Kiểm soát dịch bệnh, thị trường phục hồi nhanh
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam, thị trường BĐS phục hồi nhanh từ cuối quý III/2020 sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt và dự báo tiếp tục đà phát triển ngay từ đầu năm 2021 khi có vaccine phòng chống dịch.
Thực tế, hết năm 2020, thị trường mặc dù thiếu nguồn cung, lực cầu giảm mạnh, nhưng các loại hình BĐS vẫn thể hiện tiềm năng. Các doanh nghiệp cung cấp cho thị trường 60.000 sản phẩm mới, tương đương 87,6% so với năm 2019. Đáng chú ý, kết thúc năm 2020 đã có 74.500 sản phẩm BĐS được giao dịch thành công, tương đương 50% năm 2019; BĐS du lịch tuy bị ảnh hưởng, nhưng tốc độ phát triển mạnh; hàng loạt dự án đô thị trên cả nước vẫn đang tiếp tục triển khai, được nhiều nhà đầu tư quan tâm như FLC Grand Quy Nhơn, Novaworld...
Vì vậy, ông Nguyễn Văn Đính dự báo, thị trường BĐS năm 2021 khó có nguy cơ ảo hay bong bóng, ngược lại sẽ bền vững hơn năm 2020; đồng thời, giá BĐS năm 2021 có thể tăng trên 10% so với năm 2020.
Nhiều chuyên gia BĐS cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp BĐS đã hoạt động mạnh trở lại, bắt đầu mở bán các dự án, công bố kế hoạch kinh doanh sau dịch, cùng với kế hoạch tuyển dụng lao động và tìm kiếm nhân sự phù hợp cho kế hoạch lâu dài. Mặc dù thị trường còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp kinh doanh và doanh nghiệp phát triển BĐS đã có những giải pháp tiếp cận khách hàng, thay đổi khu vực phát triển để đón đầu xu thế dịch chuyển dòng vốn FDI và xu thế đô thị hóa ở những địa phương ngoài các đô thị lớn.
Đặc biệt trong thời gian tới, các loại hình BĐS du lịch nghỉ dưỡng, BĐS công nghiệp có thể coi là "điểm sáng" của thị trường, nhờ việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, khiến vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam không ngừng tăng. Bên cạnh đó, Chính phủ đã và đang tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu ban hành nhiều chính sách mới hỗ trợ thị trường BĐS, góp phần giải quyết những vướng mắc tồn đọng đối với các dự án từ năm 2019 trở về trước.
Điểm nghẽn pháp lý và các xung lực cho thị trường
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh, thị trường BĐS giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế, ảnh hưởng đến 35 ngành nghề khác nhau. Đại hội Đảng lần thứ XI và XII đã xác định một trong 3 điểm nghẽn chính của kinh tế Việt Nam là cơ chế chính sách. Sự chồng chéo trong các luật như Luật Nhà ở, Luật Đất đai khiến thị trường gặp khó khăn. Vì vậy, điểm nghẽn về thể chế pháp luật là một trọng tâm cần phải giải quyết cho BĐS Việt Nam, bởi các doanh nghiệp đều mong muốn môi trường kinh doanh đạt được sự công bằng, minh bạch, thông thoáng, cạnh tranh lành mạnh.
"Năm 2020 đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng cơ chế pháp luật khi Luật Đầu tư, Luật Xây dựng sửa đổi đã được thông qua, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc. Ngày 18/12/2020, Nghị định 148 đã được ban hành để sửa một số điều trong Luật Đất đai. Năm 2021 là năm có điểm hội tụ đặc biệt khi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi... cùng có hiệu lực từ tháng 1/2021. Bộ Xây dựng cũng đang tập trung sửa đổi Luật Nhà ở và một số nghị định ban hành về quản lý chung cư cũ... Nhờ vậy, những điểm nghẽn về chính sách sẽ được tháo gỡ, tạo ra cơ chế khả thi cho các nhà đầu tư", ông Lê Hoàng Châu nhận định.
Còn TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, năm 2021, thị trường BĐS có 6 xung lực chính: Thị trường đang chứng kiến sự chuyển đổi số mạnh mẽ; thu nhập của người dân ngày càng tăng với dự báo năm 2021-2025 tăng trưởng khoảng 6,5-7%; Luật doanh nghiệp đã được sửa đổi, quy trình thủ tục được tinh giảm và Luật Chứng khoán cũng đã thay đổi cho phép các quỹ đầu tư, tín thác BĐS hoạt động; sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và chuỗi sản xuất của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam gia tăng, mang đến nhiều dòng vốn ngoại; nguồn vốn giải ngân đầu tư công tiếp tục tăng; lãi suất vay mua nhà đang ở mức thấp nhất trong vòng 15 năm qua. So với thời kỳ khủng hoảng, lãi suất vay mua nhà cao gấp 2 lần, rõ ràng hiện nay đang là thời điểm cực kỳ tốt cho các nhà đầu tư bỏ vốn mua hoặc vay mua nhà.