Theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) Đinh Việt Thắng, hiện có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu hụt máy bay của các hãng hàng không nội địa: Do lỗi sản xuất động cơ, nên phía nhà sản xuất ra lệnh triệu hồi 42 máy bay Airbus A321 Neo của Vietjet, Vietnam Airlines đang khai thác và thời gian bảo dưỡng dự kiến kéo dài đến hết năm 2026; các hãng hàng không thua lỗ nặng, phải đàm phán, tái cơ cấu nợ, phải trả máy bay thuê giá cao; nhiều máy bay phải bảo dưỡng định kỳ sau dịp cao điểm Tết 2024.
Cục Hàng không Việt Nam tính toán, dịp cao điểm hè năm nay, tải cung ứng ngành Hàng không cần khoảng 24 - 26 triệu ghế, dự kiến số máy bay thiếu để phục vụ đợt cao điểm này từ 24 - 26 chiếc, trong khi việc thuê máy bay hiện nay trên mạng lưới hàng không quốc tế vừa khan hiếm, vừa tăng giá, khó thuê.
Để khắc phục thực tế này, Vietnam Airlines đã cam kết tăng thêm số lượng máy bay trong khoảng thời gian từ tháng 5 - 9/2024; Vietjet đăng ký tăng số lượng máy bay từ tháng 7 - 9/2024; đồng thời, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không tăng thời gian khai thác, giảm thời gian quay đầu.
Đơn cử, máy bay A320, A321 của Vietnam Airlines đang khai thác bình quân 9 - 10 tiếng/ngày, Vietjet khoảng 12 - 13 tiếng/ngày, thời gian này sẽ được tính toán, điều chỉnh theo hướng thời gian quay đầu ở sân bay của máy bay A321 giảm từ 45 phút xuống khoảng 30 - 35 phút; đồng thời, bổ sung phương án đưa máy bay thân rộng vào khai thác nội địa.
Tại giao ban quý I/2024 của Bộ GTVT mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam triển khai hiệu quả các giải pháp giảm thiểu tình trạng chậm hủy chuyến, quản lý nghiêm việc điều phối sử dụng slot máy bay, bảo đảm duy trì máy bay do ảnh hưởng của việc triệu hồi, bảo dưỡng động cơ, tăng tần suất hoạt động nhưng phải lưu ý vấn đề an toàn bay, nhất là đề xuất Bộ GTVT trình cấp có thẩm quyền giải pháp kéo giảm chi phí chuyến bay để đảm bảo quyền lợi của người dân.