Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương sẽ phải đồng hành theo dõi, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện và kịp thời chỉ đạo để đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà các địa phương gặp phải khi triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024.
Giải quyết những tồn tại, bất cập
Tại tỉnh Lai Châu, người dân chấp hành tốt các quy định về luật pháp nói chung và chính sách đất đai nói riêng. Tuy nhiên, do trình độ dân trí và điều kiện khó khăn về giao thông, địa lý, nên việc triển khai Luật Đất đai năm 2024 cũng gặp nhiều khó khăn so với các tỉnh miền xuôi, nhất là khu vực vùng cao, biên giới. Nhưng với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lai Châu, Luật Đất đai năm 2024 sẽ sớm được triển khai sâu rộng, được các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, doanh nghiệp đón nhận để đưa Luật vào cuộc sống.
Theo ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Luật Đất đai năm 2024 là Bộ luật rất quan trọng có tác động rất sâu rộng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung, của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và từng tỉnh, thành phố nói riêng. Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng để giải quyết những vướng mắc, khó khăn mà Luật Đất đai 2013 còn tồn tại, bất cập, cũng như triển khai các thủ tục đất đai có liên quan, đặc biệt là việc phân cấp rất mạnh, cải cách hành chính mà các địa phương phải triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Để đảm bảo các điều kiện thi hành Luật Đất đai năm 2024 và nhanh chóng đưa Luật vào cuộc sống, ngay khi có hiệu lực thi hành, ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn kịp thời xây dựng và triển khai chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật đất đai. Nâng cao nhận thức về chính sách, pháp luật trong lĩnh vực đất đai cho cơ quan, đơn vị và tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư tại địa phương. Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức các Hội nghị tập huấn chuyên sâu pháp luật về đất đai cho cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là cán bộ làm công tác quản lý đất đai tại cơ sở, góp phần nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ về đất đai cho đội ngũ này.
Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai chủ trì tham mưu trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn; tham mưu UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quy định về giấy tờ khác về quyền sử dụng đất có trước ngày 15/10/1993 để cấp "sổ hồng" cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất; quy định hạn mức giao đất chưa sử dụng cho cá nhân đưa vào sử dụng; hạn mức và quyết định diện tích đất giao cho tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; quy định cụ thể điều kiện và diện tích tối thiểu của việc tách thửa đất, hợp thửa đất đối với từng loại đất; xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất...
Bà Trần Thị Thùy Trang, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Kiên Giang cho rằng, hiện nay đối với các dự án đầu tư khu du lịch nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh theo chủ trương đầu tư được duyệt là xây dựng công trình nghỉ dưỡng để cho thuê, không có nội dung cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đối với đất thương mại, dịch vụ, các dự án này đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500.
Chủ đầu tư các dự án xin cấp sở hữu công trình trên đất, đồng thời xin tách thửa theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt chuyển nhượng cho nhà đầu tư thứ cấp (bao gồm chuyển nhượng cho tổ chức và cá nhân) sử dụng. Do đó, khi định giá đất của các dự án này, căn cứ vào chủ trương đầu tư là cho thuê công trình nghỉ dưỡng, không có nội dung cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất nên xác định doanh thu của dự án là từ việc cho thuê công trình nghỉ dưỡng chứ không xác định theo doanh thu chuyển nhượng công trình nghỉ dưỡng.
Như vậy hiện nay nếu các dự án nêu trên đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về kinh doanh bất động sản được chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thì có phải xác định lại giá đất cụ thể đối với các dự án nêu trên khi thay đổi mục tiêu dự án hay không? Do đó, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Kiên Giang kiến nghị trong các dự thảo nghị định lần này cũng cần nghiên cứu về nội dung nêu trên.
Chuyển biến tích cực trong giải quyết thủ tục hành chính
Với quyết tâm thực hiện tốt Luật Đất đai năm 2024, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là "thước đo", thời gian tới, thành phố Hà Nội tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định hành chính, thủ tục hành chính nội bộ, trọng tâm là thủ tục liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng... Đặc biệt, rà soát, đánh giá hiệu quả để tiếp tục đề xuất phương án thực hiện phân cấp, phân quyền trong giải quyết thủ tục hành chính, nhất là nhóm có thủ tục hồ sơ hành chính nhiều giao dịch như tư pháp, đất đai, xây dựng... Cùng với đó là thực hiện số hóa hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo yêu cầu chỉ tiêu, thời hạn của Trung ương và thành phố; gắn với tập trung đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin cho cấp xã, đặc biệt là bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính, tiếp tục tạo chuyển biến tích cực trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Nhấn mạnh, Luật Đất đai năm 2024 đã có nhiều quy định mới, góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn, những vướng mắc, khó khăn, bất cập liên quan đến chính sách đất đai hiện nay cho các địa phương, trong đó có Sơn La. Ông Nguyễn Tiến Dương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La cho biết, để chuẩn bị các điều kiện đưa Luật Đất đai năm 2024 vào cuộc sống, hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tập trung tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, các huyện, thành phố.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các sở, ngành thực hiện quy trình xây dựng văn bản pháp luật và ban hành ngay sau khi Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành; xây dựng Kế hoạch triển khai thi hành Luật để trình UBND tỉnh phê duyệt; tổ chức tập huấn, tuyên truyền đến UBND và cán bộ làm công tác quản lý đất đai các cấp; truyền thông chính sách cho người dân, doanh nghiệp về các quy định mới của Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, các địa phương trên địa bàn tiếp tục tiến hành rà soát văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan đến Luật Đất đai năm 2024 để kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật và thực tiễn địa phương.
Long An có vị trí địa lý khá đặc biệt tuy nằm ở Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, song lại thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Với điều kiện, vị trí thuận lợi đó, những năm qua, tỉnh Long An có sự phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ, trong đó lĩnh vực đất đai đóng góp vai trò rất quan trọng. Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út cho biết, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Long An luôn quan tâm, quyết liệt chỉ đạo đối với công tác quản lý đất đai, đặc biệt là công tác định giá đất. Hiện nay, công tác xác định giá đất trên địa bàn tỉnh Long An đã có những chuyển biến tích cực. Nghị định số 12/2024/NĐ-CP của Chính phủ kịp thời giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong quản lý Nhà nước về giá đất đang tồn tại ở Long An nói riêng và các tỉnh, thành nói chung, kịp thời khơi thông nguồn lực đất cho phát triển kinh tế - xã hội…
Bài cuối: Đảm bảo minh bạch đáp ứng thực tiễn