Qua đó, nhiều hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư mở rộng sản xuất, chăn nuôi, phát huy hiệu quả nguồn vốn, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Gia đình anh Vì Văn Phanh ở bản Phổng vốn là một trong nhiều hộ nghèo của xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp. Hơn 4 năm trước kể từ khi tách hộ, gia đình anh Phanh vẫn thiếu đói. Do không có kỹ thuật canh tác lại thiếu nguồn vốn đầu tư, nên kinh tế của gia đình ngày càng khó khăn. Năm 2016 gia đình anh biết đến nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế qua sự tuyên truyền của chính quyền địa phương.
Với số vốn trên 30 triệu đồng, ngay sau khi được hỗ trợ gia đình anh đã mua giống cây ăn quả như quýt, xoài, nhãn ghép về trồng. Cùng với đó, anh thường xuyên đi học hỏi thêm các kinh nghiệm sản xuất từ các hộ gia đình đã trồng trước tại địa phương để áp dụng vào mô hình của gia đình. Sau hơn 4 năm trồng, chăm sóc gần 3 ha cam quýt đúng kỹ thuật đến nay mỗi năm gia đình anh đã thu về trên 150 triệu đồng.
Anh Vì Văn Phanh chia sẻ, sau lần đầu vay vốn ưu đãi và sử dụng hiệu quả anh đã trả hết nợ. Hiện anh tiếp tục được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sốp Cộp cho vay thêm 100 triệu đồng để mua thêm con giống và cây giống để mở rộng quy mô sản xuất. Nguồn vốn vay này có lãi suất rất phù hợp với những hộ gia đình phát triển kinh tế với quy mô nhỏ như gia đình anh nên anh rất yên tâm trong việc thanh toán tiền lãi hàng tháng.
Ông Tòng Văn Khiên ở bản Pe, xã Sốp Cộp cũng là một trong những hộ thoát nghèo nhờ được tiếp cận vốn ưu đãi chính sách. Năm 2008, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo được Tổ tiết kiệm và vay vốn của bản bình xét cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội 20 triệu đồng. Với số tiền đó, gia đình ông mua được 2 con trâu sinh sản, đến năm 2011 thì phát triển lên được 5 con trâu. Sau khi bán một con trâu gi đình ông đã đủ để trả khoản vay của ngân hàng.
Ông Tòng Văn Khiên cho hay, nhận thấy việc phát triển sản xuất có hiệu quả, gia đình ông tiếp tục vay 80 triệu đồng theo chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn đầu tư mở rộng quy mô nuôi trâu, bò sinh sản và nuôi lợn thịt. Đến nay, đàn gia gia súc, gia cầm của gia đình ông có 350 con cùng với hơn 2.500 m2 ao cá và 2 ha vườn cây ăn quả. Hiện thu nhập bình quân sau khi trừ chi phí của gia đình ông được hơn 200 triệu đồng/năm.
Xác định cho vay vốn giúp người dân giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sốp Cộp đã có nhiều biện pháp phối hợp tốt với các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội chỉ đạo các tổ vay vốn.
Mọi thủ tục từ khâu thẩm định đến xét duyệt hồ sơ đến việc giải ngân cho vay đến việc kiểm trao nguồn vốn của các hộ vay vốn đều được thực hiện có hiệu quả, qua đó tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình được vay vốn phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sốp Cộp cho biết, đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng pháp luật của Nhà nước về nguồn vốn vay ưu đãi để bà con nắm bắt. Cùng với đó, ngân hàng sẽ tăng cường việc giải ngân không để tồn đọng vốn, phối hợp với tất cả các tổ chức hội nhận ủy thác, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hộ nghèo, gia đình chính sách tiếp cận để phát triển kinh tế gia đình.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp Tòng Thị Kiên cho biết, những năm qua, các hoạt động hỗ trợ người dân phát triển kinh tế trên địa bàn chuyển biến rất tích cực. Nhờ đó đã góp phần quan trọng trong thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa trong công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao ý thức tự giác của người dân trong phát triển kinh tế.
Đến nay, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sốp Cộp đã thực hiện ủy thác cho vay thông qua các tổ chức hội và triển khai đến 100% các xã, bản. Hiện nay, trên địa bàn có 179 tổ tiết kiệm và vay vốn với hơn 6.400 hộ vay vốn. Năm 2020, ngân hàng đã tiến hành giải ngân trên 78 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hàng trăm hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo chung của huyện vùng biên Sốp Cộp.