'Nghịch lý' máy móc, nhân lực chờ mặt bằng để thi công trên cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Khởi công từ tháng 6/2023, sau gần 5 tháng triển khai, các gói thầu xây lắp dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vẫn chưa thể bám sát tiến độ do vướng mặt bằng chưa được các địa phương bàn giao.

Theo đại diện Ban Quản lý điều hành dự án thành phần 2 (Ban Quản lý dự án 85 - Bộ GTVT), hiện 5/7 nhà thầu và hàng chục mũi thi công vẫn đang chờ mặt bằng, đến thời điểm này mới có khoảng 23/176 ha diện tích thu hồi được bàn giao cho chủ đầu tư. 

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là cao tốc trục ngang Đông Nam Bộ, dài gần 54 km, đi qua 2 tỉnh Đồng Nai (hơn 34 km), Bà Rịa - Vũng Tàu (khoảng 19,5 km), có tổng mức đầu tư gần 17.800 tỷ đồng. Giai đoạn I, dự án được đầu tư theo quy mô đường cao tốc, thiết kế từ 4 - 6 làn xe (tùy từng đoạn), vận tốc tối đa 100 km/giờ. 

Dự án được chia thành 3 dự án thành phần, trong đó, dự án thành phần 1 dài 16 km, có tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng do UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư; dự án thành phần 2 dài hơn 18 km, có tổng mức đầu tư được duyệt hơn 6.850 tỷ đồng do Bộ GTVT làm chủ đầu tư; dự án thành phần 3 dài khoảng 19,5 km, có tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm chủ đầu tư.

Video Cận cảnh máy móc, nhân lực chờ mặt bằng trên cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu:

Tại dự án thành phần 2 (chia thành 2 gói thầu xây lắp 9-XL, 10-XL) những ngày trung tuần tháng 11/2023, phóng viên báo Tin tức ghi nhận, mặc dù công trường dự án đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị và triển khai thi công từ sau ngày khởi công, nhưng do mặt bằng nhận được còn hạn chế, mới đạt khoảng 22,63/176,74 ha đất phải thu hồi, nên các đơn vị thi công mới chỉ triển khai được một số hạng mục như đóng cọc khoan nhồi, thi công hầm chui, nền đường trong phạm vi mặt bằng được bàn giao và tiến hành đúc dầm, cấu kiện tại chỗ tại các vị trí được người dân cho thuê mặt bằng. Giá trị sản lượng đến nay mới đạt khoảng 20 tỷ đồng...

Chú thích ảnh
Pano giới thiệu dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn I.
Chú thích ảnh
Khung vàng trong ảnh là khu vực diện tích rừng cao su UBND tỉnh Đồng Nai chưa bàn giao cho Ban Quản lý dự án 85 (đại diện chủ đầu tư dự án thành phần 2) thi công thực địa.
Chú thích ảnh
Việc chưa có mặt bằng thi công khiến các nhà thầu dự án thành phần 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu phải "đắp chiếu" máy móc và đúc cấu kiện bê tông tại chỗ chờ thi công.
Chú thích ảnh
Đoạn tuyến cao tốc thuộc dự án thành phần 2 phải thi công cầm chừng chờ diện tích rừng trồng của địa phương kiểm đếm, lên đơn giá đền bù, GPMB, mới bàn giao cho chủ đầu tư. 
Chú thích ảnh
Diện tích rừng trồng chưa bàn giao, chắn ngang tuyến dự án thành phần 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. 
Chú thích ảnh
Cận cảnh diện tích rừng trồng sắn của địa phương vẫn đang kiểm đếm, lên đơn giá đền bù, chưa bàn giao nhà thầu thi công sau gần 5 tháng khởi công.

Còn theo báo cáo mới nhất cập nhật tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn I của Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), đến trung tuần tháng 11/2023, trong tổng số gần 1 ha diện tích cần thu hồi phục vụ thi công dự án thành phần 1, các địa phương có dự án đi qua mới đang kiểm đếm, chưa bàn giao mặt bằng. Khả quan nhất là dự án thành phần 3, trong tổng diện tích thu hồi khoảng hơn 137 ha, địa phương hiện đã bàn giao hơn 132 ha để các nhà thầu thi công, đạt hơn 96%.

Tuy nhiên, theo báo cáo của các địa phương, chi phí GPMB cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được tính toán tại thời điểm hiện tại của các dự án thành phần dự kiến tăng khoảng gần 3.700 tỷ đồng so với chi phí GPMB tại tổng mức đầu tư đã được phê duyệt. Chi phí GPMB tăng, dẫn đến tổng mức đầu tư dự án tăng so với chủ trương đầu tư được Quốc hội thông qua. Do đó, dự án sẽ phải điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định.

Chú thích ảnh
Các nhà thầu dự án thành phần 2 đang phải tranh thủ thi công từng hạng mục cầu cống tại những vị trí có mặt bằng xôi đỗ, xung quanh vẫn là diện tích cao su, rừng trồng chưa được bàn giao. 
Chú thích ảnh
Địa phương chăng dây ngăn diện tích rừng keo chưa bàn giao cho dự án.
Chú thích ảnh
Thậm chí, phần diện tích phải GPMB để bàn giao cho dự án còn có nhiều nhà dân vẫn treo biển bán nhà...
Chú thích ảnh
Do vẫn phải chờ mặt bằng để thi công, nên máy móc, thiết bị, vật tư... của nhà thầu Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn phải "đắp chiếu" nhiều tháng nay, gây thiệt hại kinh tế không nhỏ.
Chú thích ảnh
Trên đường găng thi công cao tốc vẫn có nhà dân kiên cố chưa di dời, bàn giao mặt bằng.
Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Hữu Nhân, Công ty Cổ phần Thịnh Long, đơn vị thi công cao tốc chỉ dẫn phần đất nhà dân, hạ tầng kỹ thuật điện, viễn thông... chưa phá dỡ, di dời, bàn giao nhà thầu thi công. 
Chú thích ảnh
Toàn bộ diện tích mặt bằng, trụ sở cây xăng, hạ tầng kỹ thuật... trong ảnh đều phải di dời từ tháng 8/2023, nhưng đến nay vẫn y nguyên và cây xăng vẫn hoạt động bình thường.

Qua ghi nhận thực tế tại công trường thi công cao tốc, công tác bàn giao mặt bằng thi công tại dự án thành phần 1 và 2 qua tỉnh Đồng Nai hiện không đảm bảo công địa để triển khai thi công. Nguyên nhân chủ yếu do công tác kiểm đếm chậm; đơn giá bồi thường GPMB chưa được địa phương phê duyệt, nhiều diện tích rừng cao su, sắn, keo, đất điều chỉnh quy hoạch phục vụ an ninh - quốc phòng, hạ tầng kỹ thuật điện, viễn thông, cáp ngầm... vẫn "bất động". Bên cạnh đó, công tác tái định cư tại dự án thành phần 1 và 2 chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn đến không đủ điều kiện để GPMB theo quy định...

Việc máy móc, nhân lực chờ mặt bằng để thi công trên công trường hiện nay, không chỉ gây thiệt hại kinh tế cho chủ đầu tư, nhà thầu và các đơn vị thi công, mà còn ảnh hưởng lớn đến tiến độ xây lắp tổng thể, cũng như tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Để đáp ứng tiến độ GPMB, chủ đầu tư và các nhà thầu đều kiến nghị UBND các địa phương có dự án đi qua đẩy nhanh tốc độ quy định mức đơn giá đền bù, bố trí tái định cư, bàn giao mặt bằng... để đảm bảo tiến độ đề ra.

Chú thích ảnh
Cổng chào, hạ tầng kỹ thuật điện... qua xã Tân Hiệp, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đều nằm trên tuyến cao tốc và thuộc diện di dời.
Chú thích ảnh
Hàng loạt máy móc, thiết bị chuyên dụng của các đơn vị thi công đã được huy động vào công trường, nhưng nằm phơi sương, phơi nắng nhiều tháng nay.
Chú thích ảnh
Thêm cả dãy nhà dân nằm trên chính tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu thuộc dự án thành phần 2 vẫn chưa được giải tỏa.
Chú thích ảnh
Thậm chí, hàng loạt máy móc, thiết bị của các đơn vị thi công nằm "đắp chiếu" lâu ngày đến nay đã có dấu hiệu xuống cấp, bị cỏ lau mọc che phủ.
Chú thích ảnh
Tại các đoạn tuyến đã có mặt bằng sạch, các đơn vị thi công tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, tăng tốc san ủi, đắp đất gia cố, gia tải nền đường...

Cũng theo báo cáo tiến độ của Cục Quản lý đầu tư xây dựng, dự án thành phần 1 được chia thành 2 gói thầu xây lắp gồm gói thầu XL01 (Km 0+000 - Km 6+200) chưa lựa chọn nhà thầu, gói thầu XL02 (Km 6+200 - Km 16+00) dù đã lựa chọn xong nhà thầu, nhưng chưa thể thi công do không có mặt bằng. Dự án thành phần 21 gồm 2 gói thầu đã được khởi công, nhưng do mặt bằng "xôi đỗ", hạn chế, nên tiến độ thi công đang chậm so với kế hoạch. Riêng dự án thành phần 3, việc tổ chức thi công sôi động, thuận lợi hơn, các nhà thầu đang tập trung thi công các cầu chính tuyến, cào bóc hữu cơ nền đường, hoàn chỉnh đường công vụ...

Bài, ảnh, video: Vân Sơn/Báo Tin tức
Cơ sở nào để nâng tốc độ thiết kế cao tốc Bắc Nam từ 80 km/giờ lên 90 km/giờ
Cơ sở nào để nâng tốc độ thiết kế cao tốc Bắc Nam từ 80 km/giờ lên 90 km/giờ

Trả lời chất vấn các Đại biểu Quốc hội về việc nâng giới hạn tốc độ với một số tuyến cao tốc Bắc Nam, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng cho biết, đã rà soát tiêu chuẩn và giao các đơn vị liên quan nghiên cứu nâng tốc độ thiết kế cao tốc từ 80 km/giờ lên 90 km/giờ từ đầu năm 2024.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN