Chủ động tìm khách hàng
Liên tục nhiều ngày qua, chị Nguyễn Phương Uyên (ngụ quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) nhận được lời mời chào vay tiêu dùng của các ngân hàng Shinhan Bank, VIB, Citi Bank… Đây là những ngân hàng chị đã làm thẻ tín dụng, do vậy các ngân hàng này đã gọi mời chị vay tiêu dùng với lãi suất hấp dẫn.
Không riêng gì chị Uyên, hiện rất nhiều người được các ngân hàng chủ động mời chào vay tiêu dùng tín chấp và mở thẻ tín dụng. Theo các chuyên gia kinh tế, việc các ngân hàng chủ động mời chào khách hàng vay tiêu dùng không phải là mới, nhưng trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động đến nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn nên việc cho vay tín dụng sản xuất bị chậm lại. Để thúc đẩy kinh tế cũng như kích cầu tiêu dùng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa chỉ đạo các ngân hàng và cả công ty tài chính triển khai mạnh mẽ các gói tín dụng tiêu dùng. Chính vì vậy, sau thời gian im ắng, việc đẩy mạnh cho vay của các ngân hàng nay nhộn nhịp trở lại.
Trong văn bản chỉ đạo triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm, Thống đốc NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng, ngân hàng đẩy mạnh các gói tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân với lãi suất hợp lý, thủ tục đơn giản và phù hợp với quy định của pháp luật. Đồng thời, Ngân hàng Chính sách xã hội phải khẩn trương hoàn thành phương án thí điểm mở rộng tín dụng tiêu dùng…
Trả lời báo chí mới đây, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cho biết trong giai đoạn nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi, tín dụng tiêu dùng sẽ góp phần kích thích tổng cầu, hỗ trợ tăng trưởng. Ngoài ra, nhu cầu vay vốn của người dân hiện nay vẫn rất lớn, tín dụng đen có dấu hiệu tăng nhanh, vì vậy phát triển tín dụng tiêu dùng sẽ hạn chế và đẩy lùi được tín dụng đen.
Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn này, tình hình cho vay không phải là chuyện dễ dàng. Thống kê của NHNN cho thấy, tính đến cuối tháng 7/2020, tín dụng toàn hệ thống tăng 3,45%, chưa bằng một nửa mức tăng cùng kỳ năm ngoái. Đối với vay tiêu dùng và cho vay cá nhân, mức tăng trưởng còn chậm hơn rất nhiều. Nguyên nhân công việc bập bênh, thu nhập giảm do ảnh hưởng dịch nên việc vay tiêu dùng càng làm cho người dân thêm gánh nặng, không đủ thu để trả lãi.
Báo cáo tài chính riêng lẻ và hợp nhất của một số ngân hàng như MBBank, HDBank… cũng cho thấy, tăng trưởng tín dụng của công ty tài chính tiêu dùng trực thuộc chậm hơn nhiều so với năm ngoái. Chính vì vậy, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh bán hàng qua kênh số hóa hoặc thúc đẩy thẻ tín dụng, một số ngân hàng đang ra sức tận dụng hệ sinh thái của mình để thúc đẩy cho vay tiêu dùng. Chẳng hạn, HDBank có hệ sinh thái HDBank - Vietjet Air - HD Saison, Techcombank có hệ sinh thái Techcombank - Vingroup - Masan…
Giảm áp lực lãi suất cho vay
Sự nỗ lực cho vay của các ngân hàng, công ty tài chính chưa đủ để “đẩy” tín dụng tiêu dùng, vì thế theo TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, để việc kích thích cho vay tiêu dùng có hiệu quả, cần sự phối hợp của nhiều chính sách.
Hiểu được vấn đề này, nhiều ngân hàng đã giảm mạnh lãi suất cho vay tiêu dùng, cho vay tín dụng. Hiện mặt bằng lãi suất cho vay được các ngân hàng đang áp dụng phổ biến ở mức 6,0 - 9,0%/năm đối với ngắn hạn và 9,0-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Ngoài ra, các ngân hàng còn tung các gói hỗ trợ lãi suất thấp cho các doanh nghiệp, người dân nhằm kích cầu tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng trước tác động của dịch COVID-19. Cụ thể, bên cạnh gói tín dụng 25.000 tỷ đồng đang thực hiện trên toàn quốc, từ 1/8, Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) triển khai Chương trình tiếp sức khách hàng tại Đà Nẵng, Quảng Nam chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với gói tín dụng 2.500 tỷ đồng.
Chương trình gồm nhiều ưu đãi về lãi suất cho vay, phí dịch vụ ngân hàng, đặc biệt giảm lãi suất cho vay tối thiểu 2%/năm so với lãi suất thông thường cho cả khách hàng hiện hữu và mới gặp khó khăn bởi dịch. Ngoài ra, SHB vẫn tiếp tục triển khai các phương án cơ cấu nợ, giãn nợ và giữ nguyên nhóm nợ cũng như các phương án miễn giảm lãi, phí đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch.
Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) nhắm đến đối tượng khách hàng là cá nhân, chủ hộ kinh doanh đang hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng, tung gói hỗ trợ với nhiều ưu điểm nổi bật: tỷ lệ cho vay tối đa 85% giá trị tài sản đảm bảo, tài trợ lên đến 90% phương án vay vốn, thời gian phê duyệt trong 24h làm việc, thời gian duy trì hạn mức cho vay đến 3 năm… Đồng thời, giảm lãi suất lên đến 0,5%/năm. Theo đó, lãi suất chỉ 7,0%/năm với khách hàng doanh nghiệp và chỉ từ 7,9%/năm với khách hàng cá nhân.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) mới tung ra bộ đôi sản phẩm tín dụng dành riêng cho khách hàng doanh nghiệp siêu nhỏ có mức cấp tín dụng lên đến 10 tỷ đồng, tỷ lệ cho vay lên đến 99% giá trị tài sản đảm bảo và thời hạn cấp tín dụng tối đa 120 tháng.
VietinBank cũng dành 20.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi lãi suất dành cho các khách hàng vay vốn trung dài hạn, thời gian ưu đãi lên tới 36 tháng. Kienlongbank cũng hỗ trợ gói tín dụng 500 tỷ đồng dành cho khách hàng doanh nghiệp, với lãi suất ưu đãi từ 8%/năm. Chương trình bắt đầu từ ngày 3/8/2020 đến ngày 30/9/2020 hoặc khi giải ngân hết giá trị gói ưu đãi, hoặc chấm dứt trước hạn.
OceanBank với gói tín dụng ưu đãi lên tới 500 tỷ đồng dành cho tất cả khách hàng doanh nghiệp trong giai đoạn nửa cuối năm 2020. Theo đó, khách hàng doanh nghiệp mới vay vốn tại OceanBank sẽ được hưởng lãi suất: từ 3 tháng trở xuống lãi 4,99%/năm; trên 3 tháng đến 5 tháng lãi 5,99%/năm; trên 5 tháng đến 6 tháng lãi 6,5%/năm.
BIDV cũng giảm thêm 0,5% lãi suất cho vay từ ngày 1/7. Đây là lần thứ 3 ngân hàng hạ lãi suất trong năm nay, với tổng mức giảm là 2,5-3%. Ngân hàng đã cung cấp gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ khách hàng với quy mô 93.000 tỷ đồng.
Trước đó, NHNN cũng đã có quyết định giảm 0,5% lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VNĐ của các tổ chức tín dụng và hạ 0,2% lãi suất tiền gửi của các tổ chức khác tại NHNN. Việc NHNN điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi cũng giúp các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất huy động, cho vay. NHNN cũng sẽ xem xét sớm sửa đổi Thông tư 01 theo hướng gia hạn thời gian cơ cấu lại nợ cho đến cuối năm 2020 và các khoản nợ cho vay mới sau thời điểm Thủ tướng công bố dịch (23/1) cũng sẽ được xem xét để cho phép cơ cấu lại.
Theo báo cáo mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong gần 7 tháng đầu năm, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 272.000 khách hàng, với dư nợ hơn 210.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 435.000 khách hàng với dư nợ hơn 1,27 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến nay đạt 1,17 triệu tỷ đồng cho hơn 247.000 khách hàng…