Theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), vốn đã khó khăn, yếu thế trong cạnh tranh với các loại hình vận tải khác, VNR kết thúc năm sản xuất kinh doanh 2020 với mức lỗ hơn 1.300 tỷ đồng, lương giảm 14%.
Cùng với đó, việc triển khai thi công dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng tuyến đường sắt Hà Nội-TP Hồ Chí Minh trị giá 7.000 tỷ đồng, cũng ảnh hưởng tới hoạt động chạy tàu, khi có tới hơn 50 điểm chạy chậm hoặc phải phong tỏa theo khu đoạn. Số lượt hành khách đi tàu có tháng chỉ đạt 30-35% so với năm 2019, đây là mức thấp nhất trong lịch sử ngành đường sắt.
Do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, đường sắt phải cắt giảm chạy tàu khách trên tất cả các tuyến, dẫn đến người lao động thiếu việc làm, phải bố trí cho lao động tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ luân phiên không hưởng lương từ 5-13 ngày công/tháng. Thu nhập của người lao động vì thế cũng giảm nhiều so với cùng kỳ...
Trước những khó khăn chồng chất năm 2020, để phục hồi sản xuất kinh doanh của ngành trong năm 2021, ông Vũ Anh Minh khẳng định, VNR sẽ tái cơ cấu, sắp xếp lại tổ chức để hoàn thiện Đề án trình Thủ tướng Chính phủ và lên kế hoạch sản xuất, đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021-2025 trình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước. Đồng thời VNR chủ động cân đối các nguồn vốn (ngắn hạn, dài hạn) để duy trì các hoạt động thường xuyên, đảm bảo tình hình tài chính tiếp tục ổn định.
Ngoài ra, VNR sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các Ban quản lý dự án (PMU Rail và Ban 85) để triển khai thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách sử dụng gói 7.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020 đảm bảo đúng tiến độ và hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hoạt động vận tải.