Chúng tôi có mặt tại diện tích nuôi tôm sắp đến kì thu hoạch của người dân xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, khó có thể tưởng tượng rằng vùng nước mênh mông trắng xóa giờ đây đã xóa sổ toàn bộ công sức, tiền bạc của mà bà con nơi đây đầu tư, chăm nom trong suốt 3 tháng vừa qua.
Toàn xã Vĩnh Sơn có 166 ha nuôi tôm thì giờ đây toàn bộ đều bị mất trắng. Theo báo cáo nhanh của huyện Vĩnh Linh, địa phương có diện tích nuôi trồng thủy hải sản lớn nhất tỉnh Quảng Trị, đến 10/10 đã có trên hơn 75% diện tích ao nuôi tôm đang ngập sâu trong nước, nhiều diện tích nuôi trồng thủy hải sản khác bị thiệt hại nặng nề.
Tâm sự với chúng tôi, bà Trần Thị Hà, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh cho biết: "Nước lên nhanh quá nên chúng tôi trở tay không kịp, lũ cuốn trôi toàn bộ số tôm trong hồ. Thiệt hại trước mắt của gia đình khoảng 100 triệu đồng. Năm nay là một năm khó khăn khi bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bà con đang mong chờ vào một vụ tôm thắng lợi ai ngờ mất trắng. Bao nhiêu công sức, tiền của giờ không còn gì...".
Cũng giống bà Hà, ông Nguyễn Văn Trung, xã Vĩnh Sơn chia sẻ: "Không chỉ gia đình tôi mà bà con nuôi tôm trong xã đều trắng tay. Bây giờ cả vùng nước ngập như thế này thì không thể làm gì được. Để giảm bớt thiệt hại, gia đình tôi vớt được một ít tôm để bán nhưng mưa lớn, đường ngập hết không biết chuyển đi đâu".
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, mưa lớn kéo dài gây ngập lụt từ ngày 6 -10/10 đã gây thiệt hại lớn, với gần 800ha nuôi trồng thủy sản bị ngập và trôi, trong đó tập trung ở các huyện Gio Linh, Triệu Phong, Vĩnh Linh. Bên cạnh đó, 30 lồng nuôi cá ở Triệu Phong bị mưa lũ cuốn trôi. Trước những diễn biến nguy hiểm của lũ lụt vẫn đang lên, các ngành chức năng đã khuyến cáo người dân không nên tổ chức vớt tôm, cá để tránh nguy hiểm đến tính mạng.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Nhận định tình hình mưa lũ vẫn còn diễn biến phức tạp, nước ở các sông vẫn tiếp tục dâng cao, tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng lượng chức năng, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan lơ là, chủ động nắm tình hình, tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm văn bản chỉ đạo của các cấp, các ngành để ứng phó kịp thời. Tỉnh tạm dừng các hoạt động không cần thiết để tập trung phòng chống mưa lũ...