Những vạt đồi cà phê đang xanh tốt và bắt đầu ra hoa đợt 1 vụ cà phê năm 2023 của gia đình bà Nguyễn Thị Thường, bản Muông Yên, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La giờ trở nên xơ xác, thân, cành, lá héo khô. Nhìn nương cà phê bị ảnh hưởng bới sương muối bà không khỏi xót xa.
Bà Nguyễn Thị Thường chia sẻ, gia đình bà có khoảng 3.000 m2 cây cà phê, mọi năm cho thu hoạch hiệu quả, nhưng nay bị sương muối hết một nửa. Số diện tích cà phê còn lại, gia đình bà sẽ cắt tỉa và chăm bón lại để sau này có thu nhập.
Cũng ở xã Chiềng Cọ, gia đình chị Lò Thị Lan ở bản Hôm, có hơn 8.600 m2 cây cà phê. Vụ cà phê năm 2022, mặc dù ảnh hưởng bởi thời tiết nhưng gia đình chị vẫn cho thu nhập hơn 50 triệu đồng. Gia đình đang phấn khởi và hy vọng về vụ cà phê năm nay thì lại bị sương muối gây thiệt hại hơn 5.000 m2.
Chị Lò Thị Lan cũng cho biết, so với cây trồng khác thì cà phê là cây cho thu nhập cao, nhưng ở khu vực này thường xuyên bị sương muối. Năm nay cũng bị ảnh hưởng sương muối, không thu hoạch được hoa đợt 1, bởi nó bị thối, bây giờ cưa đốn và chăm sóc lại.
Còn gia đình ông Lò Văn Long ở bản Hôm (xã Chiềng Cọ) có hơn 1 ha cây cà phê. Trận rét đậm, rét hại kèm sương muối cuối tháng 1, đầu tháng 2 đã gây thiệt hại gần như toàn bộ diện tích. Năm 2019, vườn cà phê nhà ông đã bị chết cháy do sương muối. Gia đình ông đã cố gắng cải tạo lại diện tích cà phê đó. Vừa cho thu nhập được vài năm, đến nay lại xảy ra tình trạng này khiến ông rất buồn.
Không chỉ riêng các gia đình trên mà nhiều hộ dân trồng cà phê tại thành phố Sơn La cũng bị thiệt hại đáng kể. Theo thống kê sơ bộ, đợt sương muối này đã gây ảnh hưởng hơn khoảng 11 ha cà phê tại xã Chiềng Cọ. Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Cọ Cà Trung Hòa thông tin, cà phê là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương. Đợt rét đậm, rét hại kèm sương muối vừa rồi đã làm cây cà phê bị ảnh hưởng, gây thiệt hại nặng nề cho các hộ dân.
Hiện tại các cơ quan chuyên môn của địa phương đang tích cực xuống hiện trường những vườn cà phê bị ảnh hưởng để đánh giá mức độ và hướng dẫn người dân các biện pháp cải tạo, phục hồi cũng như phòng ngừa các đợt rét hại, sương muối trong thời gian tiếp theo. Đối với những cây cà phê bị hỏng trên 50% trở lên thì cưa tận gốc. Còn đối với những cây cà phê bị nhẹ, táp lá ngọn thì cắt tỉa cành.
Bà Trần Thị Nga, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố Sơn La cho hay, đối với những vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của thời tiết, Trung tâm đã hướng dẫn các hộ nông dân nên trồng thêm cây che bóng mát để hạn chế sương muối.
Thành phố Sơn La là một trong ba địa phương có diện tích trồng cây cà phê lớn nhất của tỉnh với gần 5.000 ha. Cà phê có mặt khắp các triền đồi, thung lũng, xen trong vườn cây ăn quả. Cà phê đã trở thành cây công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, đem lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân và các doanh nghiệp chế biến, sản xuất cà phê trên địa bàn. Giá trị sản xuất quả tươi hàng năm đạt từ 500 triệu đến gần 1 tỷ đồng, chiếm 46% trong tổng giá trị sản xuất các loại cây trồng chính; giá trị sản xuất bình quân đạt từ 150-200 triệu đồng/ha. Đặc biệt, từ thâm canh cà phê đã giúp nông dân thành phố đẩy lùi đói nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.