Đi từng ngõ, gõ từng hộ gia đình cần hỗ trợ
Men theo con đường nhỏ trong tổ dân phố số 13, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, chúng tôi đến gia đình chị Nguyễn Thị Thơm, hộ gia đình đang có nhu cầu được hỗ trợ vay vốn để phục hồi sản xuất bún, ổn định đời sống. Bên ấm trà pha vội chưa kịp nóng, chị Nguyễn Thị Thơm chia sẻ, nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình là từ hoạt động sản xuất bún. Nhưng, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19, người dân hạn chế ra đường mua sắm, chợ thì ế ẩm, hàng quán đóng cửa nên lượng bún bán ra không đáng kể. Do vậy, gia đình phải tạm dừng sản xuất.
Vừa chia sẻ, đôi tay chị Thơm vừa thoăn thoắt lau rửa lại các khay đựng bún và vệ sinh lại hệ thống máy móc như đã để lâu ngày không sản xuất. Chị Nguyễn Thị Thơm rưng rưng cho biết: "Giờ thu nhập của gia đình gần như không có, cả nhà chỉ sống bằng chút tiền dành dụm ít ỏi, nếu dịch bệnh kéo dài hơn, không biết phải sống thế nào. Khi dịch bệnh qua rồi, gia đình vẫn lo vốn để tiếp tục sản xuất. Gia đình mong lắm thành phố và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội Hà Nội vừa giãn nợ cũ, vừa cho vay thêm 50 triệu đồng để khôi phục sản xuất, sớm ổn định đời sống.".
Không chỉ gia đình chị Thơm đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, gia đình chị Nguyễn Thị Huyền đang kinh doanh cửa hàng may mặc, cùng trú tại tổ dân phố số 13, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm cũng đang gặp khó, khi hoàng hóa không thể bán được. Chị Huyền bày tỏ, đối với những hộ kinh doanh cá thể đã được vay vốn Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội Hà Nội trước đó, nay đến kỳ hạn phải trả, nhưng được ngân hàng cho gia hạn trả nợ là rất quý. Gi đình chị trong thời điểm này rất mong thành phố và ngân hàng hỗ trợ cho vay 50 triệu đồng để duy trì sản xuất kinh doanh, vượt qua tình cảnh khó khăn, do tác động của dịch bệnh gây ra.
Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Phú Đô Lê Thị Phượng, hiện trên địa bàn phường có trên 1.300 các hộ kinh doanh nhỏ lẻ; trong đó, có 200 hộ sản xuất bún, 300 hộ kinh doanh bún và hơn 400 hộ kinh doanh các mặt hàng quần áo giày dép, đồ dùng học tập. Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng ủy, UBND phường Phú Đô và các đoàn đã phối hợp với mặt trận khu dân dân cư, tổ trưởng tổ dân phố rà soát, lập danh sách các hộ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Theo đó, phường đã ra soát được 375 hộ trực tiếp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và có vay vốn của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội quận Nam Từ Liêm.
Đối với các hộ này, UBND phường Phú Đô sẽ phối hợp cùng Phòng giào dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội quận Nam Từ Liêm giúp đỡ nhằm tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh có diễn biến phức tạp. Đặc biệt, ngay khi có thông tin thành phố có quyết định giao vốn ủy thác cho Ngân hàng Chính sách Xã hội Hà Nội để hỗ trợ các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, do tác động của dịch COVID-19, UBND phường và các hội, đoàn thể đã nhanh chóng hướng dẫn các hộ gia đình cần hỗ trợ làm thủ tục vay vốn. Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội quận Nam Từ Liêm cũng có biện pháp sớm giải ngân cho đúng đối tượng để giảm bớt khó khăn trong giai đoạn này.
Hỗ trợ kịp thời
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và thành phố Hà Nội là "không để ai bị bỏ lại phía sau", Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố Hà Nội đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị xã hội và các tổ tiết kiệm, vay vốn trên địa bàn triển khai rà soát, nắm bắt tình hình khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và những hộ vay vốn có khó khăn trong việc trả nợ. Theo đó, tính đến 31/3/2020, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố đã gia hạn nợ và điều chỉnh kỳ hạn nợ cho 3.0 khách hàng với dư nợ được điều chỉnh kỳ hạn và gia hạn nợ là 126 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho biết, ngay khi UBND thành phố có văn bản đề nghị Thường trực HĐND thành phố cho ý kiến về việc bổ sung vốn ủy thác năm 2020 vì mục đích cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn nhằm hỗ trợ phục hồi sản xuất, khắc phục thiệt hại do dịch COVID-19, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã có văn bản đồng ý về nguyên tắc với đề xuất của UBND thành phố bổ sung 650 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác (đợt 1) qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố để thực hiện nhiệm vụ cấp bách này.
Bên cạnh đó, cùng với những giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, thành phố đang tiếp tục nghiên cứu những cơ chế, chính sách đặc thù để đảm bảo hỗ trợ kịp thời cho các hộ nghèo, các đối tượng chính sách gặp khó khăn, do ảnh hưởng của dịch gây ra.
Bà Lê Thị Đức Hạnh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội kiêm Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố Hà Nội cho rằng, thành phố Hà Nội đã có những hành động thiết thực nhanh chóng hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Đây là những đối tượng yếu thế và rất dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động về kinh tế xã hội, nhất là những biến động về dịch bệnh liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm như dịch COVID-19 hiện nay. Với 650 tỷ đồng vừa được ủy thác, Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố Hà Nội sẽ kịp thời tham mưu với các cấp phân bổ nguồn vốn về các địa phương để người dân tiếp cận ngay nguồn vốn duy trì sản xuất, kinh doanh, đảm bảo cuộc sống.
Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội, dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm và đặc biệt là dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống sản xuất của người nghèo và các hộ chính sách trên địa bàn. Qua rà soát bước đầu, nhu cầu vay vốn bổ sung để khôi phục sản xuất kinh doanh trong năm 2020 là khoảng 1.000 tỷ đồng cho 25.000 khách hàng (đủ điều kiện vay vốn) và nhu cầu bổ sung vốn để bù đắp số vốn chưa thu hồi được so với kế hoạch thu hồi trong năm 2020 là 412 tỷ đồng. Cũng theo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố, nhóm ngành, nghề vay vốn bị ảnh hưởng nhiều nhất là chăn nuôi, buôn bán nhỏ và kinh doanh dịch vụ, y tế, vận tải. Nhóm này đang có tổng dư nợ là 2.4 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 28% tổng dư nợ cho vay.