Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay, ngay từ những ngày đầu năm, thực hiện Chỉ thị 03/CT- TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngành giao thông vận tải gấp rút đẩy nhanh các công trình, kế hoạch năm; trong đó, có phát triển liên vận quốc tế, tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa qua biên giới.
Về hoạt động vận tải đường sắt, thời gian vừa qua, hạ tầng nhà ga đã được nâng cấp sửa chữa, đáp ứng yêu cầu mới. Sau khi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ra quyết định nâng cấp ga Kép thành ga liên vận quốc tế, các hạng mục đã được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hoàn tất, sẵn sàng đưa vào khai thác giai đoạn 1.
Toàn bộ bãi hàng phía Nam của ga Kép rộng gần 30.000 m2 đã được bê tông hóa đảm bảo tiêu chuẩn xếp dỡ container và phục vụ xe chở container, xe cẩu chuyên dụng hoạt động. Hệ thống cấp điện cho container lạnh cũng đã đã được đầu tư. Những trang thiết bị đảm bảo an ninh trật tự khu vực bãi hàng cũng được lắp đặt.
Với các điều kiện hạ tầng này, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã xây dựng phương án khai thác giai đoạn 1 (ngay sau khi chính thức hoạt động). Theo đó, tổ chức lập tàu liên vận quốc tế bình quân 1,5-2 đôi/ngày tuyến Kép - Đồng Đăng - Bằng Tường (Trung Quốc). Tổ chức lập, giải thể, tiếp chuyển tàu nội địa Bắc - Nam 1 đôi/ngày.
Dự kiến năng lực xếp dỡ bình quân/ngày là 80-100 toa xe/container. Con số này tuy chưa phải là quá lớn nhưng cũng góp phần giảm ách tắc cho ga Yên Viên và ga Đồng Đăng trong vận tải liên vận quốc tế theo tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn để chuyển hàng sang Trung Quốc.
Về nguồn hàng, VNR cho biết chủ yếu là hàng điện tử, công nghiệp, nguyên vật liệu xây dựng, gỗ công nghiệp, quặng thô...
Tới đây, dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp ga Kép cho giai đoạn 2 với kho bãi ngoại quan được xây dựng sẽ phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn Bắc Giang, Bắc Ninh và các tỉnh lân cận.
Cùng với đó, VNR sẽ đầu tư tiếp bãi hàng chuyên tiếp nhận container lạnh chuyển tải từ phía Nam ra tập kết, làm thủ tục hải quan và xếp vận chuyển bằng đường sắt xuất khẩu sang Trung Quốc. Năng lực dự kiến tăng thêm từ 2-2,5 đôi tàu/ngày.
Ngoài ga Kép, dự kiến trong thời gian tới, nhiều khu ga khác cũng đã được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận cải tạo sửa chữa. Nâng cấp và phát triển vận tải liên vận quốc tế là ưu tiên của ngành đường sắt trong năm nay.
Ông Trần Thế Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và Và Thương mại đường sắt (Ratraco) đơn vị chuyên vận chuyển logistics liên vận quốc tế cho biết, trước đây do hàng về ga Yên Viên nhiều, phải chờ đợi làm thủ tục thông quan rất mất thời gian. Cuối tuần này khi ga Kép được phép hoạt động liên vận thì khi đó, hàng từ ga Đồng Đăng về ga Kép sẽ lợi về thời gian vận chuyển vì quãng đường ngắn hơn. Ngành đường sắt sẽ trực tiếp tổ chức xếp dỡ và các dịch vụ khác để giảm chi phí trung gian, thu hút hàng.
Theo dự báo, nhu cầu vận chuyển bằng đường sắt liên vận quốc tế đến năm 2030 là khoảng 8 - 9 triệu tấn hàng hóa/năm. Nhưng với hạ tầng như hiện nay, đường sắt sẽ chỉ có thể đáp ứng được một nửa. Do vậy, nâng cấp và mở rộng vận tải liên vận sẽ vẫn phải được tiếp tục là chiến lược của đường sắt những năm tới.
Theo thống kê, sản lượng vận tải hàng hóa liên vận quốc tế bằng đường sắt tăng trung bình 6%/năm. Đặc biệt từ năm 2022, khoảng 50% khối lượng hàng hóa liên vận đã sử dụng toa xe container.