Nga lên kế hoạch xây dựng "hành lang ngũ cốc" Viễn Đông

Chính phủ Nga vừa đề xuất kế hoạch tạo lập một "hành lang" mới dành cho xuất khẩu ngũ cốc tại khu vực Viễn Đông từ nay đến năm 2014. Đây cũng là chủ đề thảo luận chính trong cuộc gặp đầu tiên của Đối tác về chính sách an ninh lương thực trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).

 

Phiên họp hai ngày của hội nghị Đối tác về chính sách an ninh lương thực vừa tổ chức tại Kazan, thành phố nằm trên sông Volga, thủ phủ của nước Cộng hoà tự trị Tatarstan thuộc Liên bang Nga.

 

Các câu hỏi về an ninh lương thực là nội dung then chốt trong nhiệm kỳ Nga làm Chủ tịch APEC năm nay.

 

Nga đang lên kế hoạch xây dựng "hành lang ngũ cốc" Viễn Đông. Ảnh: Internet

 

Điều này dễ lý giải, bởi Nga hiện đã là một trong những nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới. Nước này có khả năng tăng khối lượng xuất khẩu ngũ cốc từ mức 25 triệu tấn hiện tại lên đến 40 triệu tấn năm 2020.

 

Mặt khác, các chuyên gia dự báo rằng trong những năm tới, nhu cầu ngũ cốc ở các nước châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng mạnh.

 

Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phát triển năng động, số dân đang tăng nhanh, trong khi khả năng đưa những diện tích canh tác mới vào sử dụng nông nghiệp thì lại hạn chế. Tiến trình đô thị hóa và phát triển công nghiệp đã “chiếm đoạt” của nông nghiệp không ít nguồn tưới tiêu thủy lợi, trong khi tại phần lớn các quốc gia khu vực này đều gặp hạn chế về tài nguyên nước.

 

Nhờ sự gia tăng thu nhập của tầng lớp trung lưu tại châu Á, nhu cầu về tiêu thụ thịt tại khu vực này cũng tăng rõ rệt, vì vậy cần nhiều thức ăn nuôi gia súc. Đây là những điều kiện khách quan để Nga đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu ngũ cốc sang các nước thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

 

Năm 2011, Nga đã nêu sáng kiến thành lập cơ chế Đối tác chính sách trong lĩnh vực an ninh lương thực - thực phẩm trong khuôn khổ APEC.

 

Trong quan hệ đối tác cần chăm lo giải quyết hàng loạt vấn đề, kể cả cân đối sử dụng tài nguyên đất đai và nước.

 

Mục tiêu dài hạn của Đối tác chính sách trong lĩnh vực an ninh lương thực - thực phẩm là đến năm 2020 lập ra một cơ chế có khả năng đảm bảo an ninh kinh tế lương thực của toàn khu vực.

 

Vấn đề ở đây không chỉ là kinh tế mà còn mang tính chính trị, bởi đụng chạm trực tiếp đến sự ổn định xã hội. Và khu vực nông nghiệp của Nga có thể đóng vai trò quyết định trong các giải pháp.

 

Giáo sư Sergei Luzyanin, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Viễn Đông (Viện Hàn lâm khoa học Nga), nhận định: “Vấn đề lương thực thường xuyên bùng phát và mức giá các sản phẩm nông nghiệp tăng nhanh hơn so với giá dầu khí. Đây là ngành có lợi nhuận, nhưng ngoài vấn đề lợi nhuận thì lợi ích chính trị của Nga cũng là nhân tố đáng kể. Nếu công việc trôi chảy và xuất khẩu ngũ cốc Nga gia tăng trong phạm vi chương trình này thì điều đó có nghĩa là Nga giành được vị thế quan trọng trong các dự án APEC. ”.

 

Trong nhiệm kỳ làm Chủ tịch APEC, Nga dự kiến thảo luận về quy định điều hòa thị trường lương thực, tìm những biện pháp giảm đầu cơ sản phẩm nông nghiệp, phát triển công nghệ mới trong nghề nông, dành hỗ trợ nhân đạo cho những nước đang thiếu lương thực.

 

Tại Hội nghị thượng đỉnh APEC năm nay, Mátxcơva cũng sẽ trình bày ý tưởng về việc mở rộng đầu tư nước ngoài vào qui trình sản xuất nông nghiệp. Đầu tư vào tổ hợp công - nông nghiệp Nga ở vùng Viễn Đông là một kế hoạch chắc chắn sẽ được hoan nghênh. Có một đặc điểm quan trọng là khác với một số nước, Nga không coi đất nông nghiệp là chủ thể chiến lược và không áp đặt hạn chế về đầu tư trong lĩnh vực này.

 

Ngoài ra, Nga cũng muốn thảo luận với các đối tác nước ngoài về vấn đề chế biến và vận chuyển vì sản lượng thu hoạch ngũ cốc những năm gần đây ngày càng tăng.

 

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp Nga đang hoạch định chương trình phát triển cơ sở hạ tầng và đảm bảo hậu cần lương thực cho thị trường nông nghiệp. Điều này sẽ cho phép tăng khối lượng chế biến ngũ cốc thêm 40% và phân khúc này cũng mở rộng cửa dành cho đầu tư nước ngoài.

 

Minh Trang

Bill Gate: "Đầu tư cho nông nghiệp là vũ khí tốt nhất chống đói nghèo"
Bill Gate: "Đầu tư cho nông nghiệp là vũ khí tốt nhất chống đói nghèo"

Tỷ phú Bill Gates, nhà sáng lập và là đồng Chủ tịch Quĩ Bill & Melinda Gates ngày 23/2 đã quyết định tài trợ gần 200 triệu USD để phát triển nền nông nghiệp của thế giới nhân dịp ông tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 35 Hội đồng Quản trị Quĩ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) từ ngày 22-23/2.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN