Từ một vụ sản xuất được kỳ vọng thắng lợi về năng suất và giá bán, thì đến nay, nông dân Bạc Liêu phải đối diện với thực tế một vụ sản xuất giá giảm sâu, lợi nhuận thấp.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu, nông dân tỉnh Bạc Liêu xuống giống hơn 46.800 ha lúa trên đất tôm và trên 34.500 ha lúa Thu Đông; trên 32.000 ha lúa lấp vụ Hè Thu và gần 2.000 ha giống lúa cao sản… Những ngày qua, bà con nơi đây bước vào giai đoạn thu hoạch rộ vụ lúa với năng suất trung bình đạt hơn 6 - 8 tấn/ha.
Cách đây nửa tháng, giá lúa cao khiến nông dân ai nấy cũng đều phấn khởi, chờ đón một vụ mùa bội thu cả năng suất và giá cả. Tuy nhiên, cận Tết, giá lúa giảm sâu khiến nhiều hộ dân đứng ngồi không yên. Thậm chí nhiều hộ dân, dù đã được thương lái bỏ cọc trước đó nhưng vẫn chưa thể thu hoạch được do lái bỏ cọc, đòi mua theo giá thị trường, còn hộ dân thì loay hoay tìm các thương lái khác, nhưng vẫn rất khó vì thương lái hiện nay đang mua cầm chừng khiến cho nhiều trà lúa của nông dân dù đã quá ngày thu hoạch nhưng vẫn chưa thể thu hoạch được.
Bà Phan Thị Đèo, ấp Nhà lầu 2, xã Ninh Thạnh Lợi A (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) cho biết, cách đây chừng 1 tháng thương lái đề nghị đặt cọc mua lúa ST25 với 13.000 đồng/kg nhưng không nhận cọc, chờ bán lúa theo giá thị trường. Giờ lúa tới ngày thu hoạch mà giảm sâu quá, mỗi ký lúa ST25 bây giờ giá chưa tới 9.000 đồng/ký. Cũng không ai nghĩ giá lúa giảm nhanh và thấp đến vậy. Giờ tới ngày thu hoạch rồi nên giá dù thấp vẫn phải "cắn răng" bán, lỗ hay lãi gì tính sau.
Hơn 2 ha lúa của ông Nguyễn Văn Hải ở ấp 33, xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình đã chín những thương lái vẫn chưa chịu thu hoạch. Theo ông Hải, việc thương lái chậm thu mua là do giá lúa giảm, đồng lúa lại đang thu hoạch rộ, sản lượng lớn nên dễ dẫn đến tình trạng thương lái "kén cá chọn canh".
"Lúa tốt, đẹp màu sáng thì bán được, còn lúa bị lem, hơi đen là thương lái không thu mua, bỏ cọc. Chưa kể, thương lái còn neo đồng, để quá ngày thu hoạch từ 5 – 10 ngày khiến lúa trên đồng khô hạt, rụng bông năng suất bị ảnh hưởng và rất khó để tìm được lợi nhuận" ông Hải cho biết.
Ông Võ Chí Ngoan, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu) cho biết, huyện gieo trồng khoảng 17.000 ha lúa trên đất tôm, đến nay, nông dân trên địa bàn đã thu hoạch gần xong niên vụ, chỉ còn khoảng 1.000 ha đang chờ thu hoạch.
Những ngày qua thương lái hạn chế thu mua lúa, hẹn ngày nhưng không cắt, nhiều trà lúa, dù quá ngày thu hoạch nhưng vẫn còn trên đồng vì giữa nông dân với thương lái vẫn chưa thỏa thuận được giá. Nhiều thương lái trước đó đã đặt cọc lúa ST24, ST25 với giá từ với giá từ 12.000 - 13.000 đồng/kg đồng/kg, nhưng nay chỉ đồng ý thu mua với mức giá khoảng 8.000 - 8.500/kg, nếu nông dân không đồng ý thì thương lái sẵn sàng bỏ cọc, không thu mua lúa theo thỏa thuận ban đầu.
Trước đó, trong vụ lúa Hè Thu 2024, do ảnh hưởng của mưa bão kéo dài khiến cho hơn 10.000 ha lúa của nông dân ở các huyện Vĩnh Lợi, Hồng Dân… thu hoạch không được kịp thời, lúa bị đổ ngã làm giảm năng suất, lẫn giá bán. Từ vụ sản xuất được kỳ vọng thắng lợi cả năng suất lẫn giá bán thì nông dân Bạc Liêu lại gặp thực tế của một vụ sản xuất mất mùa, mất cả giá.
Theo ông Tô Thanh Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Lợi (tỉnh Bạc Liêu) cho biết, năm nay giá lúa giảm sâu khiến nông dân mất lợi nhuận. Hiện, đang bước vào cao điểm thu hoạch nhưng lúa có giá thấp, chỉ đạt từ 5.000 - 7.000 đồng/kg, tùy chất lượng lúa. Tuy nhiên, nhiều hộ dân cũng chưa thể thu hoạch dù lúa đã quá ngày do lái bỏ cọc. Niên vụ này, trừ chi phí, nông dân chỉ còn thu lãi chưa đến 20 triệu đồng/ha, giảm sâu so với các năm trước.
Mới đây, tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đã đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cần có hướng hỗ trợ nông dân trong việc tiêu thụ, đẩy nhanh thu hoạch và nhất là để nông dân có lãi từ việc sản xuất lúa.
"Vụ trước do ảnh hưởng của mưa bão khiến cho nhiều diện tích của nông dân bị đổ ngã, không thu hoạch được, nông dân lỗ nặng. Vụ này, tới ngày thu hoạch mà lái bỏ cọc, lúa rớt giá… ngành nông nghiệp cần tính đến phương án hướng nông dân vào các hợp tác xã, tổ hợp tác để đảm bảo liên kết trong sản xuất và tiêu thụ", ông Thiều chỉ đạo.
Không riêng gì nông dân tại Bạc Liêu gặp khó về giá cả, tiêu thụ khi bước vào cao điểm thu hoạch rộ mà hiện nay, giá lúa tại các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung cũng rơi vào mức giá thấp tương tự, được ngành nông nghiệp và nông dân đánh giá là thấp nhất trong khoảng 3 năm trở lại đây.
Với những bất lợi và giá cả và gặp khó trong việc thu hoạch càng khiến nông dân Bạc Liêu nói riêng và nông dân các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung mất vui khi ngày Tết cận kề. Càng buồn hơn khi một vụ sản xuất được kỳ vọng thắng lợi về giá cả và năng suất thì đến ngày thu hoạch, giá lúa giảm sâu, lái bỏ cọc, thu mua cầm chừng.