Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, để ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn tại các tỉnh miền núi phía Bắc, ngay sau các Công điện của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, EVN cũng đã ban hành Công điện chỉ đạo các đơn vị thành viên chủ động các phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, trang thiết bị, phương tiện, vật tư để khắc phục kịp thời sự cố, thiệt hại do thiên tai gây ra (nếu có) trong thời gian nhanh nhất.
Ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc EVN cho hay, hiện nay, mưa lũ, sạt lở đã gây ảnh hưởng đến lưới điện hạ áp trên địa bàn tỉnh Hà Giang, Điện Biên. Cụ thể, tỉnh Hà Giang có 260 khách hàng, tỉnh Lai Châu có 546 khách hàng bị ảnh hưởng cung cấp điện. Các công ty điện lực đang tập trung nhân lực, phương tiện tổ chức khắc phục sự cố; trong đó, Công ty Điện lực Lai Châu dự kiến khắc phục xong trong ngày hôm nay. Riêng Hà Giang, do sạt lở đất, giao thông bị chia cắt, nên ngay khi tiếp cận được hiện trường, Công ty Điện lực sẽ nhanh chóng kiểm tra, khắc phục sự cố. Dự kiến sẽ khắc phục xong xong trước ngày 20/7.
Song song đó, các đơn vị thành viên của EVN cũng đang vận hành các hồ chứa thủy điện an toàn; trong đó, tăng cường phát điện để duy trì mực nước theo quy trình.
Thời gian tới, EVN tiếp tục chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các đơn vị liên quan vận hành các hồ chứa đảm bảo an toàn, hiệu quả. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, trang thiết bị, phương tiện, vật tư để khắc phục kịp thời sự cố, thiệt hại do thiên tai gây ra trong thời gian nhanh nhất.
Theo Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai, từ đầu tháng 7 đến 13/7/2024, các tỉnh miền núi phía Bắc cục bộ có mưa to đến rất to; trong đó Hà Giang có mưa từ 400 - 600 mm; Đồng bằng Bắc Bộ mưa từ 100 - 200 mm. Mưa lớn đã gây sạt lở đất ngày 13/7 tại Quốc lộ 34, huyện Bắc Mê (Hà Giang) làm 11 người chết, 4 người bị thương.
Từ ngày 15 - 17/7, Bắc và Trung Trung bộ có mưa phổ biến từ 70 - 150 mm, cục bộ trên 250 mm; đồng bằng và ven biển Bắc bộ, Tây Nguyên và Nam bộ phổ biến từ 50 - 100 mm, cục bộ trên 200 mm. Trên các sông từ Thanh Hóa - Quảng Trị có khả năng xuất hiện một đợt lũ trên các sông suối nhỏ, các sông thượng lưu ở mức báo động 1, hạ lưu mức báo động 1; nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi, ngập lụt cục bộ vùng trũng thấp ven sông và khu đô thị.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, áp thấp nhiệt đới tuy không mạnh và sẽ suy yếu trước khi đổ bộ vào đất liền, nhưng có thể sẽ gây mưa lớn, sạt lở đất. Bên cạnh đó, từ nay đến cuối năm, tình hình thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, thậm chí sẽ có một số hình thái cực đoan. Do đó, các địa phương, đơn vị không được lơ là, chủ quan trong công tác ứng phó.
Các địa phương, đơn vị cần rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động ứng phó. Đồng thời tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố thông tuyến giao thông.
Song song đó, cần vận hành hiệu quả các hồ chứa thủy điện vừa đảm bảo an toàn trong phòng chống thiên tai, vừa đảm bảo cho sản xuất. Kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống; sẵn sàng vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng. Đặc biệt, các chủ hồ chứa khi xả lũ cần phải thông báo kịp thời đến chính quyền, người dân, đơn vị liên quan theo quy định.