Lục bình (còn gọi là bèo tây) là loài thực vật thủy sinh quen thuộc đối với cư dân sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Loài thực vật này từng bị xem là loài cỏ dại xâm lấn và gây hại cho đất, cản trở giao thông đường thủy. Tuy nhiên, khi người dân khoanh nuôi, làm nguyên liệu đan các sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ xuất khẩu, lục bình đã giúp nhiều người cải thiện cuộc sống.
Ở tỉnh Bạc Liêu, dọc theo tuyến sông Cái Trầu, đoạn chảy qua địa bàn các xã Ninh Hòa, Ninh Quới, Vĩnh Lộc, Vĩnh Lộc A, thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân, các hộ dân đã tận dụng nguồn lục bình trên sông sẵn có, phát triển nghề đan lát. Nhiều gia đình không có điều kiện đan đát, chỉ việc cắt, phơi cọng lục bình, rồi bán cho thương lái cũng có thu nhập từ vài chục đến trên trăm triệu đồng/năm. Chị Lê Thị Út Chính, ở ấp Ninh Định, xã Ninh Hòa, tận dụng bãi sông sau nhà khoanh nuôi 5.000 mét vuông lục bình. Với diện tích này, mỗi tháng gia đình thu hoạch, phơi khô bán được 20 triệu đồng.
Hiện tại, lục bình khô có giá từ 14-15 ngàn đồng/kg. Tuy có vất vả nhưng với bà con, nghề này mang lại thu nhập không nhỏ cho gia đình. Theo người dân ở đây, nghề cắt, phơi lục bình đã xuất hiện trên 20 năm. Ban đầu chỉ vài hộ nhưng đến nay, hàng trăm hộ đã tham gia. Bên cạnh việc cắt, phơi, nhiều hộ còn đan gia công các mặt hàng thủ công từ nguyên liệu lục bình như giỏ xách, hộp đựng quà…Những sản phẩm làm từ lục bình được đánh giá là thân thiện với môi trường.
Nhận thấy nghề đan lục bình có thể giúp giải quyết việc làm lúc nhàn rỗi của phụ nữ, thu nhập cũng đảm bảo, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hồng Dân đã thành lập một số Tổ hợp tác, Hợp tác xã nhằm huy động sự tham gia của hội viên.
Một trong những Hợp tác xã ăn nên làm ra với nghề đan lục bình là Hợp tác xã Quyết Tâm, xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân. Hiện nay, Hợp tác xã đã liên kết với một số doanh nghiệp trong nước nhận gia công sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cây lục bình theo đơn đặt hàng. Theo Ban Giám đốc Hợp tác xã, thời gian qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh có nhiều thuận lợi. Đó là, thị trường được mở rộng, thu hút ngày càng đông nhân công lao động, giá các sản phẩm được nâng lên rõ rệt. Nhờ đó, lợi nhuận của hợp tác xã đã được nâng cao, thu nhập của người lao động tăng lên, giúp họ yên tâm gắn bó với nghề. Hợp tác xã đã giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 300 lao động tại địa phương với thu nhập bình quân khoảng 3-5 triệu đồng/người/tháng.
Đan lục bình được xem là một nghề tương đối đơn giản, ai cũng có thể học được, nhất là đối với phụ nữ. Chị Võ Thị Cụt, Giám đốc Hợp tác xã Quyết Tâm cho biết, hiện nay, đa phần chị em trong tổ nhận và đem nguyên liệu về nhà gia công. Công việc những lúc nhàn rỗi nhưng cho thu nhập trên 100 ngàn/người/ngày. Nguồn thu nhập này đã góp phần đáng kể giúp chị em cải thiện kinh tế gia đình.
Theo chị Nguyễn Thị Thép, ấp Vĩnh An, xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân, đan lục bình phù hợp với điều kiện sống và lao động của đại bộ phận gia đình ở nông thôn, không bị gò bó về thời gian. Không riêng gì phụ nữ, nhiều nam giới cũng tận dụng những lúc không có việc đồng áng, phụ giúp vợ đan lục bình kiếm thêm thu nhập. Nhiều người tuổi cao không còn phù hợp với nghề làm thuê những công việc nặng nhọc đã chọn nghề đan lục bình. Cuộc sống của họ cũng đỡ vất vả hơn.
Hợp tác xã Quyết Tâm và không ít hợp tác xã khác trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, sản xuất các mặt hàng như: chậu hoa, giỏ xách, hộp, sọt rác…Sản phẩm được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu. Từ đó, các Hợp tác xã mở rộng quy mô hoạt động, ngành nghề sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu đặt hàng của doanh nghiệp xuất khẩu, tăng thu nhập cho người lao động.
Bà Tô Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bạc Liêu cho biết, những năm gần đây, sản phẩm mỹ nghệ được làm từ lục bình ngày càng được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Các loại sản phẩm này đã có mặt trên 30 quốc gia trên thế giới. Nhu cầu sử dụng tăng, do đó giá bán các mặt hàng mỹ nghệ từ cây lục bình cũng tăng khá cao. Định hướng của Hội là sẽ tiếp tục khuyến khích đầu tư hỗ trợ hội viên tham gia đan đát từ lục bình. Bởi đây là nghề tương đối đơn giản, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, không cần nhiều vốn.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh sẽ phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức dạy nghề, nhất là trong việc tạo ra các sản phẩm có độ tinh xảo, giá trị gia tăng cao. Cùng với đó, Hội phối hợp với chính quyền các địa phương hỗ trợ thủ tục đăng ký cho các sản phẩm đan lát từ lục bình đạt chuẩn OCOP; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, nâng cao giá trị.