Đặc biệt, áp dụng IPM trên cây rau, trồng rau theo ngưỡng an toàn cho ra sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn cho sức khỏe và môi trường… vừa giảm được chi phí sản xuất đầu vào. Đồng thời, nâng cao được hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội của các mô hình trồng màu thích ứng biến đổi khí hậu tại đây.
Trong các vụ sản xuất còn lại trong năm, các địa phương vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh Tiền Giang phấn đấu trồng thêm trên 14.000 ha rau màu thực phẩm để đạt tổng diện tích cả năm trên 25.400 ha màu thực phẩm và tổng sản lượng năm 2022 gần 488.000 tấn như kế hoạch đề ra. Điều này, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bù đắp những thiệt hại do đại dịch ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội trong thời gian qua.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm đến nay, các địa phương vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh đã trồng được trên 11.400 ha rau màu các loại, đạt trên 44% chỉ tiêu cả năm; trong đó, có gần 1.000 ha rau màu trồng trên chân ruộng. Nông dân đã thu hoạch đầu vụ được gần 10.000 ha với sản lượng rau màu các loại trên 196.000 tấn cung ứng thị trường.
Huyện Cai Lậy là địa phương có diện tích chuyển đổi trồng lúa độc canh sang luân canh rau màu theo mô hình 1 vụ lúa + 2 vụ màu hoặc 2 vụ lúa + 1 vụ màu lớn nhất khu vực. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy, từ đầu năm đến nay, nông dân Cai Lậy đã trồng được 745 ha màu trên chân ruộng, thu hoạch đạt sản lượng trên 15.500 tấn rau màu các loại; trong đó, nhiều nhất là dưa hấu 420 ha, còn lại là các loại rau màu kinh tế khác như: dưa leo, đậu các loại...
Đáng mừng là tình hình tiêu thụ rau màu khi tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới, thích ứng linh hoạt và kiểm soát hiệu quả COVID-19 khá thuận lợi, các loại rau màu đều có giá, nông dân thu lợi nhuận cao. Nếu so với cây lúa năng suất cao thì trồng màu cho nông dân thu lợi nhuận từ 41,8 triệu đồng đến trên 82 triệu đồng/ ha tùy theo loại rau màu, cao gấp 1,7 lần đền 3,3 lần trồng lúa.