Nhiều chuyên gia đề nghị rút ngắn hơn chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần có những điều chỉnh tại Nghị định số 95 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83 về kinh doanh xăng dầu khi bộc lộ nhiều hạn chế dù mới có hiệu lực hơn 2 tháng.

Chú thích ảnh
Theo các chuyên gia, một số quy định về kinh doanh xăng dầu đã bộc lộ bất cập. Ảnh: TTXVN.

Ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, trong Nghị định 95, thời gian điều hành xăng dầu đã được giảm từ 15 ngày còn 10 ngày. 

“Khi thị trường bất thường, chúng ta có thể rút ngắn thời gian điều hành, điều này có thể giúp các cửa hàng kinh doanh an tâm, thời gian lỗ được rút ngắn. Trong thời gian vừa rồi, các đầu mối cứ nhập hàng về thì giá lại tăng và bị lỗ. Đồng thời, tạo tâm lý cho người tiêu dùng, giá tăng ở mức độ người tiêu dùng có thể chấp nhận được”, ông Trịnh Quang Khanh cho hay.

Bên cạnh đó, ông Khanh cho biết thêm, chi phí kinh doanh xăng dầu định mức cho các thương nhân đầu mối từ năm 2014 không được thay đổi, hầu như giữ nguyên. Chi phí định mức theo Nghị định 95 sau 1 năm mới được điều chỉnh. Điều này khó cho các đơn vị, các thương nhân đầu mối đã bị lỗ trong bối cảnh biến động của giá dầu thế giới. 

“Chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam đã tăng rất nhiều, gấp mấy lần nhưng cứ phải 6 tháng mới được điều chỉnh. Chúng tôi hy vọng những bất cập này được rút ngắn để các doanh nghiệp kinh doanh đỡ lỗ”, đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam kiến nghị.

Ngoài ra, theo ông Khanh, việc điều hành giá hiện nay vẫn là cơ chế Liên bộ. Bộ Công Thương mặc dù quản lý hết nhưng giá lại do bên Bộ Tài chính điều hành nên cần các bộ điều hành liên ngành, thống nhất. 

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, hiện nay, xăng dầu đóng góp 3,52% GDP và chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Trong khi, giá xăng chịu tác động biến động rất lớn trên thế giới, tất cả các nước đều phải gánh chịu. Vì vậy, Việt Nam cần có chiến lược lâu dài, đặc biệt cần tạo dự trữ chiến lược xăng dầu quốc gia để đảm bảo sự an toàn về năng lượng và cho hoạt động của kinh tế.

“Về việc điều chỉnh giá cả, theo tôi, nên điều chỉnh trong vòng 2 ngày. Bởi vì khoảng chênh lệch giữa giá thị trường và giá trong nước chênh lệch quá xa. Chúng ta nên thích nghi với tình hình thực tế. Bởi trong tình hình hiện nay, diễn biến trên thị trường thế giới, mọi người cập nhật chỉ trong vòng mấy giây, trong khi chúng ta phải chờ 10 ngày mới điều chỉnh. Do đó, theo tôi, ngoài việc phải có sự cải cách về mặt quản lý nhà nước, chúng ta cần vận dụng tốt hơn nữa công nghệ thông tin, kinh tế số để cập nhật một cách linh hoạt hơn nữa trong điều kiện đã thay đổi trên thế giới hiện nay”, TS Lê Đăng Doanh kiến nghị.

Ngoài ra, theo TS Lê Đăng Doanh, để giảm phụ thuộc vào xăng, chúng ta cần có một chiến lược như chuyển mạnh sang sử dụng vận tải đường sông, đồng thời đẩy mạnh sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng tái tạo để giảm bớt sử dụng xăng dầu. Đồng thời, cần phải có những biện pháp tốt hơn để sử dụng năng lượng sinh học bởi hiện đất nước của chúng ta có rất nhiều tiềm năng. 

Còn ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực từ ngày 2/1/2022 đã bộc lộ nhiều bất cập, cần phải sửa. 

Theo đó, cần sửa đổi Nghị định 95 theo hướng phải rà soát lại tất cả điều kiện về kinh doanh xăng dầu được quy định, để giảm bớt những điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính gây khó cho doanh nghiệp, để thị trường xăng dầu được thông thoáng, minh bạch và tiệm cận thị trường.

Cũng theo ông Thoả, bất cập về chu kỳ điều chỉnh giá được quy định trong Nghị định 95 cũng cần được sửa đổi cho phù hợp với biến động của thị trường, theo hướng bãi bỏ chu kỳ điều hành 10 ngày một lần, trước mắt có thể là 5 ngày phù hợp với phương thức mua bán hiện nay của các thương nhân xăng dầu.

Ngoài ra, theo một số chuyên gia, một số thay đổi về đảm bảo dự trữ lưu thông xăng dầu thành phẩm được rút lại còn 20 ngày, thay vì 30 ngày như tại Nghị định 83 trước đây, cũng dẫn tới rủi ro. Đó là khi nguồn cung trong nước từ nhà máy lọc dầu thiếu hụt, như trường hợp Nghi Sơn vừa rồi, doanh nghiệp đầu mối xoay sang nhập khẩu bù cho phần thiếu sản lượng song không đủ thời gian để hàng kịp cập cảng.

Mới đây, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa yêu cầu Vụ Thị trường trong nước sửa đổi quy định về kinh doanh xăng dầu tại Nghị định 83/2014 và Nghị định 95/2021 để "nâng cao hiệu quả công tác quản lý lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, giải quyết một số bất cập xảy ra thời gian vừa qua".  Việc sửa các quy định về kinh doanh xăng dầu dự kiến trình Chính phủ trong tháng 6.

Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực từ 2/1/2022.

Thu Trang/Báo Tin tức
Thông qua nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu
Thông qua nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Mức giảm tối đa theo đề xuất của Chính phủ. Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN