chính thế giới đều phải mời chào, marketing và đi kêu gọi thu hút vốn. Việt Nam nên năng động hơn trong vấn đề này. Đầu tiên, cần phải có dự án bài bản, phải có kế hoạch phát triển ổn định. Lúc đó, các sứ quán cũng như các thương vụ Việt Nam ở trên khắp thế giới, có thể quảng bá kêu gọi các nhà đầu tư vào Việt Nam, nhất là ở các thị trường tài chính phát triển như Thụy Sĩ. Tuy nhiên, kế hoạch đó phải làm một cách đồng bộ, chứ không chỉ riêng ở phạm vi một quốc gia riêng lẻ nào.


Tiến sĩ kinh tế Minh Trí Amacher.

Tiến sĩ kinh tế Minh Trí Amacher, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Quốc tế TRISTAR Consulting Ltd (Thụy Sĩ), cho rằng Việt Nam cần chú ý đến việc xây dựng hành lang pháp lý, hạ tầng cơ sở, trình độ dân trí và ngoại ngữ. Đó là những yếu tố cơ bản và thiết yếu cần được quan tâm để có thể xúc tiến thương mại và kêu gọi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.


Hiện nay, do các thủ tục trong lĩnh vực đầu tư và thương mại còn rườm rà nên cần đơn giản hóa từ khâu nhận hồ sơ đến khâu cấp giấy phép. Chính phủ đã đưa ra đường lối chính sách khuyến khích kêu gọi đầu tư rất rõ ràng, nhưng chính sách ở một số địa phương lại chưa thuận lợi. Vì vậy, Chính phủ cần sớm điều chỉnh lại các thủ tục và thường xuyên thanh tra các cơ quan chức năng có liên quan.


Về hạ tầng cơ sở, cần đẩy nhanh các biện pháp giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông bao gồm việc thiết lập thêm những phương tiện vận chuyển công cộng trong nội thành. Tiến sĩ Minh Trí Amacher tâm sự: “Mỗi lần tôi về nước công tác, đều thấy những nhà cao tầng mới mọc lên hay những khu đô thị mới hoặc chung cư mới được xây dựng. Nhưng chúng ta quên đi yếu tố phương tiện di chuyển công cộng và tắc nghẽn giao thông khắp nơi. Lượng xe càng ngày càng nhiều, công trình xây dựng sửa chữa kéo dài gây trở ngại cho các tuyến đường giao thông trong thành phố. Một nhà đầu tư nói với tôi rằng, đi từ quận 7 sang quận 1 ở TP.HCM (khoảng 5 km) mà mất cả tiếng đồng hồ, trong khi đáng ra chỉ cần nhiều lắm là 15 phút. Do đó, việc tắc nghẽn giao thông là vấn đề cũng rất cần giải quyết.


Về trình độ dân trí và vấn đề ngoại ngữ, người Việt Nam rất cần cù, siêng năng và sáng tạo, nhưng chưa được đào tạo đúng chuẩn và nhất là thường gặp trở ngại về ngoại ngữ nên gặp khó khăn trong việc giao tiếp hay khi triển khai công việc với các đối tác nước ngoài. Ông Minh Trí Amacher cho biết trong thời gian Tập đoàn Công nghệ Intel đầu tư vào Việt Nam ở khu phần mềm Quang Trung (Saigon High Tech Park), trong số vài ngàn kỹ sư Việt Nam đăng ký dự tuyển thì nhìn chung họ đều có tay nghề chuyên môn nhưng khi vào phỏng vấn tiếng Anh chỉ còn vài chục kỹ sư được nhận làm. Ngoại ngữ ảnh hưởng đến công việc, kể cả trong các lĩnh vực dịch vụ khác như du lịch vì không trao đổi được với nhau rõ ràng thì khó có thể hợp tác làm việc được.

 

Tố Uyên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN