Nghị quyết 01/NQ-CP: Bộ Công Thương vượt các chỉ tiêu được giao

Bộ Công Thương vừa có công văn 9950/BCT-KHTC về việc tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết năm 2025.

Chú thích ảnh
Ngành may đóng góp lớn cho tăng trưởng sản xuất công nghiệp. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Nhận định về kết quả thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2024 của Chính phủ, Bộ Công Thương nhấn mạnh, năm 2024 diễn ra trong bối cảnh thế giới được dự báo tiếp tục có những chuyển biến lớn, khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Kinh tế toàn cầu dự báo tiếp tục đối mặt với những thách thức từ tăng trưởng yếu và lạm phát tăng cao, tăng trưởng dự báo sẽ chậm lại chủ yếu do việc thắt chặt chính sách tiền tệ được thực hiện trong hai năm qua.

Bối cảnh trong nước, năm 2024 là năm thứ tư thực hiện Kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 với nhiệm vụ nặng nề là phấn đấu cao nhất để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong bối cảnh năm đầu tiên của kỳ kế hoạch gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 và biến động địa chính trị toàn cầu. Tuy nhiên, để thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 155/QĐ-BCT ngày 23/1/2024 phê duyệt Chương trình hành động của Bộ Công Thương để triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP.

Bộ Công Thương đã cụ thể hóa 8 mục tiêu lớn với 23 mục tiêu cụ thể; 42 nhóm nhiệm vụ với 243 nhiệm vụ cụ thể và 13 nhiệm vụ có hạn trình để phân công cho các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện. Với tinh thần trách nhiệm cao, ngay sau khi Chương trình được ban hành, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, đảm bảo chất lượng và tiến độ đã được đề ra và có báo cáo cập nhật hàng tháng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Chính phủ tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ.

Kết quả thực hiện các mục tiêu kế hoạch 10 tháng năm 2024, IIP ước tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2023 và xấp xỉ mục tiêu do Chính phủ giao cả năm 2024 là 8,5%. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong tổng ngân sách quốc nội (GDP) 9 tháng đạt 24,81%, cao hơn mục tiêu Chính phủ giao cả năm 2024 với 24,2%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 15,8%, cao gần gấp 3 lần so với mục tiêu kế hoạch Chính phủ giao trong năm 2024 khoảng 6%; cán cân thương mại duy trì xuất siêu ở mức cao, khoảng 23,31 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với mục tiêu do Chính phủ giao trong năm là khoảng 15 tỷ USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 8,5%, gần đạt mục tiêu đề ra cả năm là khoảng 9%; tăng trưởng thương mại điện tử từ doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C) cơ bản đạt mục tiêu đề ra cho cả năm 2024, khoảng 18-20%. Tổng sản lượng điện toàn hệ thống điện quốc gia đạt 258,7 tỷ kWh, cao hơn 10,56% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 83,3% so với kế hoạch năm 2024 là 306,259 tỷ kWh.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, với kết quả các chỉ số tăng trưởng của ngành trong 10 tháng năm 2024 của Bộ Công Thương cơ bản tiệm cận và đạt cao hơn so với mục tiêu, kế hoạch do Chính phủ giao trong năm 2024, Bộ Công Thương dự kiến trong năm 2024 sẽ hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được giao.

Bộ Công Thương cho biết, để có được kết quả trên, năm 2024, Bộ Công Thương đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và đơn vị liên quan tập trung vào 4 nội dung. Cụ thể, đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp và trong nội ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế. Ưu tiên phục hồi, phát triển các ngành công nghiệp, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất chíp bán dẫn để trở thành một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, phối hợp đồng bộ, hài hòa, linh hoạt chặt chẽ chính sách công nghiệp với chính sách thương mại và các chính sách khác nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền tăng cường tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng của ngành, đơn giản hóa thủ tục cho vay, giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp.

Đặc biệt, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Xây dựng cơ chế và lộ trình phát triển số lượng doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, đặc biệt quan tâm phát triển doanh nghiệp phụ trợ. Có cơ chế tạo điều kiện cho doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam có cơ hội giao lưu, kết nối doanh nghiệp cũng như tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư, tìm kiếm đối tác đầu tư nước ngoài.

Với những nỗ lực trên, dù tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn song với nền tảng vĩ mô ổn định và biện pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ sản xuất, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu được triển khai quyết liệt. Cùng đà tăng trưởng từ cuối năm 2023 nên sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi nhanh và trên diện rộng là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế.

Uyên Hương (TTXVN)
11 tháng, xuất siêu 24,31 tỷ USD
11 tháng, xuất siêu 24,31 tỷ USD

Tổng cục Thống kê vừa công bố sáng 6/12, trong tháng 11/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 66,4 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng trước và tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN