Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị khá tốt để đáp ứng với dịch khi tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Đức Chín, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thương mại trên địa bàn tỉnh đã khôi phục hoạt động trở lại theo quy định; hoạt động đi lại, thu mua hàng hóa nông, thủy sản do người dân sản xuất, cung cấp nguyên vật liệu cho các cơ sở sản xuất, công trình xây dựng, lưu thông phân phối hàng hóa… tại các địa phương được thuận lợi.
Nhờ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khôi phục, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh, trong tháng 11/2021, hầu hết các chỉ tiêu đều tiếp tục tăng trưởng cao. Sản lượng khai thác (cả khai thác và nuôi trồng) tăng 12,9% so cùng kỳ; trong đó, sản lượng nuôi trồng tăng 42,13% so với tháng trước. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng gần 14%, chỉ số sử dụng lao động của ngành công nghiệp tăng 4,7%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh nghiệp dịch vụ tiêu dùng tăng 15,8%, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tăng 3,9%...
Bên cạnh đó, Kiên Giang đã thu hoạch dứt điểm 100% diện tích vụ lúa Hè Thu, năng suất vượt 2,09% và sản lượng vượt 2,7% kế hoạch. Vụ Thu Đông diện tích gieo trồng vượt 24,8% kế hoạch, thu hoạch vượt 21,5% diện tích, năng suất vượt 4,7% và sản lượng vượt 27,2% kế hoạch.
Đáng chú ý, trong tháng 11/2021, Kiên Giang đón 317.000 lượt khách đến tham quan du lịch, tăng gấp 12,7 lần so với tháng trước, nâng tổng số 11 tháng năm 2021 lên 2,6 triệu lượt khách, đạt hơn % kế hoạch và giảm gần 42% so cùng kỳ.
Đáng chú ý nhất là đã tổ chức đón đoàn khách quốc tế đầu tiên với 204 khách từ Hàn Quốc đến Phú Quốc theo chương trình "hộ chiếu vaccine" vào ngày 20/11, đã tạo bước ngoặc cho ngành du lịch tỉnh Kiên Giang khôi phục mở cửa đón khách du lịch sau gần 2 năm "đóng băng" do dịch COVID-19.
Qua đó, tạo động lực cho các doanh nghiệp lữ hành đẩy mạnh hợp tác, đăng ký đón các đoàn khách quốc tế đến địa phương trong thời gian tới. Các chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp được tiếp tục rà soát, triển khai, phát huy tác dụng tích cực.
Tính đến cuối tháng 11/2021, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có 29.809 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, trong đó có 2.8 doanh nghiệp hoạt động theo phương án "3 tại chỗ", 5.335 doanh nghiệp hoạt động theo phương án "1 cung đường, 2 điểm đến"; 4.546 doanh nghiệp dừng hoạt động, 562 doanh nghiệp đang xây dựng phương án để khôi phục lại sản xuất kinh doanh trở lại.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành, tuy đạt được những kết quả đáng ghi nhận bước đầu thực hiện theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, nhưng hiện nay tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ phát sinh trở lại. Một số chỉ tiêu kinh tế dù có sự phục hồi nhưng ở mức tăng trở lại chưa đạt như kỳ vọng theo kịch bản tăng trưởng của tỉnh.
Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục đề cao tinh thần trách nhiệm và quyết tâm chính trị cao nhất, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để hoàn thành vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu mà kịch bản của tỉnh đề ra.
Đồng thời, tiếp tục bám sát kịch bản tăng trưởng, có giải pháp điều hành kịp thời, phù hợp để thúc đầy phát triển sản xuất, kinh doanh thuộc ngành, lĩnh vực quản lý; trong đó, ưu tiên tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, nhất là trong tháng 12/2021 và giai đoạn chuyển mùa.
Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm theo dõi sát tình hình thời tiết, thủy văn để hướng dẫn người dân sản xuất đảm bảo lịch thời vụ, nhất là vụ Đông Xuân 2021-2022; tiếp tục kiềm chế dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục. Quyết liệt thực hiện các giải pháp khắc phục IUU; chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2021-2022.