Nguồn nguyên liệu cá để sản xuất nước mắm là rất lớn nhưng đang có dấu hiệu suy giảm. Vì thế, sản xuất nước mắm, hoạt động khai thác cần phải đi đôi với bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị: "Hiệp hội Nước mắm Việt Nam, Hội Nghề cá Việt Nam, Viện Nghiên cứu Hải sản, cùng các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và đại diện các doanh nghiệp đánh giá kỹ nguồn lợi và các biện pháp bảo vệ, phát triển bền vững nguồn nguyên liệu cá làm nước mắm ở Việt Nam; thực trạng, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp, chính sách cụ thể, khả thi để cùng nhau phối hợp chặt chẽ, thực hiện hiệu quả nhằm khai thác bền vững, nguồn lợi hải sản, cho chuỗi sản phẩm nước mắm Việt Nam, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế".
Đại diện Viện nghiên cứu Hải sản cho biết, hiện nay nguồn lợi hải sản biển Việt Nam có trữ lượng khoảng 3,95 triệu tấn; trong đó, cá nổi nhỏ khoảng 2,45 triệu tấn; cá nổi lớn khoảng 940.000 tấn; cá đáy khoảng 408.000 tấn... Nguyên liệu chính để sản xuất nước mắm là nguồn cá nổi hiện có trữ lượng khoảng 2,45 triệu tấn được phân bố chủ yếu tại Vịnh Bắc Bộ khoảng 547.000 tấn; Trung bộ 690.000 tấn; Đông Nam Bộ 782.000 tấn và Tây Nam Bộ là 430.000 tấn.
Tuy nhiên, nguồn lợi hải sản biển Việt Nam hiện đang bị khai thác quá mức và đang trong tình trạng suy giảm. Do đó, để bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi hải sản, đại điện Viện nghiên cứu Hải sản cho rằng cần sử dụng các loài cá có giá trị dinh dưỡng khác để làm nguyên liệu sản xuất nước mắm thay thế cho nguồn lợi cá cơm đang dần suy giảm.
Bên cạnh đó, cần điều tra nguồn lợi, đánh giá cường lực và sản lượng khai thác thường niên để có kế hoạch bảo vệ nguồn lợi và phát triển nghề cá bền vững. Đồng thời, nghiên cứu đặc điểm sinh học của các loài hải sản, xác định vị trí các bãi đẻ, bãi giống hải sản, xác định mùa sinh sản để làm cơ sở khoa học cho việc bảo vệ nguồn lợi (cấm hoặc hạn chế khai thác có thời hạn).
Ngoài ra, cần áp dụng nhật ký khai thác, truy xuất nguồn gốc điện tử trong khai thác, bảo quản và sản xuất cá. Đặc biệt, cấm nghề và ngư cụ khai thác mang tính hủy diệt, hỗ trợ chuyển đổi sang nghề khác phù hợp với điều kiện tự nhiên và kinh tế của địa phương. Thường xuyên tổ chức các hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi, bù lại nguồn lợi đã bị mất trong quá trình khai thác.
Theo ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS), Hội Nghề cá Việt Nam (Vinafis), theo thống kê, hiện nay Việt Nam có 783 cơ sở sản xuất nước mắm; 1.500 hộ nông dân tham gia sản xuất nước mắm và 35 cơ sở sản xuất nước mắm xuất khẩu.
Việt Nam hiện đã xuất khẩu nước mắm sang 20 thị trường trên thế giới. Trong năm 2019, cả nước đã hình thành được 43 chuỗi sản phẩm tiêu thụ nước mắm an toàn. Tổng giá trị ngành nước mắm đạt khoảng 6.000 tỷ đồng/năm.
Để phát triển bền vững ngành sản xuất nước mắm, ông Lập đề xuất cần thiết lập các mô hình quản lý nguồn lợi dựa vào cộng đồng, hướng tới khai thác bền vững nguồn lợi thuỷ sản cho sản xuất nước mắm, lấy nền tảng là các chi hội nghề cá. Đồng thời, tăng cường liên kết với các Hiệp hội nước mắm để thúc đẩy việc phát triển ngành hàng nước mắm và đưa nước mắm Việt ra thế giới.
Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Thuỷ sản và thực hành IUU, Luật An toàn thực phẩm và các văn bản dưới Luật (Phối hợp giữa cơ quan nhà nước – VINAFIS - VFS). Thúc đẩy các liên kết chuỗi – chuỗi giá trị giữa khối tàu cá – thu mua – doanh nghiệp sản xuất, chế biến nước mắm. Tại các khối tàu cá tổ chức theo hình thức nghiệp đoàn hoặc chi hội nghề cá. Nâng cấp tàu thuyền và trang thiết bị, lưới... hướng tới khai thác nguồn lợi cá nổi nhỏ xa bờ, để bảo đảm nguyên liệu cho chuỗi sản xuất nước mắm.
Đặc biệt, nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới trong bảo quản sản phẩm thuỷ sản trên tàu cá nhằm hướng tới nâng cao chất lượng sản phẩm. Đây là điều kiện tiên quyết an toàn vệ sinh thực phẩm đối với nước mắm.