Nặng nề nhất là xã Phú Sơn và Thạch Bình của huyện Nho Quan khi nhiều diện tích lúa mùa mới cấy không có đủ nước. Trong khi đó, nhiều diện tích ruộng bị bỏ do không thể dẫn nước vào đồng. Trước tình trạng này, huyện Nho Quan đã thực hiện nhiều giải pháp chống hạn cứu lúa, nhưng diện tích bị ảnh hưởng vẫn rất lớn, nhiều hộ dân đứng trước nguy cơ mất mùa.
Xã Thạch Bình, huyện Nho Quan trong một ngày trung tuần tháng 7 nắng nóng khắc nghiệt. Nhiều cánh đồng nứt nẻ do lâu ngày không có nước tưới, những cánh đồng đã được gieo cấy phần lớn đều ở trong tình trạng chân ruộng khô hoặc không đủ nước để dưỡng lúa. Nguyên do thời tiết trên địa bàn hết sức khắc nghiệt, nắng nóng gay gắt, nhiệt độ có lúc đạt ngưỡng 40 độ C. Mặc dù người dân đã cố gắng gieo cấy trong khung thời vụ, nhưng do lượng nước khan hiếm khiến nhiều cánh đồng dần khô khốc, nứt nẻ.
Ông Huỳnh Văn Hải, ở thôn Lải, xã Thạch Bình cho biết, việc sản xuất nông nghiệp của địa phương phụ thuộc rất nhiều vào lượng nước tự nhiên, được lấy từ kênh cấp 1 trên địa bàn. Nhưng do nắng hạn, lượng nước cung cấp không đủ đã ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất của bà con. Người dân tìm đủ mọi nguồn nước, từ các kênh, ao... để cứu lúa, nhưng không thấm vào đâu.
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Bình được biết, vụ Mùa năm nay toàn xã gieo cấy khoảng 500 ha lúa, nhưng đến nay thống kê có tới 200 ha đang bị hạn; trong đó, có 150 ha lúa đã hư hỏng, khó khôi phục. Việc sản xuất nông nghiệp của người dân phụ thuộc rất nhiều vào nước, nếu thời tiết cứ nắng hạn như những ngày qua thì nhiều hộ dân trong xã sẽ đứng trước nguy cơ mất mùa. Trên địa bàn xã Thạch Bình có 7 hồ, đập thủy lợi với sức chứa từ 100.000 m3/hồ trở lên, nhưng hiện có 3 hồ đang được nâng cấp, sửa chữa cũng ảnh hưởng rất lớn đến cấp nước cho các cánh đồng.
Tại xã Phú Sơn, huyện Nho Quan cũng bắt gặp tình trạng tương tự, nhiều cánh đồng bạc trắng, nứt toác do bị hạn hán lâu ngày. Nhiều người dân ngán ngẩm khi cả năm trông chờ vào vụ lúa thì không có nước để sản xuất. Toàn xã Phú Sơn gieo cấy 200 ha lúa, nhưng đến nay tình trạng ruộng bị khô cằn rất phổ biến, khiến nhiều người dân rất lo lắng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, địa hình của hai xã Phú Sơn và Thạch Bình có đặc điểm khác với nhiều xã, thị trấn khác của huyện Nho Quan. Đây là 2 xã liền kề thuộc vùng đất bán sơn địa, đan xen giữa đồi núi, thung lũng và đồng bằng, nên việc cung cấp nước tưới cũng gặp rất nhiều khó khăn. Bình thường các năm trước, nắng mưa thuận hòa khiến cho việc thủy nông khá thuận lợi. Nhưng cứ khoảng 5 đến 7 năm/lần, nắng nóng, hạn hán lại xảy ra khiến việc thủy nông hết sức vất vả, hiệu quả thấp.
Nguồn nước tưới của 2 xã phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống hồ, đập trên địa bàn. Nhưng với dung tích hồ chứa nhỏ, nhiều hồ trong quá trình sửa chữa, bảo dưỡng nên không đủ nước tưới cho cây trồng. Trước tình trạng này, hơn 1 tháng qua, huyện Nho Quan đã phải vận hành nhiều máy bơm công suất lớn tại nhiều địa điểm có thể lấy được nước tưới cho bà con.
Tại đập dâng Thác La, thôn Đồng Bòng, xã Thạch Bình, gần chục người ngày đêm thay nhau vận hành hơn chục máy bơm công suất lớn đã hỗ trợ rất nhiều cho các đồng ruộng.
Ông Đinh Quang Thiều, Cục phó Cục Thủy nông bán sơn địa, chi nhánh huyện Nho Quan cho biết, đơn vị đã cho vận hành 11 máy bơm dã chiến; trong đó, có 10 máy dầu và 1 máy điện suốt 39 ngày vừa qua. Với tổng công suất 3.000 m3/giờ, phần nào cung ứng lượng nước tưới cho các xã Phú Sơn và Thạch Bình, nhưng đến nay lượng nước đầu nguồn đổ về từ sông Lạng cũng cạn dần, nếu tiếp tục bơm thì 3 ngày nữa sẽ hết nước.
Thông thường, với mức nước 12,2 m, nước từ đập sẽ tự chảy vào hệ thống kênh cấp 1 Thạch Bình - Phú Sơn, nếu xuống dưới 11,4 m sẽ phải vận hành máy bơm, nay lượng nước dần cạn kiệt xuống dưới 11m, các công nhân vận hành đã phải nạo vét dòng chảy từ sông Lạng tới chân đập, nhưng lượng nước đổ về cũng không thấm vào đâu. Tại khu vực trạm bơm dã chiến Voi Phục, một máy bơm có công suất 340 m3/giờ cũng đang được vận hành hết công suất để cung cấp thêm lượng nước cho kênh cấp 1 Thạch Bình - Phú Sơn nhằm nâng lưu lượng nước trên kênh với hy vọng nước về được đến cuối nguồn.
Trước tình trạng này, UBND huyện Nho Quan tiếp tục duy trì hệ thống máy bơm dã chiến tại các điểm có thể lấy nước từ sông Lạng trên địa bàn với hy vọng có được lượng nước giữ ẩm cho lúa. Mặt khác, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thống kê diện tích, đánh giá mức độ thiệt hại để ưu tiên những chân ruộng thuận lợi để ưu tiên bơm nước cứu lúa.
Ông Trịnh Đức Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết, với tình hình hạn hạn, nắng nóng kéo dài như năm nay, vụ Mùa tại 2 xã Phú Sơn và Thạch Bình sẽ không thể đạt năng suất như những vụ trước. Nếu một vài ngày tới có mưa lớn thì mới hy vọng cứu lúa được phần nào, nhưng chắc chắn năng suất sẽ giảm, ước tính chỉ đạt 30 đến 50% năng suất.
Việc sử dụng hệ thống máy bơm dã chiến hiện nay chỉ là giải pháp tạm thời, không ổn định, về lâu dài, UBND huyện Nho Quan kiến nghị tỉnh Ninh Bình quan tâm đầu tư xây dựng trạm bơm tưới 2 bậc tại đập dâng Thác La với công suất 4.000 m3/giờ để chủ động nguồn nước tưới; đầu tư kinh phí khơi thông dòng chảy từ sông Lạng tới chân đập. Mặt khác, UBND huyện Nho Quan động viên người dân tiếp tục bám đồng, tận dụng những nguồn nước có được để chăm sóc lúa nhằm cứu vãn được phần nào hay phần đấy.