Nhiều ngành bị ảnh hưởng của sự phá giá đồng nhân dân tệ

Theo nhiều nhận định chung của các chuyên gia kinh tế, tài chính ngân hàng thì sự phá giá của đồng nhân dân tệ Trung Quốc (CNY) sẽ tiếp tục tiếp diễn và chưa có sự chạm đáy. Điều này đã ảnh hưởng đến nhiều ngành sản xuất trong nước, nhất là những ngành có giao thương với Trung Quốc.


Máy móc, phụ tùng, thiết bị ảnh hưởng nặng nhất


Số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2015 cho thấy Việt Nam nhập khẩu từ khu vực châu Á chiếm tỷ trọng 82,7% trong tổng số nhập khẩu. Trong đó, Trung Quốc chiếm phần nhập khẩu nhiều nhất là gần 25 tỷ USD và tạo ra thâm hụt cán cân thương mại lên đến gần 17 tỷ USD. Theo đó, chuyên gia tài chính ngân hàng TS Bùi Quang Tín, Khoa quản trị kinh doanh Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, nhận định sự phá giá của CNY chắc chắn có ảnh hưởng đến các ngành nghề đang nhập khẩu từ Trung Quốc.


Sự phá giá của đồng Nhân dân tệ ảnh hưởng nhiều ngành tại Việt Nam, trong đó máy móc, thiết bị, phụ tùng bị ảnh hưởng nhiều nhất


Theo TS Bùi Quang Tín, trong 6 tháng đầu năm 2015, các mặt hàng nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng với trị giá là 4,54 tỷ USD; tiếp theo là đến máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có doanh số 2,37 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện đạt 3,35 tỷ USD; kế đến là sắt thép các loại với doanh số 4,1 triệu tấn; nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giày đạt 3,7 tỷ USD; ô tô nguyên chiếc đạt 16,9 nghìn chiếc, … “Các ngành nghề này sẽ bị ảnh hưởng khi mà giá cả của hàng hoá Trung Quốc đã rẻ từ trước nay còn rẻ hơn nữa và sẽ gia tăng tính cạnh tranh của hàng hoá Trung Quốc ngay trên lãnh thổ Việt Nam, từ đó nhập siêu từ Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng và thị phần của hàng hoá Trung Quốc trong những ngành nghề trên tiếp tục gia tăng tại Việt Nam”, TS Bùi Quang Tín chia sẻ.


Về xuất khẩu, Việt Nam xuất sang các nước châu Á chiếm tỷ trọng 49% trong 6 tháng đầu năm nay. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chủ yếu với doanh số đạt gần 8 tỷ USD. Do đó, khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) giảm giá đồng CNY thì hàng hoá Việt Nam sẽ kém cạnh tranh hơn so với hàng hoá Trung Quốc trên lãnh thổ Trung Quốc. Theo đó, các doanh nghiệp trong các ngành như xơ, sợi dệt, gạo... sẽ bị ảnh hưởng.


Ngành dệt may, da giày sẽ bị tác động vào cuối năm do các đơn hàng được ký từ đầu năm 2015


Tuy nhiên, theo TS Bùi Quang Tín, hiện nay chưa có tác động ngay lập tức đến các doanh nghiệp dệt may vì các đơn hàng đã ký được ngay từ đầu năm 2015. Khi các đơn hàng của năm nay được hoàn thiện xong, thì tác động sẽ xuất hiện ngay lập tức. “Nếu như năng lực sản xuất yếu, tài chính hạn hẹp, các doanh nghiệp Việt Nam không thể giảm giá thành nên giá bán sản phẩm của Việt Nam sẽ tăng cao trong thời gian tới. Thậm chí, lượng cung nguyên liệu từ Trung Quốc đến Việt Nam sẽ bị cắt giảm do các nhà sản xuất Trung Quốc hướng tới xuất khẩu những sản phẩm đã chế biến hoàn tất nhằm hưởng lợi cao hơn thay vì xuất nguyên liệu sơ chế như hiện nay. Khi ấy, các doanh nghiệp Việt Nam có thể phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt hơn từ Trung Quốc”, TS Bùi Quang Tín nhận định.


Nên thay đổi chính sách đồng tiền mạnh


Trước tình hình trên, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng cần phải thay đổi chính sách tiền tệ để ổn định nền kinh tế. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, hiện tỷ giá USD trên thị trường tự do tăng mạnh, theo đó sáng ngày 18/8, giá quy đổi VND sang USD đã tăng lên hơn 22.500 đồng/USD. Nếu tình hình giá USD trên thị trường tự do cứ tiếp tục tăng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) buộc phải dùng lượng tiền dự trữ lớn để bán ra nhằm đối phó và ổn định thị trường.


Tuy nhiên, TS Nguyễn Trí Hiếu lo ngại không biết khi nào thì ảnh hưởng của CNY sẽ dừng lại và nếu NHNN bị cuốn hút vào dòng xoáy này, tiếp tục áp dụng chính sách trên thì sớm muộn sẽ xảy ra nguy cơ các ngân hàng buộc phải đóng cửa giao dịch USD một buổi hoặc vài ngày. "Như vậy, sẽ rất rủi ro cho nền kinh tế và tôi hi vọng điều đó sẽ không xảy ra. Theo đó, việc Chính phủ Việt Nam theo đuổi chính sách đồng tiền vững mạnh như Trung Quốc trong thời gian qua đã không còn phù hợp, bởi Trung Quốc cũng theo đuổi chính sách như trên nhưng đến nay buộc phải phá giá", ông Hiếu chia sẻ.


Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, nên thay đổi chính sách tiền tệ để kinh tế phát triển ổn định lâu dài


Cũng theo ông Hiếu, câu chuyện "bán phá giá" của đùi gà đông lạnh Mỹ nhập vào Việt Nam trong thời gian qua là một minh chứng điển hình. Hiện nay, đùi gà nhập của Mỹ đang bán tại Việt Nam có giá 23.000 đồng/kg, trong khi tại Mỹ giá trên 7 USD/kg, còn giá đùi gà trong nước bán 25.000 đồng/kg. Nếu làm phép tính so sánh, giá đùi gà ở Mỹ nhập vào Việt Nam đang rất rẻ. Rõ ràng, nội tệ VND đang rất thấp so với giá trị của tiền tệ Mỹ là gần một nửa. Điều này đã đẩy giá đùi gà đông lạnh của Mỹ nhập vào Việt Nam xuống. Nếu đẩy giá trị thực của VND lên 40.000 đồng/USD thì giá gà nhập mới đẩy lên cao.Vì thế chính sách đồng tiền vững mạnh của Việt Nam nên thay đổi.

Ông Hiếu phân tích,khi Việt Nam đi vào hội nhập sâu thì hàng hóa nhậpvào Việt Nam sẽ rất rẻ. Chắc chắn, nếu không thay đổi chính sách tiền tệ thì sẽ rất nhiều doanh nghiệp Việt bị phá sản vì chịu không nổi sự cạnh tranh về giá. Nhãn tiền là Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam bộ đang phải lo lắng trước sự "bán phá giá" của đùi gà đông lạnh nhập của Mỹ.Bởi theo nghiên cứu của tạp chí The Economist mới đây trên cơ sở lý thuyết Purchasing Power Parity (PPP/sức mua tương đồng của các đồng tiền) thì tờ báo này đã dùng bánh kẹp "Big Mac" để so sánh giá bán chiếc bánh kẹp này tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, giá chiếc bánh kẹp ở TP Hồ Chí Minh do Mac Donald's bán với giá 60.000 VND ( tương đương 2,71 USD tính theo tỉ giá 22.106 VND/USD hiện nay), trong khi ở Mỹ khoảng 4,79 USD. Nghiên cứu này chỉ ra rằng VND được định giá ở Việt Nam chỉ bằng 56% so với giá thị trường. Điều này có nghĩa nếu VND được thả nổi tỉ giá VND sẽ là 22.106/56%= 39.475 đồng.Tuy nhiên, Việt Nam không thể phá giá tới mức này vì như thế kinh tế sẽ đi vào khủng hoảng và an sinh xã hội sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.


TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, bài toán hiện nay là Chính phủ và NHNN Việt Nam nên phá giá đến mức nào là phù hợp. Bởi trên thực tế, phá giá nội tệ tuy có lợi cho xuất khẩu nhưng lại bất lợi cho sản xuất trong nước, nợ công, tiền lương, ngân sách nhà nước... “Nhưng nếu không phá giá, sẽ rủi ro cho nền kinh tế trong tương lai. Và nếu phá giá thì ít nhất sẽ là 10%. Tính từ đầu năm đến nay, chúng ta đã phá giá khoảng 5%. Nếu tiếp tục ngay sẽ không ổn nên cần phải có lộ trình trong 3 năm, mỗi năm phá giá khoảng 3 -4%”, TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích.


Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng nên có giải phải khác trong việc hạn chế rủi ro là tránh lệ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Doanh nghiệp Việt Nam nên tăng cường xuất khẩu vào Mỹ, nhất là sắp tới gia nhập TPP. Vì thế, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nên thay đổi mẫu mã, chất lượng hàng hóa để cạnh tranh và đẩy mạnh xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần thay đổi mô hình phát triển kinh tế, tập trung sản xuất và phát triển những sản phẩm có lợi cho nền kinh tế.


Hải Yên
Nguy cơ thâm hụt do đồng nhân dân tệ giảm
Nguy cơ thâm hụt do đồng nhân dân tệ giảm

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc giảm giá liên tiếp 1,9%; 1,62% và 1,1% so với USD trong 3 ngày từ 11 đến 12/8 có thể khiến cán cân thương mại Việt Nam - Trung Quốc những tháng cuối năm 2015 thâm hụt mạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN