Khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thì hàng loạt nông sản của tỉnh cũng bắt đầu gặp khó về đầu ra, hàng trăm tấn nông sản bị tồn đọng và đứng trước nguy cơ phải đổ bỏ khi đến kỳ thu hoạch, chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Ngược lại, việc thực hiện nghiêm biện pháp giãn cách xã hội trong thời gian qua cũng khiến cho người dân trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong việc mua thực phẩm tươi sống mỗi ngày. Trước thực tế này, thời gian qua chính quyền cùng các cấp hội nông dân, các đơn vị doanh nghiệp bằng nhiều hình thức linh hoạt đã kết nối, hỗ trợ giúp tiêu thụ hàng ngàn tấn nông sản gỡ khó cho bà con con nông dân, đưa nông sản tới tay người tiêu dùng.
Từ cuối tháng 5 đến nay, nhiều loại rau củ, trái cây… trên địa bàn tỉnh bước vào giai đoạn thu hoạch rộ vụ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều sản phẩm nông sản của tỉnh gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ, dù giá cả đã giảm từ 40-60% so với cùng kỳ các năm trước.
Nhãn tại huyện Xuyên Mộc là ví dụ cụ thể. Khi nhãn bắt đầu vào vụ thu hoạch thì dịch COVID-19 trên địa bàn huyện bắt đầu bùng phát mạnh, khiến việc tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn, và càng khó khăn hơn khi tỉnh và địa phương áp dụng giãn cách xã hội. Nhằm giúp nông dân tìm đầu ra cho trái nhãn, Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc đã kết nối và vận động các đơn vị hỗ trợ tiêu thụ nhãn cho nông dân qua các trang mạng facebook, zalo… Từ tháng 7 đến nay, hơn 1.850 tấn nhãn đã được tiêu thụ, với giá dao động từ 10-15 ngàn đồng/kg. Việc hỗ trợ kết nối tiêu thụ như cách làm của Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc đã giúp nông dân vừa có thể duy trì sản xuất, vừa đảm bảo đời sống giữa lúc dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Theo thống kê từ UBND huyện Xuyên Mộc, trong tháng 8 trên địa bàn huyện có khoảng 1.960 tấn nhãn, bà con nông dân đã thu hoạch được khoảng hơn 1.200 tấn, sản lượng nhãn còn lại trong tháng 8 chưa tiêu thụ được là khoảng hơn 700 tấn. Đến nay, thông qua các trang mạng xã hội, Hội Nông dân huyện tiếp tục đăng các thông tin hỗ trợ tiêu thụ nhãn cho bà con nông dân trên địa bàn huyện và trực tiếp kết nối giữa người bán và người mua, thông tin cụ thể về giá cả cho người mua, giá tiêu thụ nhãn này trước đó đã có họp bàn và sự thống nhất cao giữa người trồng nhãn và Hội Nông dân huyện qua các buổi làm việc.
Ông An Đình Doan, nông dân trồng nhãn ngụ tại ấp Phú Sơn, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc có 1,6ha trồng nhãn xuồng cơm vàng, sản lượng nhãn của gia đình ông năm nay thu khoảng 14 tấn. Thông qua kênh kết nối của hội nông dân tới người tiêu dùng đến nay gia đình ông đã tiêu thụ được trên 50% sản lượng nhãn của gia đình. Ông Doan cho biết, nếu không có sự liên kết, hỗ trợ này gia đình ông đành đổ bỏ nông sản vì nhãn đã vào vụ và chín rộ rồi.
Còn tại xã Suối Rao, huyện Châu Đức, gian hàng phục vụ nhu yếu phẩm hằng ngày cho bà con nhân dân trong xã được Hội Nông dân xã Suối Rao thành lập từ hơn 2 tháng qua, đã cung ứng thực phẩm thiết yếu kịp thời cho người dân khi thực hiện giãn cách xã hội. Đây còn là giải pháp giúp giải phóng lượng nông sản ùn ứ không tiêu thụ được trên địa bàn xã khi vào vụ thu hoạch rộ.
Trung bình mỗi ngày có khoảng 200 đến 250 đơn đặt hàng được người dân trên địa bàn xã đặt hàng qua các trưởng ấp, sau đó các trưởng ấp sẽ lần lượt đến gian hàng này để mua và giao hàng đến cho từng hộ dân.
Với hơn 100 mặt hàng chủ yếu là rau, củ quả, trái cây, thịt, cá, trứng… hoàn toàn là các sản phẩm được chăn nuôi, sản xuất của bà con nông dân tại địa phương, mỗi ngày gian hàng này đã tiêu thụ khoảng 2 tấn rau, quả, củ, thịt, cá....
Ông Nguyễn Văn Hinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Suối Rao, huyện Châu Đức cho biết, gian hàng này được Hội Nông dân xã mở ra với mục đích cung ứng lương thực, thực phẩm tại chỗ hằng ngày cho bà con nhân dân. Bên cạnh đó, việc mở gian hàng này cũng nhằm hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân trên địa bàn xã. Sản phẩm được phân phối tới tay bà con nhân dân bằng đúng với giá mua tại vườn, cam kết không lấy một đồng tiền phí vận chuyển hay tiền lời ở gian hàng này.
Cũng triển khai mô hình giúp nông dân tiêu thụ nông sản, ngay từ đợt giãn cách đầu tiên của tỉnh, Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ Âu Cơ, có trụ sở tại thành phố Bà Rịa, đã xây dựng mạng lưới tiêu thụ các mặt hàng nông sản cho nông dân tại các vùng chuyên canh của tỉnh.
Ông Kiều Văn Lành, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ Âu Cơ cho biết, với lợi thế là nhà phân phối thực phẩm thiết yếu, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, nhất là khi tỉnh áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, doanh nghiệp đã chuyển hướng qua bán hàng online, không bán trực tiếp ngoài cửa hàng như trước nữa.
Phía doanh nghiệp đã tiến hành liên kết với hội nông dân các xã, phường, thị trấn của thành phố Bà Rịa, thị xã Phú Mỹ và huyện Long Điền, tới tận các vườn thu mua các loại rau, củ, quả đã đến kỳ thu hoạch cho bà con nông dân, sau đó phía doanh nghiệp cung ứng cho các hệ thống siêu thị của Co.op Mart trên địa bàn tỉnh và theo đơn đặt hàng của UBND các xã, phường, thị trấn để cung cấp cho người dân theo giá rẻ hơn hoặc bằng thị trường.
“Đây là hình thức giúp bà con nông dân tiêu thụ được các sản phẩm nông sản ngoài đồng ruộng, tăng thu nhập cho bà con, lại vừa giải quyết lương thực, thực phẩm kịp thời cho người dân trong thời điểm tỉnh đang áp dụng biện pháp giãn cách xã hội”, ông Lành cho biết thêm.
Hiện nay, phía doanh nghiệp thu mua các loại rau, củ, quả của người dân làm ra với số lượng khoảng 2 tấn/ngày, với giá dao động từ 8-15 ngàn đồng/kg (tùy loại).
Bên cạnh việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản, Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ Âu Cơ còn ủng hộ cho các đoàn thể, bến ăn từ thiện hơn 3 tấn rau củ quả các loại để cung cấp thực phẩm cho người dân tại các khu vực cách ly, khu vực phỏng tỏa trên địa bàn tỉnh.
Chị Kiều Thị Hoa, ngụ ấp 3, xã Tân Hưng, thành phố Bà Rịa cho biết, gia đình có 7 sào đất trồng các loại rau ăn lá. Trong thời điểm dịch đang bùng phát, đầu ra của các hộ trồng rau gặp nhiều khó khăn, việc hạn chế đi lại của người dân cũng khiến chị loay hoay về việc tìm đầu ra cho các mặt hàng đang sản xuất. Thế nhưng, nhờ phía Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ Âu Cơ tới tận các vườn thu mua kịp thời đã giúp gia đình chị vừa giải quyết được vấn đề đầu ra cho sản phẩm, vừa có thu nhập đều trong những ngày dịch bùng phát. Hiện nay, một ngày gia đình chị xuất khoảng 2-3 tạ rau ăn lá các loại, cao hơn thời điểm chưa xuất hiện dịch bệnh.
Như vậy, bằng nhiều giải pháp linh hoạt không chỉ góp phần lan tỏa tinh thần sẻ chia, chung tay hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân mà còn góp thêm sức mạnh, niềm tin cho cuộc chiến chống dịch COVID-19, với tinh thần, không để ai bị bỏ lại phía sau vì dịch bệnh…