Theo lộ trình, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) sẽ giảm dần sản lượng than khai thác lộ thiên và tăng dần sản lượng khai thác hầm lò. Vì vậy, làm thế nào để thu hút được nguồn nhân lực thợ lò luôn là điều trăn trở đối với lãnh đạo Tập đoàn cũng như các đơn vị trực thuộc. Tìm biện pháp thúc đẩy thị trường tiêu thụ để tăng doanh thu, giúp người lao động đảm bảo việc làm và đời sống chính là giải pháp giúp ngành than “níu” chân công nhân mỏ trong điều kiện khó khăn hiện nay.
"Giữ chân" thợ mỏ
Trong cái nắng nóng oi ả những ngày tháng 6, ở độ sâu -350 m lò giếng đứng của Công ty cổ phần Than Núi Béo, đón chúng tôi bằng nụ cười lấp lánh sau những gương mặt lấm đầy bụi than, các thợ lò hồ hởi vì đã lâu chưa thấy các chị xuống lò.
Thợ lò Lý A Vàng, phân xưởng Đào Lò 2, quê ở Sơn La bẽn lẽn: “Giờ cuộc sống người thợ chúng em ngày càng được cải thiện, chế độ đãi ngộ tốt. Lính mới như em lương cũng được 16 triệu đồng/tháng; ăn ca và ăn trưa công ty lo cả. Nhà cửa chúng em cũng được công ty lo. Vì vậy, chúng em rất yên tâm làm việc và hàng tháng có tiền gửi về cho gia đình. Với những công nhân dân tộc H’mông từ Sơn La về đây như chúng em cuộc sống thế là rất ổn”
Là doanh nghiệp đang thực hiện chuyển đổi từ khai thác lộ thiên sang khai thác hầm lò, bên cạnh những thuận lợi, Công ty cổ phần Than Núi Béo đã gặp không ít khó khăn. Đó là, khai trường ngày càng thu hẹp, tiến sát vào địa bàn dân cư, gây khó khăn cho việc nổ mìn, bố trí sản xuất; việc tuyển dụng lao động cho dây chuyền khai thác hầm lò chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp... Nhưng, các bộ công nhân của công ty vẫn đoàn kết vượt qua khó khăn để đảm bảo hiệu quả sản xuất, kinh doanh cũng như giữ chân người lao động.
Đại diện Công ty cổ phần Than Núi Béo cho biết, từ năm 2015 đến nay, công ty đã thành lập mới được 10 đơn vị. Từ không có lao động trực tiếp và cán bộ kỹ thuật, cán bộ điều hành sản xuất hầm lò thì đến nay, công ty đã thu hút được gần 1.500 thợ lò và thợ cơ điện lò. Điều này cho thấy, số lượng công nhân tuyển dụng và được đào tạo tăng khá lớn. Tuy nhiên, do tính chất, đặc thù công việc cũng như cơ hội tìm kiếm việc làm của người lao động ngày càng thuận lợi đã dẫn đến việc người lao động bỏ việc cũng tương đối cao.
Trước những khó khăn trong tuyển dụng lao động hầm lò, công ty đã về các thôn, bản, tuyên tuyền để thu hút lao động. Đồng thời, kèm cặp công nhân mới, học sinh thực tập với phương châm “người trước dạy người sau, người biết dạy người chưa biết”; tự đào tạo để có lực lượng lao động phục vụ sản xuất trước mắt cũng như lâu dài.
Cụ thể, công ty đã phối hợp với Trường Cao đẳng Than – Khoáng sản Việt Nam, Công ty Than Hà Lầm trong đào tạo, đào tạo lại kỹ năng nghề cho lực lượng công nhân phục vụ khai thác hầm lò; xây dựng cơ chế khuyến khích động viên các em học sinh trong thực tập sản xuất tại công ty để các em yên tập làm việc tại đơn vị. Công ty cũng liên kết, kết nghĩa với các huyện vùng cao như huyện Bảo Lâm (tỉnh Cao Bằng), huyện Yên Châu (tỉnh Sơn La)… quảng bá về công ty và Tập đoàn nhằm thu hút, tuyển sinh học sinh cho công ty.
Hiện nay, công ty đang tiếp tục đẩy mạnh sản xuất hầm lò và phấn đấu năm 2022 đạt công suất thiết kế 2 triệu tấn than/năm, thu hút lao động hầm lò trung bình các năm từ 2020-2023 khoảng từ 400-500 thợ lò và cơ điện lò. Bên cạnh đó, công ty tiếp tục đẩy nhanh cơ giới hóa, tin học hóa, tự động hóa để sử dụng thiết bị thay thế dần công việc yêu cầu sức người, giảm thiểu chi phí nhân công lao động.
Để làm được điều này trong điều kiện khai thác ngày càng xuống sâu, đòi hỏi việc đầu tư máy mục thiết bị cũng như cần nhiều những thợ lò có tay nghề cao, thời gian tới, Đảng bộ Công ty cổ phần Than Núi Béo sẽ tiếp tục chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất tinh thần và cải thiện điều kiện làm việc của người lao động, nhất là lao động hầm lò. Trong điều kiện kiện khai thác xuống sâu và đi xa hơn, công ty cải thiện điều kiện đi lại, điều kiện thông gió trong hầm lò và tiếp tục nghiên cứu phát huy đào lò chống vì neo.
Cùng với đó, công ty thực hiện những cơ chế thu hút người lao động cũng như định hướng cơ chế tiết kiệm tài chính; đào tạo ổn định việc làm và thu nhập, tiền lương, nhà ở tập thể, nhà chung cư định cư lâu dài để người lao động thực sự gắn bó lâu dài với công ty. Ngoài ra, công ty tiếp tục trả lương theo vị trí việc làm, theo chức danh, gắn với năng suất và hiệu quả công việc. Đồng thời, tăng cường tự đào tạo nhân lực theo hình thức truyền nghề, tổ chức các lớp “ôn lý thuyết- luyện tay nghề” thi nâng bậc, thi thợ giỏi để nâng cao tay nghề năng lực lao động cho công nhân.
Chủ động đào tạo tại chỗ
Tại Công ty cổ phần Chế tạo máy - Vinaconmin, trong tiếng máy ồn ã của khu nhà xưởng, anh Lê Anh Tuấn, thợ tiện, công nhân bậc 6/7, phân xưởng Cơ khí 2 cho biết, phân xưởng của anh có 60 công nhân, chủ yếu gia công chế tạo cột chống thủy lực phục vụ cho các mỏ. Đồng thời, chế tạo phụ tùng cho hai phân xưởng Máy mỏ 1 và Máy mỏ 2 của công ty. Anh Tuấn công tác tại công ty đã được 15 năm và hiện thu nhập của anh đạt trung bình từ 6,5-6,8 triệu/tháng.
Công việc cơ khí nặng nhọc nhưng công ty luôn tạo môi trường làm việc tốt cũng như chăm lo đến đời sống của công nhân như bố trí nhà ăn cho công nhân, mùa nắng nóng công nhân cũng được cung cấp nước giải khát. Đối với công nhân mới được tuyển dụng, công ty đều giao cho các thợ bậc cao kèm cặp và hướng dẫn quan sát để góp ý kịp thời nếu thợ mới làm sai. Từ đó, giúp họ rút kinh nghiệm và nâng cao tay nghề. Hiện nay, thu nhập thấp nhất của công nhân mới vào phân xưởng đạt từ 4-4,5 triệu đồng/tháng.
Phó Giám đốc Công ty cổ phần Chế tạo máy - Vinacomin Tăng Bá Khang cho hay, việc tuyển dụng lao động đối với ngành cơ khí hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Học nghề này tại trường nghề thời gian cũng mất từ 2-3 năm, trong khi lương lại không được cao nên rất khó “giữ chân” lao động và khó tuyển dụng. Cùng đó, thực tế hiện nay, các doanh nghiệp liên doanh nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh cũng thu hút một lượng lao động làm gia tăng sự biến động về nhân lực. Điều này dẫn đến công ty khó thu hút được lao động đối với cách ngành, nghề sản xuất chính của công ty.
Để giải quyết vấn đề này, công ty có nhiều chính sách thu hút lao động. Theo đó, công nhân mới vào, công ty có các nguồn hỗ trợ về xuất phát điểm ban đầu. Những công nhân nhà xa, công ty bố trí chỗ ăn nghỉ. Công ty cũng tuyển ngay chọn công nhân ngay từ khi đang học Trung học phổ thông và sẽ lo về chi phí học nghề cho họ. Còn để “giữ chân” những lao động có tay nghề cao, hàng năm công ty tổ chức vinh danh, bình chọn “Bàn tay vàng”, “Kỹ sư giỏi”.
Đối với những người thợ bậc cao đào tạo cho những công nhân mới vào nghề ngoài lương công ty trả thêm phục cấp (chế độ chuyên gia) 5 triệu đồng/tháng. Công ty cũng chủ động, linh hoạt trong đào tạo, kèm cặp nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và nâng cao tay nghề cho cán bộ nhân viên; kèm cặp đào tạo nghề thứ 2 đối với những ngành nghề khó tuyển dụng bảo đảm cân đối giữa các ngành nghề để bố trí công việc.
Tổng hòa nhiều giải pháp
Theo TKV, đối với thợ mỏ hầm lò, Tập đoàn xác định đây là đối tượng lao động phải làm việc trực tiếp trong điều kiện nặng nhọc, độc hại và tiềm ẩn rủi ro, cho nên được quan tâm nhiều hơn so với các lực lượng lao động khác. Những năm gần đây, cứ khi nào có điều kiện cân đối được tài chính là Tập đoàn đều chỉ đạo tăng lương cho thợ lò với tốc độ tăng cao hơn các khu vực khác. Trong thời gian qua, chế độ đãi ngộ về tiền lương và chế độ ăn ca cũng như về điều kiện cơ sở vật chất cho cán bộ công nhân viên, nhất là thợ lò luôn được TKV đặc biệt quan tâm.
Riêng năm 2019, TKV đã chỉ đạo tăng lương cho người lao động 2 đợt. Cụ thể, đợt 1 vào 1/1/2019 tăng 5% cho thợ lò làm việc trực tiếp tại gương than. Đợt 2 từ 1/7/2019 tăng cho tất cả các đối tượng lao động; trong đó, ngoài việc tiếp tục tăng thêm 13% tiền lương cho thợ lò, Tập đoàn còn tăng tiền lương cho các đối tượng khác nhất là đội ngũ quản đốc, trường phòng và cán bộ quản lý phòng ban là những đối tượng mà những năm trước chưa có điều kiện tăng lương.
Đồng thời, tập đoàn cũng phối hợp với các đoàn thể thực hiện chăm lo chế độ chính sách đối với người lao động. Tính đến hết năm 2019, lao động trong danh sách Tập đoàn là 96.977 người, giảm 1.398 người so với năm 2018. TKV đã đề ra mục tiêu kiểm soát không tăng lao động mặc dù khối lượng công việc cao hơn rất nhiều. Tất cả lao động trong các khối đều giảm, riêng thợ lò tăng 1.222 người. Như vậy, trong 2 năm liên tiếp Tập đoàn có tăng trưởng dương số thợ lò sau nhiều năm chỉ có giảm. Điều này chứng tỏ chính sách tăng tiền lương của TKV cho người lao động làm việc trong hầm lò đã phát huy tác dụng.
Tập đoàn đã chỉ đạo và tất cả các công ty than hầm lò đều đã đầu tư xây dựng các khu chung cư cho thợ lò ở. Mục tiêu đặt ra là làm sao để tất cả thợ lò độc thân hoặc gia đình ở xa đều có chỗ ở trong các khu chung cư đó để họ có điều kiện đi làm hàng ngày được tập trung, giảm thiểu tai nạn, rủi ro khi đi đường, đảm bảo sức khoẻ và không vướng vào các tệ nạn xã hội. Nhiều đơn vị trang bị thang máy và các thiết bị như máy lạnh, máy giặt, ti vi, tủ lạnh trong các phòng ở của thợ lò.
Trong thời gian tới, Tập đoàn tiếp tục tăng cường mạng lưới tuyển sinh đảm bảo nguồn cung ứng lao động thợ lò; chú trọng đào tạo thợ lò, thợ cơ điện mỏ hầm lò một cách linh hoạt. Người học có thể là thợ khai thác học liên thông nghề cơ điện hoặc tuyển dụng thu hút người học để vận hành thiết bị. Sau đó, nâng dần trình độ thông qua đào tạo liên thông hoặc bồi dường nghề, thi nâng bậc.
Cùng với đó, TKV đào tạo lại, đào tạo chuyển nghề những nghề TKV cần thu hút như tin học hóa, tự động hóa, địa chất, trắc đại… từ đội ngũ lao động có trình độ kỹ sư thực tế đang trực tiếp sản xuất. Ngoài ra, TKV cũng tiếp tục hoàn thành vượt mức kế hoạch tuyển sinh đào tạo, tái tuyển thợ lò, không để thiếu lao động cục bộ ở một số đơn vị sản xuất than hầm lò.