Ngành cao su hướng tới đa lợi nhuận

Xác định chiến lược phát triển hiện nay của các ngành nghề là đa dạng sản phẩm để hỗ trợ cùng phát triển, ngành cao su Việt Nam nói chung, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam nói riêng cũng xác định hướng đi bền vững trong tương lai chính là hướng tới đa lợi nhuận, phát huy hết ưu thế của ngành cao su về diện tích, công nghệ, lực lượng lao động để tạo đà cho ngành vượt qua những biến động khó khăn của kinh tế hiện nay.

Chú thích ảnh
Tập kết mủ cao su thu hoạch để đưa về nhà máy chế biến của Công ty TNHH Một thành viên Cao su Chư Păh, Gia Lai. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Đa mục tiêu

Với sự biến động giá mủ toàn cầu trong giai đoạn 5 năm qua, giá mủ cao su Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật giảm xuống mức thấp nhất, tác động mạnh mẽ đến lợi nhuận ngành cao su, thu nhập của lực lượng lao động trong ngành và khả năng cạnh tranh vị thế với các ngành nghề khác trong toàn cảnh nền kinh tế Việt Nam, toàn cầu.

Chính vì điều này, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cũng đã đề ra chiến lược chung cho các đơn vị trực thuộc là phải lập kết hoạch thay đổi mô hình tăng trưởng, tận dụng lợi thế, đa dạng hóa ngành nghề để tạo sức bật cho ngành. Đó là vừa sản xuất cao su lấy mủ, vừa tăng cường công nghệ chế biến mủ cao su, sản xuất xen canh, phát triển nông nghiệp công nghệ cao chuyên canh trên diện tích cao su và phát triển khu công nghiệp, nâng cao lợi nhuận trên diện tích cao su.

Song song với việc phát triển cây cao su, tập đoàn đã có kế hoạch chuyển đổi diện tích cây cao su già cỗi, kém hiệu quả sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, có sự liên kết, hợp tác tiêu thụ với các doanh nghiệp nước ngoài, phục vụ cho khâu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả. Tính đến năm 2020, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đã phê duyệt thực hiện 2 khu nông nghiệp công nghệ cao tại các công ty Phước Hòa, Đồng Phú, 13 dự án nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích hơn 4.300 ha. Tính đến nay, tập đoàn đã thực hiện được 5 dự án, chiếm tỷ lệ hơn % tổng số dự án, tương ứng gần 600 ha sản xuất ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cũng tăng mục tiêu lợi nhuận của toàn ngành sang lĩnh vực phát triển khu công nghiệp. Cụ thể, tập đoàn đang đầu tư vào 11 công ty hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp (8 công ty thành viên đầu tư và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp: Bắc Đồng Phú, Dầu Giây, Nam Tân Uyên, An Điền, Tân Bình, Long Khánh, Đầu tư Sài Gòn VRG và khu công nghiệp Cao su Bình Long và 3 công ty liên kết). Với 16 dự án, tổng diện tích hơn 6.566 ha, nằm tập trung tại các tỉnh/thành: Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Gia Lai, các khu công nghiệp đã và đang có sự đóng góp không nhỏ về doanh thu, lợi nhuận.

Tính đến cuối năm 2020, các công ty khu công nghiệp đã cho thuê 2.288,5 ha (đạt gần 90% diện tích công nghiệp). Trong các năm vừa qua, khu công nghiệp đã thu hút hơn 700 doanh nghiệp với vốn đầu tư 9.119 triệu USD và 24.714 tỷ đồng tại các khu công nghiệp trên đất cao su, tạo ra hơn 260.000 công việc cho người lao động trên địa bàn các tỉnh Đông Nam Bộ gồm Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương tại nơi các khu công nghiệp trú đóng, cũng như góp phần giải quyết vấn đề về an sinh xã hội. Năm 2020, lợi nhuận từ khối dịch vụ hạ tầng khu công nghiệp chiếm 17% trên tổng lợi nhuận sau thuế ước đạt 5.230 tỷ đồng của tập đoàn.

Phát triển bền vững

Chú thích ảnh
Cao su thiên nhiên có chứng chỉ bền vững là sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: L.Sơn/Báo Tin tức

Dù phát triển mục tiêu nào, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cũng nhắm đến sự bền vững trong từng tiêu chí. Có như vậy, Tập đoàn Cao su Việt Nam mới tạo nền tảng vững chắc, phát triển lâu dài, đủ sức cạnh tranh đa ngành nghề, đảm bảo an sinh cho đội ngũ lao động trong tập đoàn nói riêng, tạo đà phát triển cho kinh tế Việt Nam nói chung.

Theo đại diện Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, sự phát triển bền vững của tập đoàn dựa trên sự hài hòa, cân đối của 3 trụ cột kinh tế, môi trường, xã hội. Về kinh tế, tập đoàn là đơn vị sản xuất cao su thiên nhiên lớn nhất cả nước trên diện tích 410.000 ha rừng cao su tại Việt Nam, Lào và Campuchia. Với quy mô sản xuất này, tập đoàn đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 80.000 lao động. Về bảo vệ môi trường, tập đoàn có chính sách bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi rừng tự nhiên trong các dự án phát triển rừng cao su.

Về tiêu chí bảo vệ môi trường, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam chú trọng chính sách bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ, phục hồi rừng tự nhiên trong các dự án rừng cao su. Một trong những mục tiêu quan trọng để tạo thế đứng vững chắc cho ngành cao su trên thị trường thế giới, cũng như chế biến xuất khẩu gỗ cao su có thêm năng lực cạnh tranh, đó là tập đoàn thực hiện các chứng chỉ quốc gia và chứng chỉ quốc tế về quản lý rừng cao su bền vững. Đây là hoạt động nhằm giảm tác động tiêu cực đến môi trường, xã hội, tăng hiệu quả kinh tế, kết hợp đa dạng sinh học với bảo vệ rừng.

Tính đến cuối năm 2019, tập đoàn đã có gần 11.500 ha rừng cao su của 3 đơn vị trực thuộc được cấp chứng chỉ rừng bền vững VFCS (Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia). Đến cuối năm 2020, có thêm 45.000 ha được cấp chứng chỉ rừng bền vững VFCS. Dự kiến, đến cuối năm 2022, tập đoàn có 300.000 ha rừng cao su tại Việt Nam sẽ được chứng nhận tiêu chuẩn rừng quốc gia VFCS và tiêu chuẩn quốc tế PEFC (Xác nhận các Chương trình Chứng nhận rừng của châu Âu).

Theo ông Võ Hoàng An, Phó Chủ tịch, Tổng thứ ký Hiệp hội Cao su Việt Nam, hiện hệ thống quản lý chất lượng cao su thiên nhiên tại Việt Nam chưa đồng bộ. Đến nay, việc đảm bảo chất lượng cao su thiên nhiên chỉ được quan tâm đầu tư ở một số doanh nghiệp quy mô lớn, chưa có cơ quan chức năng quản lý chất lượng cao su tiểu điền. Do đó, các tiêu chí phát triển bền vững; trong đó có tiêu chuẩn quốc gia cho rừng cao su là bước phát triển đi đầu, để toàn ngành cao su hướng tới bền vững, tăng năng lực cạnh tranh hơn nữa.

Hồng Nhung (TTXVN)
Cơ hội cho cao su mở rộng thị trường
Cơ hội cho cao su mở rộng thị trường

Thông tin từ các công ty chuyên cung ứng cao su thiên nhiên bền vững cho các hãng lốp xe, thời trang, thiết bị y tế..., rất nhiều hãng muốn mua cao su thiên nhiên bền vững ở Việt Nam. Đây chính là cơ hội rất lớn cần ngành cao su Việt Nam nắm bắt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN