Là những người trực tiếp vươn khơi bám biển, những ngư dân ở vùng biển Tây Nam luôn dõi theo tình hình ở Biển Đông và rất bức xúc trước hành động sai trái của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tàu cá vỏ sắt Sang Fish của ngư dân Lê Sang (Đà Nẵng) vừa được đóng mới. Tàu dài hơn 25 m rộng gần 8 m, trọng tải hơn 200 tấn, hoạt động liên tục dài ngày trên biển. Trong ảnh: Khoang lái tàu Sang Fish được lắp đặt thiết bị đi biển hiện đại. |
Những ngư dân các tỉnh ven biển từ Bắc tới Nam vẫn ngày ngày đương đầu với sóng gió và những hiểm họa khôn lường giữa đại dương mênh mông. Họ bám biển không chỉ đơn giản vì mưu sinh mà trên hết là ý thức, là trách nhiệm, là nghĩa vụ giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền biển, đảo của Việt Nam đã dấy lên một làn sóng đấu tranh, phản đối hành vi sai trái, ngang ngược của Trung Quốc trong đồng bào cả nước. Cùng chung tiếng nói với triệu triệu trái tim đang hướng về Biển Đông, những ngư dân đang sinh sống, khai thác thủy sản trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc cũng lên tiếng phản đối kịch liệt những hành vi ngang ngược của Trung Quốc.
Chúng tôi vừa có dịp đến khu vực cảng biển An Thới, huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), cùng các bạn sinh viên tình nguyện trao tặng những lá cờ Tổ quốc đến tay những ngư dân đang hoạt động tại vùng biển này. Cầm lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng trên tay, những ngư dân ở đây không khỏi xúc động. Anh Nguyễn Văn Cương, ngư dân ở Cà Mau cho biết: “Chúng tôi theo dõi thông tin trên báo, đài và rất bức xúc trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trái phép trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta. Trung Quốc đã ngang ngược xâm phạm vùng biển của Việt Nam, lại còn tấn công, đâm vào tàu của ngư dân. Ngư dân vùng biển Tây Nam mong lực lượng chức năng như kiểm ngư, cảnh sát biển và bà con ngư dân ngoài đó cố gắng hơn nữa, bám biển, giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”.
Anh Trương Văn Em, ngư dân ở thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc cho rằng: Khi Trung Quốc có hành vi vi phạm chủ quyền biển, đảo của đất nước thì bà con ngư dân cần thể hiện quyết tâm bám biển hơn nữa, cố gắng hơn nữa để góp phần bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Ngư dân Lâm Trung Hoan khẳng định: “Vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam thì ngư dân Việt Nam có quyền đánh bắt hải sản bình thường. Chúng ta phải cố gắng đấu tranh hơn nữa, trong đó bà con ngư dân sẽ kiên quyết bám biển, giữ vững chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc”.
Ông Hà Văn Hòa, một ngư dân đã ngoài 60 tuổi ở xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang) bất bình nói: “Việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Ngư dân chúng tôi kịch liệt phản đối hành động này của Trung Quốc đến chừng nào nước này rút giàn khoan Hải Dương - 981 khỏi vùng biển của Việt Nam. Chúng tôi quyết tâm bám biển để khai thác, làm giàu cho đất nước, góp phần giữ vững vùng trời, vùng biển của Tổ quốc tới hơi thở cuối cùng”.
Những tiếng nói phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc; những lời động viên của ngư dân vùng biển Tây Nam đến những ngư dân hoạt động khai thác trên Biển Đông đã tạo thêm động lực cho cán bộ, chiến sỹ và ngư đang làm nhiệm vụ trên Biển Đông quyết tâm giữ vững vùng trời, vùng biển của đất nước.
Dù hoạt động ở vùng biển nào, những người ngư dân vẫn đồng lòng, cùng ý chí vươn khơi bám biển, giữ vững chủ quyền không thể xâm phạm của Tổ quốc. Quốc kỳ cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc tàu giữa trùng khơi, gắn bó đồng hành cùng ngư dân trên khắp vùng biển Việt Nam như là một sự khẳng định mạnh mẽ về chủ quyền của đất nước.
Bùi Trường Giang