Đầu tháng 8/2021, ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên trên địa bàn tỉnh được phát hiện tại trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Phan Văn Cường, ngụ ấp Hậu Cần, xã Quảng Thành, huyện Châu Đức. Theo đó, 3 trong số 65 con lợn của gia đình ông đột ngột sốt, bỏ ăn, ủ rũ rồi lăn ra chết. Nghi ngờ lợn mắc bệnh dịch tả châu Phi, ông Cường báo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Châu Đức phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, UBND xã Quảng Thành trực tiếp đến trang trại của gia đình kiểm tra và lấy mẫu bệnh phẩm gửi Chi cục Thú y vùng VI xét nghiệm; thực hiện tiêu hủy lợn chết.
Sau khi có kết quả khẳng định số lợn chết mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, gia đình ông Cường đã tách riêng số lợn còn lại ra từng ô chuồng khác nhau để tiếp tục chăm sóc. Đồng thời, ông cũng tăng cường dinh dưỡng, nâng sức đề kháng, bổ sung các loại vitamin cho lợn; vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, rắc vôi bột tại lối ra vào và xung quanh chuồng, hố chứa phân, nước thải và theo dõi sát sao.
Tương tự, gia đình bà Phạm Thị Hương, ngụ thôn Thành Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức ngày 10/8 đàn lợn 33 con; trong đó có 4 con lợn nái, 29 con lợn thịt của gia đình bà bị nhiễm bệnh. Số con lợn thịt nhỏ nhất đã nuôi được 1 tháng và lợn lớn nuôi được hơn 5 tháng đến kỳ xuất chuồng thì bị chết với các triệu chứng sốt, bỏ ăn...
Bà Hương đã thông báo với chính quyền địa phương và nhân viên thú y đến kiểm tra, lấy mẫu, sát khuẩn và tiêu hủy số lợn bị nhiễm bệnh chết. Gia đình bà Hương là hộ chăn nuôi có lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi đầu tiên của xã Kim Long. Đến nay, xã đã ghi nhận 19 hộ có lợn bị bệnh, với 562 con đã bị tiêu hủy.
Bà Hương cho biết, thời điểm năm 2019 dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh nhưng may mắn gia đình bà không bị thiệt hại. Nguồn lợn giống do lợn nái của gia đình đang nuôi đẻ ra, gia đình bà cũng nhiều năm chăn nuôi lợn nên rất kỹ về khâu phun xịt, khử khuẩn chuồng trại nhưng không biết mầm bệnh từ đâu khiến bà rất lo lắng.
“Lợn bị bệnh phải tiêu hủy, gia đình tôi thiệt hại khoảng 200 triệu đồng. Lợn hơi giá thấp khiến người nuôi thua lỗ, việc bùng phát dịch khiến người chăn nuôi thêm trắng tay”, bà Hương buồn rầu cho biết.
Gia đình anh Phan Hữu Chí, ngụ ấp 4B, xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc cách đây 5 ngày vừa phải tiêu hủy 16 con lợn/tổng số đàn 70 con lợn; trong đó, có 7 con lợn nái do bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Anh Chí cho biết, số lợn giống anh mới mua từ một hộ dân tại xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc về nuôi được 1,5 tháng. Trước tình trạng 16 con lợn bị chết phải tiêu hủy, anh đã phải bán tháo số lợn còn lại trong chuồng, mà vẫn bị lỗ số tiền 200 triệu đồng do đã bỏ ra mua con giống, thức ăn, thuốc cho đàn lợn.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Đức, toàn huyện hiện có 85.000 con lợn. Từ đầu tháng 8 đến nay, có 67 hộ chăn nuôi lợn tại 20/94 thôn, ấp của 9/16 xã, thị trấn có lợn mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, với tổng đàn nuôi 3.781 con; trong đó có 1.763 con bị bệnh hoặc đã chết, buộc phải tiêu hủy, với tổng trọng lượng lợn đã tiêu hủy là 121.597kg.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Đức khuyến cáo người chăn nuôi, hiện nay, dịch tả lợn châu Phi chưa có thuốc đặc trị. Vì vậy để ngăn chặn dịch lây lan, các hộ chăn nuôi cần thường xuyên vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại; theo dõi, giám sát đàn lợn; kịp thời phát hiện, cách ly, phối hợp lấy mẫu xét nghiệm đối với lợn bệnh, nghi bị bệnh. Không riêng gì huyện Châu Đức, mà hiện nay dịch tả lợn châu Phi đã bắt đầu bùng phát trở lại cả ở huyện Xuyên Mộc.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, tính tháng 10/2021, trên địa bàn tỉnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 2 huyện Châu Đức và Xuyên Mộc với tổng cộng 86 ổ dịch, đã tiêu hủy 1.836 con lợn bị chết bệnh với tổng trọng lượng là 123.145 kg.
Nhằm khống chế tình hình dịch bệnh lây lan, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiếp tục phối hợp, hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch khẩn cấp. Theo đó, tiếp tục thực hiện việc tuyên truyền, vận động người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tích cực thực hiện các giải pháp nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
Đơn vị cũng tăng cường kiểm tra, giám sát chăn nuôi, tình hình dịch bệnh trên động vật, phối hợp tăng cường thực hiện kiểm soát buôn bán, vận chuyển, giết mổ trâu, bò, lợn và sản phẩm từ trâu, bò, lợn. Ngoài ra, đơn vị cũng phối hợp cùng các địa phương cấp vôi bột, thuốc sát trùng và tổ chức thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng đối với các ổ dịch, vùng dịch. Để chủ động nắm rõ và kiểm soát các ổ dịch, ngành nông nghiệp đã cử nhân viên thú y theo dõi, hỗ trợ điều trị triệu chứng; hướng dẫn phác đồ điều trị triệu chứng, kế phát cho các hộ chăn nuôi...
Ngoài ra, đơn vị cũng liên tục khuyến cáo, hướng dẫn người chăn nuôi tổ chức tiêm phòng vaccine, thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến dịch bệnh để kịp thời triển khai các giải pháp phòng chống dịch kịp thời, hiệu quả.