Để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến hết năm 2020 không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí nông thôn mới; đồng thời chỉ đạo các địa phương tập trung xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng các mô hình “hộ gia đình nông thôn mới”, “xóm nông thôn mới kiểu mẫu”...
Huyện Định Hóa là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Thái Nguyên, việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới nói chung và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu nói riêng được triển khai khá bài bản với những cách làm sáng tạo, bài bản.
Cùng với những cơ chế, chính sách chung, huyện đã thực hiện phân bổ nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới cùng với việc lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác như: chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, vốn trọng tâm ATK, chương trình phát triển lâm nghiệp… để giảm đối ứng của cộng đồng dân cư và đẩy nhanh tiến độ thực chương trình.
Bên cạnh đó, huyện Định Hóa tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “tái cơ cấu nông nghiệp Định Hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 - 2020” và xây dựng dự án “Hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và sinh kế bền vững cho người dân vùng trung tâm ATK Định Hóa giai đoạn 2016 – 2020. Hàng năm, huyện ưu tiên bố trí các nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh tiêu thụ chè, hỗ trợ các trang trại, hợp tác xã, các mô hình, dự án về chăn nuôi, thủy sản, cây ăn quả, chè... để giúp các xã đạt tiêu chí về thu nhập.
Huyện cũng đã áp dụng cơ chế đặc thù đối với xây dựng “xóm nông thôn mới kiểu mẫu” trên địa bàn. Ngoài xóm Tổ, xã Phượng Tiến và xóm Bãi Hội, xã Bảo Cường được hỗ trợ xây dựng “xóm NTM kiểu mẫu” từ nguồn vốn do tổ chức KOICA (Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc) và tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ, huyện trích nguồn vốn từ ngân sách địa phương hỗ trợ với mức 600 triệu đồng/xóm trong vòng 2 năm để tập trung phát triển sản xuất...
Ông Hoàng Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa cho biết, trong năm nay, huyện bố trí khoảng 145 tỷ đồng cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, huy động các nguồn lực để hỗ trợ xã Bảo Cường thực hiện hoàn thành xây dựng “xã nông thôn mới kiểu mẫu” giai đoạn 2018 - 2020, nhân rộng và có thêm 8 xóm đạt xóm nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2020 tại các xã Phúc Chu, Kim Phượng, Trung Hội, Đồng Thịnh...
Còn tại huyện Phú Lương, việc xây dựng mô hình xóm, xã nông thôn mới kiểu mẫu được tập trung thực hiện tại xã Tức Tranh - xã có vùng chè đặc sản lớn nhất huyện. Nhờ có sự tập trung đầu tư của huyện tại xã này hiện đã có 14/19 tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; trong đó, có nhiều tiêu chí quan trọng như: thủy lợi, điện nông thôn, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, phát triển sản xuất, giảm nghèo và an sinh xã hội... Trong tổng số 24 xóm trong xã đã có 2 xóm Bãi Bằng và Gốc Gạo đạt chuẩn "xóm nông thôn mới kiểu mẫu" và 7 xóm khác đang được đầu tư để đạt chuẩn "xóm nông thôn mới kiểu mẫu" vào năm nay...
Theo ông Trần Nho Hưởng, Phó chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên, hiện Thái Nguyên đang triển khai xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu tại 9 xã gồm: Đắc Sơn (Phổ Yên), Đồng Liên (Thành phố Thái Nguyên), Minh Lập (Đồng Hỷ), Tức Tranh (Phú Lương), Vinh Sơn (Thành phố Sông Công), Phú Thượng (Võ Nhai), Tiên Hội (Đại Từ), Tân Đức (Phú Bình) và Bảo Cường (Định Hóa).
Đến nay, toàn tỉnh đã có 13 xóm được UBND cấp huyện công nhận đạt "xóm nông thôn mới kiểu mẫu". Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trung tâm, bao trùm theo phương châm “Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc”. Vì vậy, cùng với việc đẩy mạnh xã hội hóa, khai thác tối đa, lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới...
Thái Nguyên tiếp tục thực hiện cơ chế Nhà nước hỗ trợ vật tư (xi măng, cát, sỏi) và một phần kinh phí để người dân tự xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn, trong đó tập trung nguồn lực hỗ trợ, đầu tư cho các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu và huyện Phú Bình - đơn vị cấp huyện đăng ký đạt chuẩn huyện nông thôn mới 2020.
Các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm nông sản chủ lực của từng địa phương, đảm bảo bền vững, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn xây dựng nông thôn mới với triển khai có hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030”...