Theo ông Đào Duy Tám - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), Tổng cục Hải quan đang gấp rút hoàn thiện dự thảo Thông tư thay thế Thông tư /2015/TT-BTC và Thông tư 39/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Theo đó, dự thảo bao hàm nhiều cải cách, thay đổi lớn mà một trong những nội dung trọng tâm là thủ tục hải quan.
Dự thảo Thông tư cũng hướng dẫn bổ sung khai chi tiết thông tin phương tiện vận tải ô tô, mô tô xe hai bánh, gắn máy trên tờ khai hải quan để thay cho các chỉ tiêu thông tin về tờ khai nguồn gốc. Đây là cơ sở cho cơ quan hải quan giải quyết thông quan nhanh chóng hơn.
Về địa điểm đăng ký tờ khai, tiếp tục kế thừa quy định hiện nay, dự thảo cho phép doanh nghiệp đăng ký tờ khai tại nơi hàng hóa vận chuyển đến, nơi lưu giữ, cảng đích ghi trên các vận tải đơn. Ngoài ra, các địa điểm làm thủ tục hải quan khác, cho phép doanh nghiệp có trụ sở, chi nhánh, cơ sở sản xuất, trụ sở văn phòng công ty ở đâu thì phải vận chuyển hàng hóa về điểm đó để đăng ký.
Trong quá trình sửa đổi, rà soát các nội dung, Ban soạn thảo của Tổng cục Hải quan thấy rằng: Hiện, trong bộ hồ sơ hải quan chỉ có hai loại giấy tờ, là giấy phép chuyên ngành theo quy định của một số bộ chưa thực hiện điện tử hóa. Đối với các chỉ đạo liên quan xây dựng Thông tư tiến tới phi giấy tờ, số hóa chứng từ trong hồ sơ hải quan, cơ quan hải quan áp dụng triệt để các quy định liên quan đến hồ sơ khi thực hiện thủ tục hải quan và các thủ tục hành chính khác.
Dự thảo Thông tư cũng đẩy mạnh trao đổi, kết nối, chia sẻ thông tin hồ sơ hải quan với bộ, ngành và doanh nghiệp để qua đó cắt giảm các thủ tục hành chính. Chẳng hạn việc khai báo chi tiết thông tin số khung, số máy, chủng loại, kiểu loại của phương tiện vận tải đường bộ như: Xe mô tô, xe ô tô. Việc khai báo chi tiết thông tin góp phần cung cấp thông tin tờ khai cho các cơ quan liên quan để thực hiện các thủ tục đăng kiểm, đăng ký phương tiện, qua đó góp phần vào việc bãi bỏ thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc.
Theo dự thảo, tất cả giao dịch thực hiện qua hệ thống, ví dụ việc khai sửa đổi bổ sung, hủy tờ khai, các thông tin đề nghị của hải quan thực hiện trên hệ thống; các quy định tự động trừ lùi giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu; trừ lùi giấy phép kiểm tra chuyên ngành quy định theo hướng chỉ yêu cầu doanh nghiệp nộp một lần, cơ quan hải quan sẽ theo dõi trên hệ thống.
Với việc áp dụng giám sát tự động, Tổng cục Hải quan dự kiến tiếp tục duy trì kết nối, chia sẻ thông tin với các doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho bãi như: Thông tin dữ liệu tờ khai hải quan, tình trạng tờ khai đã thông quan hay đưa về bảo quản, hay phải niêm phong hải quan để các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi thay mặt cơ quan hải quan thực hiện các biện pháp giám sát đưa hàng hóa ra khỏi khu vực hải quan. Ngoài ra, cơ quan hải quan tiếp tục đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; điện tử hóa các giao dịch trao đổi thông tin giữa cơ quan hải quan với người khai hải quan.
Theo TS. Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, thông tin về chính sách và thủ tục hành chính xuất nhập khẩu ngày càng dễ tiếp cận hơn. Doanh nghiệp đánh giá cao hơn về chất lượng thông tin do cơ quan hải quan cung cấp. Doanh nghiệp cũng hài lòng hơn đối với công tác hỗ trợ, giải đáp của các cơ quan khi doanh nghiệp gặp vướng mắc về tiếp cận thông tin. Những chuyển biến tích cực được doanh nghiệp ghi nhận việc khai hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hoá, nộp thuế, hoàn thuế không thu thuế, cho đến giải quyết khiếu nại.
"Dự kiến trong 5 năm tới, 92.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu, kinh doanh kho, bãi, cảng khi sử dụng hệ thống công nghệ thông tin mới của Hải quan sẽ tiết kiệm khoảng 920 tỷ đồng, được khai báo thủ tục hải quan mọi lúc, mọi nơi, trên mọi công cụ", đại diện Tổng cục Hải quan khẳng định.