Khó khăn trong xử lý tài sản bảo đảm
Theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng, tính đến ngày 16/9, tăng trưởng tín dụng đạt 7,26% so với cuối năm 2023 (cùng kỳ năm ngoái đạt 5,73%). Trong đó, khối ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần tư nhân tăng 8,48%, chiếm 45% thị phần, tăng cao nhất toàn hệ thống. Tăng trưởng tín dụng đối với các ngành cải thiện hơn so với cùng kỳ năm 2023, cơ cấu tín dụng phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế...
Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các NHTM cổ phần về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế xã hội chiều 21/9, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT MB cho biết: Nguyên nhân tăng trưởng tín dụng chưa được như kỳ vọng là do tác động của cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh (SXKD) giảm, dẫn tới cầu tín dụng cho SXKD của người dân, doanh nghiệp giảm tương ứng. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp chưa phục hồi hoàn toàn sau COVID-19, cùng với ảnh hưởng tiêu cực của suy giảm kinh tế, nên cầu vay vốn và khả năng hấp thụ vốn giảm sút.
Cầu tiêu dùng trong nước có xu hướng thắt chặt, đặc biệt các chi tiêu không thiết yếu. Bên cạnh đó, ảnh hưởng từ thị trường bất động sản (BĐS), trái phiếu doanh nghiệp… dẫn tới sụt giảm cầu tiêu dùng. Đối với lĩnh vực BĐS, mặc dù có nhiều chính sách mới hỗ trợ các doanh nghiệp, nhưng quá trình giải quyết vướng mắc pháp lý tại các dự án BĐS vẫn còn chậm, ảnh hưởng đến khả năng thu xếp nguồn vốn tín dụng của doanh nghiệp.
Theo lãnh đạo MB, một số nhóm khách hàng có nhu cầu vay vốn, nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Việc tiếp cận tín dụng của nhóm này còn hạn chế do quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính quản trị còn hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi, thông tin tài chính còn thiếu minh bạch…
Nhiều ngân hàng cũng gặp khó khăn trong xử lý tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu. Chủ tịch Ngân hàng quốc tế (VIB) Đặng Khắc Vỹ cho rằng: Nguyên nhân cơ bản là Nghị quyết 42 của Quốc hội đã hết hiệu lực và Luật các TCTD mới không có quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của TCTD. Do vậy, các TCTD không thể thu giữ để xử lý tài sản bảo đảm, kể cả khi đã có thỏa thuận với khách hàng về phương thức xử lý.
Thực tế này dẫn đến việc xử lý tài sản bảo đảm phụ thuộc hoàn toàn vào quá trình tố tụng và bán tài sản bảo đảm trong quá trình thi hành án. Trong khi đó, quá trình khởi kiện, tham gia tố tụng và tiến hành thi hành án theo quy định cho mỗi vụ án thường kéo dài, trong bối cảnh ngân hàng phải trích dự phòng rủi ro, dừng dự thu lãi, trong khi vẫn phải trả chi phí huy động vốn hàng ngày...
Tích cực khơi thông dòng vốn
Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh đưa ra 3 đề xuất, kiến nghị trong những tháng cuối năm 2024, ttng đó có việc khơi thông dòng vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Theo đó, dự thảo Luật chứng khoán có những điều khoản thay đổi quan trọng và sẽ ảnh lớn đến thị trường chứng khoán, thị trường vốn, cũng như tác động bất lợi đến việc huy động vốn của doanh nghiệp.
"Bộ Tài chính cần đánh giá mức độ ảnh hưởng đến thị trường, doanh nghiệp, người dân và lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, các hiệp hội để có điều chỉnh phù hợp, vừa đảm bảo tăng cường sự ổn định của thị trường, cũng như tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn một cách bền vững", ông Hồ Hùng Anh kiến nghị.
Đại diện Techcombank kiến nghị: Cần có những giải pháp bổ sung, gia hạn các gói vay vốn với lãi suất thấp, đặc biệt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong xuất khẩu, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh vừa qua; ổn định thị trường ngoại hối, bổ sung, gia hạn các chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế giá trị gia tăng (VAT), thời gian nộp thuế, kiểm soát các loại chi phí liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh như chi phí vận tải, xuất nhập khẩu… nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng tài chính.
Đồng tình quan điểm này, ông Lưu Trung Thái kiến nghị Chính phủ cần có thêm các giải pháp ổn định, khơi thông dòng vốn trên thị trường TPDN để giảm áp lực vốn tín dụng trung, dài hạn vào hệ thống ngân hàng; tăng cường truyền thông kịp thời để giữ vững tâm lý thị trường, nhà đầu tư trái phiếu. Đặc biệt, các cơ quan/Bộ ngành địa phương đẩy nhanh tiến độ phê duyệt điều chỉnh/quy hoạch nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản.
Đề cập các giải pháp từ nay tới cuối năm, Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng cho biết: NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; tiếp tục giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm cho TCTD đảm bảo công khai, minh bạch, phù hợp với mục tiêu kinh tế vĩ mô và tình hình hoạt động của TCTD; đồng thời nghiên cứu lộ trình dỡ bỏ dần việc áp dụng biện pháp này theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ.
“NHNN tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi và phấn đấu giảm lãi suất cho vay; tháo gỡ và thúc đẩy tín dụng phục vụ nhu cầu SXKD và phục vụ đời sống, tiêu dùng; tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng. Ngành ngân hàng tiếp tục quyết liệt triển khai các chương trình, Chính sách tín dụng nhà ở xã hội, Chương trình tín dụng lĩnh vực lâm, thủy sản; chỉ đạo TCTD nghiêm túc triển khai các chương trình tín dụng đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ, NHNN”, ông Phạm Quang Dũng cho biết.
Lãnh đạo NHNH cũng cho rằng: Để thúc đẩy sự phục hồi của tổng cầu, tăng khả năng hấp thụ tín dụng, bên cạnh các giải pháp từ phía ngành ngân hàng, cần có chính sách tổng thể từ phía các Bộ, ngành, địa phương như: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; củng cố niềm tin của thị trường vào sự phục hồi, tăng trưởng kinh tế, qua đó khôi phục kỳ vọng mở rộng đầu tư của doanh nghiệp, thúc đẩy tiêu dùng của người dân...
Đồng thời, cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường thu hút đầu tư xã hội, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại; tiếp tục triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước; đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ khó khăn và phát triển bền vững các thị trường chứng khoán, TPDN, thị trường BĐS...; nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp từ cả phía doanh nghiệp, cũng như các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn thông qua các Quỹ bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Quỹ Phát triển DNNVV", Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng nhấn mạnh.