Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam - mô hình hiệu quả trong giảm nghèo bền vững

Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) Việt Nam là mô hình hiệu quả, góp phần giảm nghèo một cách bền vững. Đây cũng là ý kiến của đa số các nhà khoa học thảo luận về vai trò của NHCSXH Việt Nam trong cuộc Hội thảo NHCSXH - 15 năm một chặng đường do NHCSXH tổ chức ngày 22/9 tại Hà Nội.

TS Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Theo TS Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam, kể từ khi thành lập đến nay, hoạt động của NHCSXH nhằm giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Hoạt động của NHCSXH không vì mục đích lợi nhuận, được Nhà nước bảo đảm khả năng thanh toán, tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng 0%, không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi, được miễn thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước.


Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách, NHCSXH vượt qua nhiều khó khăn thách thức, chung sức chung lòng, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, phát huy vai trò là đòn bẩy kinh tế quan trọng của nhà nước trong công tác giảm nghèo bền vững. Thực tiễn hoạt động của NHSXH đã và đang minh chứng cho sự phát triển vững mạnh và hoạt động ngày càng có hiệu quả của kênh tín dụng chính sách đặc thù ở Việt Nam.


Phát biểu tại hội thảo, TS Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định, mô hình NHCSXH là mô hình hiệu quả nhất trong việc góp phần giảm nghèo một cách bền vững nhất. Song bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của NHCSXH còn một số vấn đề đặt ra cần nghiên cứu, thảo luận: Nguồn vốn cho vay còn thiếu so cới nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng. Việc bố trí nguồn vốn để thực hiện tín dụng chính sách còn chưa kịp thời và còn có khoảng cách lớn giữa nhu cầu vốn của các chương trình an sinh xã hội do nhà nước giao cho NHCSXH thực hiện với thực tế vốn được bố trí trong kế hoạch ngân sách nhà nước hàng năm.


Trong đó, ngân sách nhà nước còn cấp thiếu vốn điều lệ cho NHCSXH; một số chương trình tín dụng chính sách đã có hiệu lực nhưng chưa được ngân sách nhà nước bố trí vốn kịp thời, tạo áp lực đối với NHCSXH trước nhu cầu vay vốn của đối tượng thụ hưởng chính sách và chính quyền địa phương. Hiệu quả tín dụng chưa đồng đều giữa các địa phương, tỷ lệ nợ quá hạn ở một số địa phương còn ở mức cao, nhất là một số địa phương vùng Tây Nam Bộ…

Quang cảnh buổi Hội thảo.

Tham luận tại hội thảo, các nhà khoa học đều khẳng định: Đồng hành với mục tiêu quan trọng của đất nước, ngành ngân hàng nói chung và Ngân hàng nhà nước Việt Nam với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ và ngân hàng nói riêng đã luôn quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ để NHCSXH thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi nhằm giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước góp phần cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống, tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.


Tín dụng chính sách đã và đang là một phần quan trọng trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách được thực hiện tại NHCSXH, người nghèo và các đối tượng chính sách có cơ hội cho con em đi học, đi xuất khẩu lao động tăng thu nhập cho gia đình, nâng cao sức sản xuất hàng hóa, cải thiện cuộc sống.


Từ khi thành lập (năm 2002) đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH luôn có sự tăng trưởng qua các năm, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 25,82%. Tính đến cuối tháng 4/2017, tổng dư nợ đạt 164.009 tỷ đồng, tăng 4,2% so với cuối năm 2016 và tăng 23,35% so với cuối năm 2002, với hơn 8,4 triệu khách hàng còn dư nợ, tỷ lệ nợ quá hạn là 0,42%.


Sau gần 15 năm hoạt động, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp gần 4,5 triệu lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hỗ trợ tạo việc làm cho hơn 3 triệu lao động; giúp cho 3,4 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 9 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn… đóng góp quan trọng cho việc thực hiện thành công mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2001 - 2005 giảm từ 17% xuống còn 7%; trong giai đoạn 2005 - 2010 giảm từ 22% xuống còn 9,45%; giai đoạn 2011 - 2015 giảm từ 14,2% xuống dưới 4,25% (tỷ lệ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015).

Bài và ảnh: Viết Tôn/Báo Tin Tức
Ngân hàng Chính sách xã hội hoàn thành 71% kế hoạch tăng trưởng
Ngân hàng Chính sách xã hội hoàn thành 71% kế hoạch tăng trưởng

Ngân hàng Chính sách xã hội vừa cho biết, đến ngày 30/6/2017, tổng dư nợ các chương trình tín dụng của toàn hệ thống đạt 166.426 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cuối năm 2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN