Trên đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo nhu cầu và xu hướng thị trường thủy sản hậu COVID-19, do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep) tổ chức, chiều 24/8.
Bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông Vasep cho biết: Thị trường thủy sản thế giới trong 5 năm qua tăng trưởng 16% với kim ngạch nhập khẩu mỗi năm khoảng 148,5 tỷ USD; trong đó, tôm chiếm tỷ trọng cao nhất và tăng mạnh nhất (29%), cá hồi tăng 16%, nhu cầu cá ngừ ít biến động. Nhu cầu nhập khẩu của thị trường Trung Quốc tăng đột phá nhất với mức tăng 71% sau 5 năm; tiếp đến là Mỹ tăng 32%. Hầu hết các thị trường đều tăng nhu cầu, trừ Nhật giảm 6%, Đức giảm nhẹ 0,6%.
Kể từ sau các đợt bùng phát dịch COVID-19, nửa đầu năm 2022 nhu cầu thủy sản thế giới đã khôi phục, người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng ưa chuộng các sản phẩm thủy sản chất lượng cao, có giá trị gia tăng. Việt Nam chiếm 7 - 10% thị phần thuỷ sản nhập khẩu của Trung Quốc.
Thị trường Mỹ có nhu cầu hồi phục mạnh đối với tất cả sản phẩm. Tuy nhiên, với việc giá thủy sản tăng và lạm phát đang khiến cho nhu cầu dự kiến chững lại trong nửa cuối năm nay. Việt Nam hiện là nguồn cung lớn thứ 5, chiếm 9% thị phần thuỷ sản của Mỹ.
Với thị trường EU, Việt Nam hiện chiếm 2,6 - 2,8% tổng kim ngạch nhập khẩu thủy sản của khu vực và là nguồn cung cấp lớn thứ 5 cho thị trường này, đứng sau Na Uy (chiếm 13 - 17,6%), Trung Quốc (chiếm 4,1 - 5,3%), Ecuador (chiếm 2,6 - 3,1%) và Maroc (chiếm 2,4 - 2,8%).
Theo bà Lê Hằng, nhu cầu thủy sản toàn cầu đã đạt đỉnh và sẽ giảm trong nửa cuối 2022. Đồng USD tăng giá làm giảm nhu cầu ở nhiều thị trường; trong đó có EU, Nhật Bản. Cùng với đó, lượng tồn kho tăng khiến nhà nhập khẩu hạn chế mua hàng và tìm cách hạ giá nhập khẩu.
Tình hình lạm phát gia tăng làm giảm chi tiêu cho thủy sản, người tiêu dùng sẽ ưu tiên cho các loài có giá vừa phải phù hợp với thu nhập đang bị sụt giảm. Tôm nhỏ, cá tra, chả cá, surimi, cá biển nhỏ vẫn có nhu cầu cao nhưng giá sẽ giảm so với nửa đầu năm. Đó sẽ là xu hướng mà các doanh nghiệp xuất khẩu cần linh hoạt đáp ứng để giữ được thị phần trong giai đoạn hiện nay.
Về lâu dài, doanh nghiệp phải đảm bảo định hướng bền vững, tính minh bạch, truy xuất nguồn gốc, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm môi trường của chuỗi sản xuất sản phẩm bởi các thị trường sẽ gia tăng hoặc siết chặt các quy định liên quan đến chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường, lao động…
Các chuyên gia dự báo về tiêu thụ thuỷ sản đến năm 2030 cho rằng, nhu cầu thuỷ sản của thế giới sẽ tăng mạnh, thuỷ sản nuôi tăng tỷ trọng trong tổng tiêu thụ từ 52% lên 59% nhờ sự chuyển đổi một số loài từ khai thác tự nhiên sang nuôi trồng.
Đến năm 2030, tiêu thụ thủy sản làm thực phẩm sẽ tăng 18% (so với năm 2018). Châu Á sẽ là khu vực tiêu thụ mạnh nhất, chiếm 71% (183 triệu tấn). Tuy nhiên, các nước phát triển như Mỹ , EU, Nhật Bản vẫn sẽ phụ thuộc nguồn thuỷ sản nhập khẩu từ các nước đang phát triển. Trung Quốc tiếp tục là nước xuất khẩu lớn, tiếp theo là Việt Nam và Na Uy.
Riêng với ngành tôm, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho rằng, tôm Việt Nam đang có nhiều thách thức nhưng cũng có những lợi thế nhất định trên thị trường thế giới.
Về thách thức, hiện nay do ảnh hưởng kéo dài của dịch COVID-19, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm có giá thành cao bị sụt giảm. Trong khi đó chi phí vận chuyển, logistics vẫn ở mức cao là bất lợi lớn cho Việt Nam khi khoảng cách vận chuyển đến các thị trường đích đều rất xa.
Ví dụ điển hình như chi phí vận chuyển1 container tôm (khoảng 15 tấn) từ Việt Nam đến Mỹ hiện nay khoảng 20.000 USD, trong khi đó, chi phí vận chuyển 1 container từ Ecuado đến Mỹ chỉ khoảng 5.000 USD. Như vậy, chỉ tính về cước vận chuyển, 1 container tôm Việt Nam cao hơn 15.000 USD, tương đương 1kg tôm gánh thêm 1 USD so với tôm Ecuado.
Dự báo nhu cầu thủy sản tiếp tục tăng trong dài hạn cũng thúc đẩy các quốc gia khác có chính sách thúc đẩy ngành tôm bao gồm tăng nuôi, tăng sản lượng, nâng cao trình độ chế biến, sách lược thị trường làm tăng áp lực canh tranh quốc tế.
Về lợi thế, Việt Nam đang là quốc gia có trình độ chế biến tôm hàng đầu thế giới với các sản phẩn chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu các thị trường lớn khi kinh tế thế giới hồi phục sau đại dịch. Ngành chế biến mở rộng theo hướng ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật để giảm sử dụng lao động, tăng năng suất lao động. Nhìn chung chuỗi giá trị con tôm phát triển với các mắt xích tham gia đồng bộ, linh hoạt, ít nhiều có chia sẻ lợi ích cho nhau.
Về nguyên liệu, biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn khiến miền Tây Việt Nam có khả năng tăng thêm diện tích nuôi trong tương lai. Quy trình nuôi thâm canh cải tiến liên tục đã từng bước nâng cao hệ số thu hồi đầu con, góp phần tăng năng suất và giảm giá thành.
Trong bối cảnh hiện nay, theo ông Hồ Quốc Lực, ngành tôm cần tiếp tục phát huy lợi thế tôm chế biến sâu ở một số phân khúc thị trường phù hợp. Duy trì vị thế hàng đầu ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Australia. Bên cạnh đó, nâng cao thị phần ở EU và từng bước nâng cao sản lượng để vượt qua các đối thủ. Với Trung Quốc, đây là thị trường tiêu thụ khổng lồ nhưng rất khó để cạnh tranh ở phân khúc chế biến với các nhà chế biến nội địa, do đó ngành cần tập trung duy trì thị phần tôm sơ chế.