Nhiều dự án trọng điểm mời gọi doanh nghiệp Nhật, Úc

Ngày 7/9/2016, Hội nghị bàn tròn các thành phố đối tác thương mại (BPC) năm 2016 đã diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh, do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Hội đồng thành phố đối tác thương mại Osaka tổ chức.

Tham dự Hội nghị có đoàn đại biểu từ 14 thành phố ở các nước, là: Singapore, Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), Manila (Philippines), Jakarta (Indonesia), Seoul (Hàn Quốc), Mumbai (Ấn Độ), Melbourne (Úc), Auckland (New Zealand), Hongkong, Thượng Hải, Thiên Tân (Trung Quốc), Osaka (Nhật Bản) và Thành phố Hồ Chí Minh.

Hội nghị bàn tròng kết nối đầu tư giữa DN TPHCM và Nhật Bản, Úc, Philipines.

Hội nghị nhằm tăng cường mối quan hệ kinh tế, hợp tác phát triển giữa Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) với các thành phố trên, đồng thời giới thiệu tiềm năng, điều kiện thuận lợi đầu tư, chính sách ưu đãi đầu tư, kinh doanh tại Thành phố Hồ Chí Minh.


Đáng chú ý, đã có nhiều dự án trọng điểm tiêu biểu trong các lĩnh vực giao thông đô thị, y tế, các tuyến metro, công nghệ cao và công nghệ thông tin, đến từ các đơn vị của TPHCM là Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế, Ban quản lý Đường sắt đô thị, Khu Công nghệ cao, Công viên Phần mềm Quang Trung được giới thiệu tại bàn tròn BPC nhằm mời gọi đầu tư. Các Sở ban ngành của TPHCM cũng đến tham dự để tiếp nhận nhu cầu tìm hiểu thông tin về môi trường đầu tư, chính sách dành cho các nhà đầu tư nước ngoài của TPHCM.

Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC cho biết, từ năm 1997, TPHCM chính thức trở thành thành viên của Hội đồng Các thành phố đối tác thương mại (BPC), cùng các thành phố đối tác thành viên đưa mối quan hệ phát triển toàn diện với tôn chỉ của BPC là “Cùng phát triển thông qua hợp tác kinh tế”. TPHCM được xem là đầu tàu kinh tế của cả nước, là trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài, điều đó được thể hiện qua lũy kế từ năm 1988 đến nay, thành phố có 6.2 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn là 40,8 tỷ USD.


Về đối tác đầu tư vào TPHCM, đứng đầu là đảo quốc Singapore với tổng vốn đầu tư 9,5 tỷ USD, kế đến là Malaysia với 4,94 tỷ USD, British Virgin Islands đứng thứ ba chiếm 4,3 tỷ USD, thứ tư là Hàn Quốc với 4,3 tỷ USD và thứ năm là Hồng Kông với 2,9 tỷ USD. Lĩnh vực được đầu tư nhiều nhất tại TPHCM là bất động sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; giáo dục - đào tạo; bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy và xe có động cơ khác; thông tin và truyền thông, khoa học và công nghệ; xây dựng; vận tải, kho bãi; y tế; dịch vụ lưu trú và ăn uống…


Hiện nay, thành phố đang tập trung và có những ưu đãi nhằm khuyến khích DN đầu tư vào 9 nhóm ngành ưu tiên phát triển gồm: tài chính – tín dụng – ngân hàng – bảo hiểm; thương mại; vận tải – kho bãi, dịch vụ cảng – hậu cần hàng hải và xuất nhập khẩu; bưu chính – viễn thông và công nghệ thông tin – truyền thông; kinh doanh tài sản – bất động sản; dịch vụ thông tin tư vấn, khoa học – công nghệ; du lịch; y tế; giáo dục – đào tạo. Bên cạnh đó, thành phố cũng có chính sách phát triển 4 nhóm ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao (cơ khí, điện tử – công nghệ thông tin, hóa chất – cao su, chế biến tinh lương thực thực phẩm); các ngành công nghệ sinh học, công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng; phát triển công nghiệp thời trang ngành dệt may – da giày, công nghiệp thiết kế.


Chính quyền TPHCM cho biết luôn tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong và ngoài nước thông qua các buổi gặp gỡ, đối thoại nhằm giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc và thông tin cho doanh nghiệp những thay đổi về chính sách cũng như tình hình phát triển kinh tế của thành phố. Hàng năm, ITPC làm đầu mối, phối hợp cùng các sở ngành tổ chức trên 15 cuộc đối thoại giữa chính quyền thành phố với doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Thành phố cũng không ngừng cải cách thủ tục hành chính, luôn tích cực thực hiện đơn giản hóa và công khai quy trình đối với nhà đầu tư nước ngoài; tăng cường thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thời gian thực hiện các thủ tục cho doanh nghiệp.


Để tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, TPHCM đang tiếp tục quy hoạch, phát triển quỹ đất sạch, nâng cao chất lượng hạ tầng, mở rộng số lượng khu công nghiệp, khu chế xuất, khẩn trương triển khai xây dựng giai đoạn hai của Khu công nghệ cao và có kế hoạch mở rộng Công viên phần mềm Quang Trung trong thời gian tới để tạo thêm quỹ đất cho nhà đầu tư. Nhiều dự án hạ tầng và giải phóng mặt bằng cũng được thành phố quyết liệt thực hiện nhằm tạo điều kiện thu hút các dự án đầu tư nước ngoài vào Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu đô thị cảng Hiệp Phước, Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa, các tuyến đường sắt đô thị...


Hải Yên
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN