Thời tiết rét đậm rét hại, có ngày nhiệt độ xuống còn 6 - 7 độ C, cùng với tập quán chăn thả rong, thiếu thức ăn dự trữ để bổ sung là nguyên nhân khiến gia súc bị chết nhiều. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới, nhằm tăng cường phóng chống rét cho đàn gia súc, UBND huyện A Lưới đã hỗ trợ 14 tấn cám gạo cho các hộ chăn nuôi; cử cán bộ nông nghiệp phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho vật nuôi...
Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có văn bản chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương tăng cường phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho vật nuôi. Theo đó, yêu cầu các phòng, ban chuyên môn, các tổ chức đoàn thể và chính quyền cơ sở thông tin, hướng dẫn kịp thời và thường xuyên để người chăn nuôi biết, không chủ quan và bị động trong việc ứng phó, phòng, chống...
Rét đậm rét hại không chỉ khiến gia súc bị chết nhiều mà còn ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân. Kế hoạch, vụ Đông Xuân năm 2020 - 2021, tỉnh Thừa Thiên - Huế đưa vào gieo cấy 28.000 hecta lúa, tuy nhiên đến nay mới được 2.000 hecta, nhiều cánh đồng ở các địa phương vẫn đang ngập nước.
Tại Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, do thời tiết khắc nghiệt, rét đậm rét hại xảy ra dễ khiến đàn gia súc gia cầm bị mắc bệnh. Do vậy, Hà Nội đã ban hành kế hoạch về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2021.
Theo đó, Hà Nội chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện 9 nhóm giải pháp, gồm tuyên truyền, tập huấn; phòng bệnh bằng vắc xin; giám sát dịch bệnh, giám sát sau tiêm phòng; điều tra ổ dịch, các biện pháp xử lý ổ dịch, chống dịch; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng; quản lý hoạt động giết mổ; quản lý kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y và hành nghề thú y, quản lý giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh; thanh tra, kiểm tra lĩnh vực thú y.
Đối với phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ Đông Xuân, Hà Nội chỉ đạo các quận, huyện, thị xã hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; hằng ngày vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao...
Chính quyền và cơ quan chuyên môn các cấp tổ chức Tháng tổng vệ sinh, sát trùng từ ngày 20/12/2020 đến 20/1/2021 để tiêu diệt các loại mầm bệnh ở môi trường, nhất là ở những nơi có mật độ chăn nuôi cao, các điểm tập kết, buôn bán, giết mổ động vật và tại các địa phương thường xuyên xảy ra dịch bệnh gia súc, gia cầm. Rà soát, tiêm phòng mới, tiêm nhắc lại, tiêm bổ sung cho đàn vật nuôi, bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn thuộc diện tiêm phòng được tiêm vắc xin, nhất là đối với bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh...
Trong khi đó, những ngày qua tại Quảng Bình đợt không khí lạnh liên tục xảy ra, rét đậm rét hại kéo dài hơn so với các năm trước.Nền nhiệt độ những ngày qua ghi nhận được trên địa bàn hai huyện miền núi Minh Hóa và Tuyên Hóa của tỉnh Quảng Bình chỉ đạt khoảng 5-7 độ C vào ban ngày, ban đêm nhiệt độ còn xuống thấp hơn, trời mưa kèm sương giá lạnh buốt khiến các hộ chăn nuôi tại địa bàn hết sức lo lắng. Để hạn chế thấp nhất tình trạng gia súc gia cầm chết rét do thời tiết, ngành nông nghiệp địa phương và người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã chủ động triển khai nhiều biện pháp chăm sóc, chống rét bảo vệ đàn vật nuôi.
Ông Nguyễn Duy Phúc, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình cho hay, đợt rét này kéo dài và cảm giác giá buốt hơn so với các năm trước. Theo ông Phúc, mặc dù bản thân ông đã mang mấy lớp áo ấm nhưng vẫn cảm nhận rõ cái rét lạnh nên việc tăng cường phòng chóng rét cho vật nuôi lại càng cần thiết để đảm bảo vật nuôi không bị chết rét.
“Tôi đã cắt cỏ dự trữ nguồn thức ăn cho đàn bò cũng như chuẩn bị sẵn các thức ăn cho bò và đàn gà nuôi. Trời càng rét thì việc tăng khẩu phần ăn và bổ sung chất dinh dưỡng cho vật nuôi là rất cần thiết để chúng có sức chóng chịu với thời tiết”, ông Nguyễn Duy Phúc cho biết thêm.
Với gia đình bà Trần Thị Vân, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, đàn bò, đàn lợn là tài sản lớn của gia đình nên ngay từ khi thời tiết bắt đầu chuyển mùa, ngoài việc tích trữ thức ăn cho gia súc và rơm ủ ấm, bà Vân cũng đã chủ động sửa chữa chuồng trại, gia cố và che chắn các chỗ thoáng gió để ngăn không để gió lạnh lùa vào ảnh hưởng vật nuôi.
Bà Trần Thị Vân chia sẻ: “Trời quá lạnh nên tôi không giám thả rông bò mà phải nhốt vào chuồng nuôi để đảm bảo vật nuôi không bị nhiễm lạnh. Trong chuồng lúc nào cũng được ủ ấm bởi rơm và các loại bao tải, vật dụng chắn gió. Để phòng bệnh và tăng sức đề kháng cho bò và lợn, gia đình cũng đã chủ động tiêm phòng vắc xin các loại bệnh thường gặp cho vật nuôi giờ cũng yên tâm hơn”
Tỉnh Quảng Bình có gần 33.000 con trâu, hơn 100.000 con bò, hơn 210.000 con lợn và trên 3,1 triệu con gia cầm. Thời tiết trở rét, nhiệt độ xuống thấp sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng đề kháng của đàn vật nuôi, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh nguy hiểm.
Để phòng, chống rét cho đàn vật nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu và chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống rét, chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, ngành nông nghiệp địa phương và các cán bộ chuyên môn cũng tăng cường bám sát địa bàn, hướng dẫn, tuyên truyền các hộ chăn nuôi tích cực phòng chóng rét cho gia súc, gia cầm nhằm hạn chế thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, với các hộ chăn nuôi, nhất là khu vực miền núi, ngành cũng đã khuyến cáo nông dân không thả rông gia súc trên rừng, thay đổi tập quán chăn thả bằng chăn nuôi chuồng trại để chống đói, rét cho vật nuôi; xây dựng chuồng trại kiên cố, che chắn cẩn thận, lót chuồng giữ ấm cho vật nuôi và tích trữ sẵn các loại thức ăn khô để tránh tình trạng vật nuôi bị đói giảm sức chống chịu.
Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết: Sau mưa lũ, môi trường chăn nuôi dễ bị ô nhiễm và phát sinh các loại dịch bệnh gây nguy hại cho vật nuôi; cùng với đó là tác động bất lợi của thời tiết giá lạnh cũng ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển chăn nuôi của bà con nông dân.
Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các địa phương quyết liệt bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, vừa chống rét vừa chống dịch, tăng sức đề kháng cho vật nuôi bằng thức ăn, tiêm phòng. Các cán bộ thú y cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp kỹ thuật và kinh nghiệm về phòng chống dịch bệnh, đói, rét cho vật nuôi đến với các hộ dân để người chăn nuôi áp dụng thực hiện.
Cùng với đó, người chăn nuôi cũng nên chủ động trang bị các kiến thức, áp dụng các mô hình, biện pháp chăn nuôi an toàn, hiệu quả; chuẩn bị các phương tiện để chống rét cho đàn gia súc gia cầm và chuẩn bị lượng thức ăn thô, xanh để vật nuôi có sức chống chịu trước các đợt rét đậm, rét hại.