Hàng triệu người nghèo ở Inđônêxia chỉ cần 1.000 rupiah là có thể mua được một gói nhỏ Milo bột sôcôla để bổ sung dinh dưỡng, trong khi những người khá giả hơn có thể chọn sữa bột trẻ em Dancow Nutrigold giá 40.000 rupiah. Các sản phẩm này đều do hãng thực phẩm và giải khát toàn cầu khổng lồ Nestle của Thụy Sỹ sản xuất.
Trong nỗ lực mở rộng sự hiện diện tại Inđônêxia, một trong những thị trường tiêu dùng phát triển nhanh nhất trên thế giới, Nestle mới đây đã đầu tư 200 triệu USD để xây dựng một nhà máy mới ở Karawang, Tây Java, dự kiến bắt đầu hoạt động trong năm 2013. Giám đốc điều hành Paul Bulcke cho biết thị trường Inđônêxia rất quan trọng đối với Nestle, với doanh thu đạt khoảng 1 tỷ USD/năm và luôn tăng trưởng ở mức hai con số.
Ông Paul Bulcke lưu ý rằng các thị trường mới nổi chiếm khoảng 80% dân số thế giới và có tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh, trong khi tốc độ tăng trưởng tại các thị trường phát triển đang chậm lại. Hiện nay, các thị trường đang phát triển đóng góp tới 40% doanh thu toàn cầu và tỷ lệ này được dự báo sẽ nhanh chóng tăng lên 50% trong vài năm tới, do các thị trường đang phát triển tăng trưởng trung bình 13-14%/năm, còn các thị trường phát triển chỉ tăng trưởng 4-5%.
Một trong những bí quyết thành công ở mọi nơi của Nestle là hãng luôn kết hợp giữa thị hiếu địa phương, nhu cầu dinh dưỡng và những nghiên cứu, phát triển của hãng. Chẳng hạn, sản phẩm sữa của Nestle bán tại Inđônêxia, ngoài những chất dinh dưỡng cần thiết còn được gia tăng hàm lượng sắt, vì số đông trẻ em "quốc gia vạn đảo" thiếu sắt.
Nestle không phải là hãng thực phẩm và giải khát duy nhất đầu tư mạnh vào Inđônêxia. Chẳng hạn, Unilever cũng vừa thông báo kế hoạch đầu tư 600 triệu USD vào một số dự án tại đây trong giai đoạn 2012-2013, bởi Inđônêxia là một thị trường có tiềm năng rất lớn với thu nhập bình quân đầu người dự kiến tăng lên 4.000 USD/năm so với mức 3.500 USD/người năm 2011.
TTXVN/ Tin Tức