Giá tôm nguyên liệu tại Bạc Liêu đang giảm mạnh, từ 50.000 - 60.000 đồng/kg. Hiện nay, giá tôm sú loại 30 con dao dộng từ 140.000 - 160.000 đồng/kg, loại 40 con từ 120.000 - 125.000 đồng/kg. Giá tôm nguyên liệu tuy giảm, nhưng các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu thu mua không nhiều. Nguyên nhân là do phần lớn các doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn nên họ chỉ thu mua chế biến cung cấp theo các đơn hàng đã ký kết trước đó, chứ không dám thu mua chế biến để dự trữ như trước đây.
Cua, tôm là hai loại thủy sản được người dân vùng ven biển các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nuôi đại trà. Riêng đối với Bạc Liêu, sau nhiều năm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, địa phương chọn con cua nuôi đan xen với tôm sú, cho hiệu quả kinh tế cao và bền vững. Bạc Liêu có khoảng 80% diện tích nuôi trồng thủy sản nuôi xen canh tôm - cua, tập trung ở các huyện ven biển: Đông Hải, Giá Rai, Hòa Bình và thành phố Bạc Liêu.
Giá cua thương phẩm tăng mạnh, kéo theo cua giống tăng, nguồn cung không đủ cầu, xảy ra khan hiếm con giống. Trong khi đó, nguồn cua giống sản xuất không đáp ứng đủ nhu cầu nuôi, dẫn đến tình trạng khai thác trái phép con giống ngoài thiên nhiên diễn biến phức tạp. Trung bình, hàng ngày có hàng chục đối tượng đến các cửa biển, cửa sông, vùng bãi bồi ven biển dùng vợt, lưới, lú đặt, bắt cua con trái phép.
Mặc dù tình trạng khai thác trái phép con giống thủy sản ven biển đã được tỉnh này cấm nghiêm ngặt, nhưng vì lợi ích kinh tế, vì nhu cầu tiêu thụ quá lớn nên họ bất chấp khuyến cáo, lén lút vào khai thác đại trà, gây ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn lợi thủy sản ven biển.
Cà Mau có thế mạnh nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản với diện tích nuôi tôm lớn nhất cả nước, chiếm 296.000 ha. Tuy nhiên, người nuôi tôm sú Cà Mau đang vướng phải một nghịch lý và cần có giải pháp tháo gỡ là tôm nuôi đến lứa cho thu hoạch rớt giá kỷ lục, nhưng giá tôm giống liên tục tăng.
Hiện tôm sú nguyên liệu loại 20 con/kg được bán với giá 200.000 đồng/kg, giảm khoảng 50.000 đồng/kg so với đầu năm; loại 30 con/kg giá 145.000 - 150.000 đồng/kg giảm trên 30.000 đồng/kg; loại 40 con/kg giá 130.000 đồng giảm trên 35.000 đồng và tôm loại 50 con/kg giảm khoảng 25.000 đồng/kg. Tôm thẻ chân trắng được bán với giá 78.000 đồng/kg, cũng giảm 25.000 đồng/kg.
Giá tôm sú thành phẩm tại Cà Mau đang rớt mạnh, trong khi giá tôm giống tăng cao. |
Đây là mức giá tôm nguyên liệu giảm cao nhất từ trước đến nay, người nuôi tôm đối mặt với việc sản xuất không có lãi, thậm chí nhiều người phải chịu thua lỗ.
Ông Ngô Thanh Lĩnh, Phó trưởng Phòng Kế hoạch tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Năm nay dự báo là một năm khó khăn nhất đối với người nuôi tôm, khi con tôm là nguồn thu nhập chính nhưng tại thời điểm này tôm nguyên liệu đang rớt giá thê thảm. Tôm nuôi trong thời kỳ chín vụ nhưng với giá giảm mạnh như vậy nếu thu hoạch thì bán không có lời, nếu chờ tôm tăng giá thì người nuôi lo sợ nhiều rủi ro.
Nhiều nguyên nhân khiến tôm nuôi rớt giá nhưng nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là một số nước đang thu hoạch ồ ạt và rất trúng mùa; tôm Ấn Độ thì đang bị tồn kho khiến cho tôm Việt Nam xuất khẩu gặp khó khăn. So với cùng kỳ năm trước, giá tôm giống cao hơn khoảng 20 - 30 đồng/con tùy theo từng loại. Ông Lĩnh cho biết thêm, thiên tai dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhu cầu thả tôm giống đang cao điểm, phải nhập giống từ các tỉnh lân cận khiến giá tôm giống tăng cao.
Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn khuyến cáo người dân nên thu hoạch tôm trước khi tôm nguyên liệu tiếp tục sụt giảm; đồng thời hạn chế thả tôm nuôi ở mật độ dày vì đến khoảng giữa tháng tám và đầu tháng 9 khu vực miền trung thu hoạch tôm chạy lũ nên tôm sẽ tiếp tục giảm. Đây là giải pháp trước mắt nhằm hạn chế thiệt hại cho người nuôi khi đầu ra cho con tôm đang khó khăn.
Huỳnh Sử, Quốc La