Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, tình trạng sử dụng kích điện để đánh bắt giun đất phổ biến tại thị xã Sa Pa và các huyện Bảo Thắng, Bảo Yên, Bắc Hà, Si Ma Cai với 17 cơ sở thu mua, sơ chế giun đất. Đây là hoạt động hủy diệt giun đất và các vi sinh vật có lợi khác trong đất, làm giảm chất lượng đất canh tác, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, ảnh hưởng xấu tới sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Đây cũng là hoạt động nguy hiểm, dễ gây tai nạn, ảnh hưởng tới tính mạng con người.
Huyện Si Ma Cai có tới 14 cơ sở thu mua chế biến giun đất. Số hộ đứng ra thu mua, chế biến giun đất sấy khô bán cho thương lái đều không có giấy phép kinh doanh hoặc hoạt động không đúng giấy phép được cấp (nuôi trồng và sơ chế giun đất từ sản phẩm nuôi trồng); cơ sở chế biến không đảm bảo điều kiện, trực tiếp xả thải ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước, khiến các hộ dân xung quanh và cộng đồng dân cư hết sức bức xúc. Không chỉ vậy, một số cơ sở kinh doanh mua bán máy kích giun tự chế, không rõ nguồn gốc xuất xứ, gây nguy hiểm cho người sử dụng...
UBND huyện Si Ma Cai đã có nhiều văn bản tuyên truyền, chỉ đạo ngăn chặn, song tình trạng sử dụng kích điện bắt giun đất, thu mua, chế biến, sấy khô giun đất để bán cho thương lái ngày càng có chiều hướng gia tăng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai Nguyễn Trung Kiên cho biết, để tăng cường quản lý tình trạng trên, huyện đã thành lập tổ công tác gồm Công an huyện, Đội Quản lý thị trường số 3, Phòng Nông nghiệp Phát triển nông thôn và Phòng Tài nguyên Môi trường cùng một số đơn vị liên quan kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp đánh bắt giun đất bằng kích điện, hóa chất và các trường hợp thu mua, sơ chế giun đất.
Mới đây, trong đợt kiểm tra đột xuất 7 lò sấy giun tại huyện Si Ma Cai, tổ công tác đã phát hiện 2 cơ sở xả thải nước tẩy rửa sau khi sơ chế giun đất gây ô nhiễm môi trường. Đường ống thải được ngụy trang dưới những tán cây khô và dẫn thẳng ra sông suối gần đó. Ngay sau đó cơ quan chức năng đã lập biên bản đồng thời lấy mẫu nước thải để đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường.
Hiện, chưa rõ các thương lái thu mua giun đất với mục đích gì, tuy nhiên nông dân sẽ phải nhận "trái đắng" vì đất đai cằn cỗi, hoa màu chậm phát triển…
Theo các chuyên gia, việc kích vào đất dòng điện lớn sẽ khiến các loài giun và vi sinh vật trong lòng đất chết, gây tác hại cho đất, khiến cây trồng bị hỏng rễ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của cây. Đây đều là các hành vi bị pháp luật nghiêm cấm theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
Nhằm tăng cường triển khai các biện pháp ngăn chặn tình trạng kích điện, sơ chế và thu mua giun đất, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường đã có văn bản yêu cầu UBND các địa phương tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát và ngăn chặn kịp thời các hành vi đánh bắt giun đất.
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu tăng cường kiểm tra hoạt động của các cơ sở thu gom, sấy khô, mua bán giun đất không có đầy đủ hồ sơ pháp lý, xử lý nghiêm theo quy định; nhận diện các hành vi vi phạm của các cơ sở và áp dụng quy định pháp luật hiện hành về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, quy định về an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm, quy định về môi trường để xử lý các trường hợp này.
Các địa phương kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm, kịp thời các đối tượng có hành vi sơ chế, sấy khô giun đất gây phát sinh chất thải, nước thải từ hoạt động chế biến của các cơ sở chế biến giun đất chưa được cấp phép, chưa có hồ sơ pháp lý về môi trường, chưa đầu tư các công trình biện pháp bảo vệ môi trường.
Bên cạnh việc tăng cường phổ biến các quy định của pháp luật về Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường để người dân hiểu rõ hậu quả nghiêm trọng của việc đánh bắt giun đất bằng kích điện đối với tầng canh tác và hiệu quả sản xuất nông nghiệp, các địa phương khuyến khích cộng đồng dân cư đưa hành vi kích điện, sơ chế, mua bán giun đất vào hương ước, quy ước của xóm, thôn bản; không để tình trạng bắt giun đất ngày càng mở rộng, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và hệ sinh thái tự nhiên.