Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10: Người tiên phong đưa giống bưởi đỏ về vùng đất đồi

Dù nhiều người can ngăn, song chị Nguyễn Thị Hoài Anh (sinh năm 1974) cùng chồng vẫn quyết định bán đất, bán nhà ở Hà Nội về quê ở thôn Trại Cả, xã Đồng Lạc, huyện Yên Thế (Bắc Giang) để trồng cây ăn quả.

Chị mạnh dạn đem giống bưởi mới về trồng trên đất đồi Yên Thế. Đến nay, sau 13 năm, với hơn 6 ha trồng bưởi (chủ yếu là giống cây bưởi đỏ Tân Lạc), mỗi năm vợ chồng chị Hoài Anh thu nhập khoảng 1 tỷ đồng. Chị là phụ nữ tiêu biểu trong phát triển kinh tế ở địa phương.

Chú thích ảnh
Chị Nguyễn Thị Hoài Anh chăm sóc từng cây bưởi. Ảnh: Tùng Lâm/TTXVN

Về quê trồng bưởi

Cùng chị Nguyễn Thị Hoài Anh đi thăm vườn bưởi trĩu quả, sắp đến ngày thu hoạch, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi được chị kể về quá trình "bén duyên" với cây bưởi. Sinh ra và lớn lên ở Yên Thế, sau khi lập gia đình riêng, chị cùng chồng lập nghiệp ở Hà Nội bằng nghề buôn bán trái cây. Sau nhiều năm bươn trải, gia đình chị Hoài Anh đã có nhà cửa khang trang ở Hà Nội.

Nhận thấy một số người từ phố về quê làm trang trại cho thu nhập cao, gia đình chị Hoài Anh quyết định trở về quê hương Yên Thế. Năm 2005, gia đình chị mua một quả đồi rộng 2 ha ở xã Đồng Vương (Yên Thế) làm trang trại trồng cây ăn quả. Nhận thấy bưởi là loại trái cây được người tiêu dùng ưa chuộng, có giá trị kinh tế cao, có thể để lâu mà không cần chất bảo quản, chị bàn với chồng trồng cây bưởi Diễn trên mảnh đất vừa mua.

Những năm đầu, để duy trì cuộc sống và có tiền chăm sóc vườn bưởi, chồng chị Hoài Anh ở Yên Thế chăm cây, còn chị vẫn ở Hà Nội tiếp tục buôn bán. Đam mê với cây bưởi, nhiều hôm sáng bán hàng ở Hà Nội, chiều tối chị lại bắt xe về quê, theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây để có phương pháp chăm sóc phù hợp.

Thời gian đầu cây bưởi liên tục bị sâu bệnh. Không nản lòng, vừa đi bán hàng, chị vừa tìm hiểu kĩ thuật chăm sóc cây ăn quả từ sách báo. Chị còn tranh thủ đến Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Thế nhờ kỹ sư về theo dõi, hướng dẫn cách chăm sóc vườn bưởi.

Không phụ công người, 3 năm sau những cây bưởi Diễn đã cho thu hoạch. “Trái bưởi Diễn trồng trên đất đồi Yên Thế ngon, ngọt mát, vị đậm, không khác gì bưởi trồng trên đất làng Diễn”- chị Hoài Anh chia sẻ.

Chú thích ảnh
Chị Nguyễn Thị Hoài Anh cùng chồng chăm sóc vườn bưởi của gia đình tại thôn Trại Cả, xã Đồng Lạc, huyện Yên Thế. Ảnh: Tùng Lâm/TTXVN

Năm 2014, trong một lần đi lên Cao Phong (Hòa Bình) mua cam, chị Hoài Anh được một người bạn giới thiệu về giống bưởi đỏ Tân Lạc. Với ý định mở rộng vườn bưởi, chị không ngần ngại đến huyện Tân Lạc tìm hiểu. Vào vườn thấy những cây bưởi đỏ trĩu nặng, quả vàng rất đẹp, múi bưởi có màu đỏ hồng, mọng nước, ăn giòn ngọt và không bị đắng, chị quyết định mang giống bưởi đỏ Tân Lạc về trồng thử trên đất đồi Yên Thế.

Nghĩ là làm, anh chị lại tiếp tục mua thêm 4 ha đất đồi ở Đồng Lạc (Yên Thế) để trồng thử nghiệm giống bưởi đỏ Tân Lạc. Lúc này quả bưởi Diễn ở Yên Thế vẫn đang có "đầu ra" thuận lợi, nên khi anh chị quyết định mang giống bưởi mới về trồng, nhiều người đã tỏ ra nghi ngại.

Cây bưởi đỏ Tân Lạc được trồng trên đất đồi Yên Thế sinh trưởng nhanh, ít sâu bệnh, sang đến năm thứ 3 đã cho thu hoạch lứa đầu tiên. Quả bưởi đỏ Tân Lạc có nhiều ưu điểm như mẫu mã đẹp, khi chín vỏ vàng, chất lượng ngon, chín vào dịp Tết Nguyên đán, có thể để nhiều tháng mà chất lượng không bị ảnh hưởng, nên "đầu ra" khá thuận lợi. Năm 2017, với 4 ha bưởi đỏ, gia đình chị Hoài Anh đã thu được 3 vạn quả bưởi, thu về 600 triệu đồng. Năm nay, dự kiến vườn bưởi cho thu hoạch khoảng 6 vạn quả, thu về khoảng hơn 1 tỷ đồng.

Là người đầu tiên mang giống bưởi đỏ Tân Lạc về trồng trên đất đồi Yên Thế, chị Hoài Anh rất chú trọng đến chất lượng quả bưởi. Để có nước tưới đều đặn cho vườn cây của gia đình, chị tiến hành đào ao trữ nước, đồng thời xây dựng hệ thống tưới tiêu khép kín nhằm cung cấp nước và chất dinh dưỡng cho cây. Chị còn mua đậu tương, cá nhỏ để ủ làm phân bón cho cây.

Để chủ động "đầu ra" cho quả bưởi, chị Hoài Anh đã mang sản phẩm đi chào hàng qua các kênh như: Chuỗi cửa hàng sạch, hệ thống các siêu thị, chợ đầu mối. Chính vì vậy, hiện nay cứ chuẩn bị đến mùa thu hoạch quả, các đầu mối lại đến đặt hàng.

Mong muốn xây dựng thương hiệu bưởi Yên Thế

Chú thích ảnh
Đồi bưởi rộng 6ha của gia đình chị Nguyễn Thị Hoài Anh. Ảnh: Tùng Lâm/TTXVN

Trước đây, những quả đồi ở xã Đồng Lạc chủ yếu được trồng keo, vải, bạch đàn, nhãn, có nơi người dân còn để cỏ mọc um tùm, giờ đây nơi này đã được thay bằng màu xanh của những đồi cây ăn quả. Việc đưa giống bưởi đỏ Tân Lạc về trồng thành công trên đất đồi Yên Thế không chỉ giúp gia đình chị Hoài Anh có thu nhập ổn định, mà còn mở hướng mới cho nông dân trong xã phát triển kinh tế.

Với ước muốn xây dựng nơi đây thành một vùng chuyên canh bưởi, hình thành thương hiệu riêng cho bưởi Yên Thế, chị Hoài Anh cùng chồng đã thuyết phục, giúp đỡ mọi người xung quanh cùng trồng giống bưởi đỏ Tân Lạc. Lúc đầu mọi người không tin tưởng vào giống cây trồng mới, chị  cam kết sẽ chịu trách nhiệm "đầu ra" cho sản phẩm.

Thấy vườn bưởi nhà chị phát triển nhanh, thu nhập tốt lại có "đầu ra" thuận lợi, người dân xung quanh bắt đầu tin tưởng và tiến hành trồng theo. Chị Hoài Anh luôn nhiệt tình hướng dẫn các hộ trong vùng kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây bưởi đỏ Tân Lạc.

Đến nay, chị đã vận động được các gia đình trong Tổ liên gia thôn Trại Cả, xã Đồng Lạc, Yên Thế, cùng trồng giống bưởi đỏ Tân Lạc với diện tích gần 12 ha.

Chia sẻ về ý tưởng xây dựng thương hiệu riêng cho bưởi Yên Thế, chị Hoài Anh cho biết: "Trước đây khi đi buôn trái cây, tôi đã nhận thấy tâm lý của khách hàng thường ưa chuộng những loại quả có thương hiệu như bưởi da xanh, bưởi Năm roi, bưởi Diễn. Vì vậy, để chinh phục được khách hàng, tạo "đầu ra" thuận lợi cho sản phẩm, cần phải hình thành vùng trồng cây chuyên nghiệp và xây dựng được thương hiệu sản phẩm".

Chị Lê Thuận, thôn Trại Cả, xã Đồng Lạc, huyện Yên Thế, cho biết: Thời gian trước, gia đình chị cùng một số hộ chủ yếu trồng vải. Từ ngày được chị Hoài Anh vận động, giúp đỡ từ đồng vốn, cây giống, chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình chăm sóc cây... chị cùng các hộ đã chuyển đổi sang trồng cây bưởi.

So với cây vải, việc trồng và chăm sóc cây bưởi đơn giản hơn rất nhiều, hiệu quả kinh tế cao hơn rõ rệt. Được sự giúp đỡ của chị Hoài Anh, nhiều hộ không chỉ có cuộc sống tốt hơn, mà còn tự tin tham gia phát triển kinh tế.

Chị Phùng Thị Ngọc, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Yên Thế khẳng định: Chị Hoài Anh luôn tích cực tham gia các hoạt động của Hội Phụ nữ. Chị không chỉ thành công trong xây dựng mô hình phát triển kinh tế cho gia đình mình, mà còn vận động các hộ hội viên phụ nữ xung quanh tham gia và đạt được nhiều hiệu quả bước đầu.

Đối với mô hình này, Hội Phụ nữ huyện Yên Thế sẽ đồng hành cùng gia đình chị, vận động nhiều hội viên phụ nữ cùng tham gia, đồng thời tăng cường các buổi tập huấn kiến thức, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ vay vốn để phát triển những mô hình kinh tế có thế mạnh tại địa phương.

 

Đồng Thúy (TTXVN)
Trồng bưởi da xanh giúp đồng bào Raglai nâng thu nhập
Trồng bưởi da xanh giúp đồng bào Raglai nâng thu nhập

Những năm gần đây, nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh nên nhiều hộ đồng bào Raglai ở xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận có nguồn thu nhập khá.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN