Theo Phó Tổng Giám đốc BSR, Giám đốc điều hành bảo dưỡng tổng thể lần thứ 5 Mai Tuấn Đạt, đợt bảo dưỡng tổng thể lần thứ 5 theo kế hoạch sẽ được triển khai trong 48 ngày (từ 15/3 đến 1/5) với các mục tiêu đảm bảo an toàn tuyệt đối, chất lượng cao nhất, tiến độ và tối ưu chi phí.
Với quyết tâm và kinh nghiệm tích lũy qua 15 năm quản lý, vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất, BSR và các nhà thầu đã tập trung chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch bảo dưỡng tổng thể nhà máy lọc dầu Dung Quất lần thứ 5.
Trong đợt bảo dưỡng tổng thể lần 5 này, BSR đã đặt ra mục tiêu trọng tâm với rất nhiều thách thức là đưa toàn bộ thiết bị của Nhà máy về điều kiện tiêu chuẩn theo thiết kế; đảm bảo độ tin cậy và toàn vẹn cơ khí để vận hành liên tục 4 - 5 năm sau bảo dưỡng tổng thể; cải tiến thiết kế, khắc phục tất cả các vấn đề kỹ thuật - công nghệ, tháo gỡ các nút thắt công suất để đạt điều kiện khai thác nhà máy an toàn và ổn định dài hạn ở công suất khả dụng tối đa; đảm bảo các điều kiện kỹ thuật, pháp lý để tối ưu chu kỳ bảo dưỡng tổng thể lên 4 - 5 năm đồng bộ với thiết kế và tiến độ dự án nâng cấp mở rộng.
Đợt bảo dưỡng tổng thể lần 5 gồm 6 gói thầu chính; trong đó có các hạng mục công việc quan trọng như mở các thiết bị tĩnh (tăng 23% so với kỳ trước); bảo trì, bảo dưỡng định kỳ hệ thống điều khiển trong toàn nhà máy và tiến hành các cải hoán để tối ưu vận hành.
Tại lễ phát động thi đua vừa diễn ra, Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương cho biết: BSR đã hoàn thành bảo dưỡng tổng thể lần 4 (năm 2020) vượt các kỳ vọng về an toàn, chất lượng và tiến độ. Nhờ đó, kết quả sản xuất kinh doanh của nhà máy đã đạt những kỳ tích sau bảo dưỡng: Lũy kế đạt 43 triệu giờ công an toàn (từ giữa năm 2014 đến nay), vận hành liên tục trên 1.250 ngày, tổng doanh thu trên 421.000 tỷ đồng, nộp ngân sách 47.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 đến 2024.
Kế thừa và phát huy hơn nữa thành quả đã đạt được, với đợt bảo dưỡng tổng thể lần 5 này, BSR sẽ tiếp tục đảm bảo nhà máy vận hành liên tục trong 4 năm tiếp theo, nâng công suất trên 116% và sẵn sàng đấu nối, đưa vào hoạt động cho các dự án nâng cao hiệu quả như cải tiến hiệu suất chưng cất tháp T-1107, đấu nối bể dầu thô mới, sản xuất lưu huỳnh rắn,...
Để đạt các mục tiêu tại đợt bảo dưỡng tổng thể lần 5 này, Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương yêu cầu các nhà thầu, nhân sự BSR, các tổ chức đoàn thể tập trung tối đa nguồn lực, đoàn kết, sáng tạo để hoàn thành đúng thời hạn và lần 5. Tất cả các phòng ban của BSR phải sát cánh cùng với nhà thầu, xử lí kịp thời các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Tại lễ phát động, đại diện BSR và đại diện các nhà thầu tham gia bảo dưỡng tổng thể lần 5 đã ký kết giao ước thi đua nhằm đạt các mục tiêu: Đảm bảo an toàn tuyệt đối, chất lượng cao nhất, tiến độ và tối ưu chi phí.
Đợt Bảo dưỡng tổng thể lần thứ 5 sẽ có 6 gói thầu chính với tổng cộng 2.774 đầu mục công việc thực hiện bảo dưỡng. Gói Inhouse (do BSR tự thực hiện) có 5.036 đầu mục công việc do chính nhân sự BSR thực hiện bảo dưỡng như hệ thống máy nén, thiết bị quay, tự động hóa và thiết bị điện.
BSR cũng cho biết, sau 4 lần bảo dưỡng tổng thể nhà máy, số ngày bảo dưỡng đã được rút ngắn dần nhờ các nhà thầu và BSR có nhiều kinh nghiệm triển khai. Cụ thể, bảo dưỡng tổng thể lần thứ nhất vào năm 2011 kéo dài trong 60 ngày, lần hai vào năm 2014 kéo dài trong 54 ngày, lần ba vào năm 2017 kéo dài trong 52 ngày.
Đặc biệt, lần bảo dưỡng tổng thể lần 4 năm 2020, BSR thực hiện trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, việc huy động chuyên gia nước ngoài, vật tư rất phức tạp nhưng đợt bảo dưỡng tổng thể đã thành công ngoài mong đợi. Đây cũng chính là cơ sở để BSR đặt các mục tiêu cao hơn trong lần bảo dưỡng tổng thể thứ 5 này.
Qua 4 lần bảo dưỡng tổng thể trước, BSR đã tự rút ra được nhiều bài học: Tăng cường công tác quản trị rủi ro và tối ưu phương án phân chia gói thầu, giảm giao diện, tập trung công việc quan trọng. Chú trọng cải tiến công tác hút xúc tác, công tác lắp dựng giàn giáo phía bên trong các thiết bị phản ứng và tái sinh. Đánh giá tối ưu khối lượng vật liệu chịu nhiệt, tối ưu công tác lập kế hoạch, dừng - khởi động nhà máy. Tối đa thay thế các thiết bị quá già cỗi và đào tạo nhân lực nội bộ, giảm phụ thuộc chuyên gia nước ngoài.
Bên cạnh đó, tăng cường công nghệ 4.0 vào công tác quản lý, giám sát bảo dưỡng tổng thể, chủ động đào tạo nhân sự cho phần việc liên quan vật liệu chịu nhiệt, tăng khối lượng công việc do BSR chủ động thực hiện, giảm thời gian chuẩn bị tài liệu.