Cụ thể, ngày 13/10, thị xã Quảng Yên đã tiếp nhận 1.500 quả phao HDPE (tượng trưng) từ các tổ chức, đơn vị doanh nghiệp trong và ngoài thị xã, trị giá khoảng 750 triệu đồng.
Theo ông Trần Đức Thắng, Chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên, hiện địa phương kêu gọi các tổ chức hỗ trợ vật liệu giúp người dân tái khôi phục sản xuất, sau đó địa phương sẽ cân đối trao cho các hộ dân. Đối tượng được hỗ trợ là các hộ cá thể, mưu sinh chính bằng nghề nuôi trồng thủy sản. Số lượng phao được hỗ trợ địa phương sẽ phân bổ đến ngư dân đảm bảo công bằng, minh bạch.
Ông Thắng cho biết, tại Quảng Yên, ngư dân chủ yếu nuôi hàu, hà cửa sông, do đó mỗi bè tre có trọng lượng lớn, khoảng 2 tấn, do đó phao nhựa HDPE dùng thay thế phao xốp cũ có đặc tính riêng, không phải là các quả phao tròn phổ biến như các địa phương khác, loại phao này có kích thước lớn hơn, giá đầu vào cao hơn các loại phao HDPE phổ biến khác.
vậy, người dân rất khó khăn để thay thế. Bởi sau bão số 3, người nuôi trồng thủy sản gần như trắng tay, nên cùng một lúc vừa thay thế phao, vừa khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất là gánh nặng lớn lên ngư dân. Theo ông Thắng, địa phương mong muốn tỉnh sẽ nghiên cứu xây dựng nghị quyết đặc thù đề hỗ trợ người dân bị thiệt hại sau bão.
Thị xã Quảng Yên là địa phương có số ngư dân mưu sinh bằng nghề nuôi trồng thủy sản lớn của tỉnh Quảng Ninh. Sau khi bão số 3 đổ bộ, địa phương này bị thiệt hại nặng nề; trong đó có lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Hiện các hộ dân đang rất cần “phao cứu sinh” để tái sản xuất.
Ông Vũ Huy Sầm (65 tuổi), thôn 8, phường Phong Hải thị xã Quảng Yên cho biết, sau bão số 3, các bè nuôi hàu, hà đều bị đánh vỡ, nguồn vốn tái khôi phục rất khó khăn. Mặc dù ông cùng nhóm các hộ nuôi chung rất muốn thay thế phao nhựa HDPE nhưng vẫn chưa biết lấy nguồn vốn từ đâu, may mắn lãnh đạo thị xã Quảng Yên đã kêu gọi xã hội hóa để giúp đỡ ngư dân phần nào.
“Người dân rất muốn thay thế phao hợp quy để để đảm bảo môi trường và độ bền cao hơn phao xốp, nhưng giá phao HDPE cao, người dân chưa có đủ điều kiện để thay thì lại bị bão số 3 tàn phá, khó khăn càng thêm khó khăn. Do vậy việc xã hội hóa để trao cho ngư dân vô cùng ý nghĩa, đúng nguyện vọng, nhu cầu của ngư dân”, ông Sầm nói thêm.
Trước đó ngày 12/10 và 27/9, tại huyện Vân Đồn, ngư dân được các tổ chức doanh nghiệp trao tặng hơn 2.000 quả phao nhựa HDPE, cùng 1 triệu rong giống và 15 thuyền cho ngư dân cùng các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của địa phương.
Ngoài ra, một số hộ ngư dân của huyện Tiên Yên, Vân Đồn, thành phố Hạ Long, Cẩm Phả bị thiệt hại do bão số 3 đã được nhận các phần hỗ trợ là tiền mặt đến từ các tổ chức, doanh nghiệp.
Sự chung tay chia sẻ của cộng đồng xã hội với các hộ nuôi trồng thủy sản đã góp phần động viên, khích lệ người dân vực dậy, tiếp tục gắn bó, bám biển để khôi phục sản xuất, dần vực lại nghề thế mạnh của người dân vùng biển Quảng Ninh.